Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

THI HƯƠNG, THI HỘI, THI ĐÌNH THỜI LÊ SƠ


Ngày 15 tháng 4 năm 1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại kinh thành Thăng Long, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, xưng là Lê Thái Tổ, mở ra một triều đại có những thành tựu lớn trên mọi mặt chính trị, xã hội, giáo dục, quân sự, lập pháp… và là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 360 năm nắm vương quyền.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước buổi ban đầu của vương triều Lê, mặc dù còn bộn bề công việc, ổn định xã hội, khắc phục hậu quả nặng nề của 20 năm dưới ách đô hộ tàn bạo của giặc Minh xâm lược. Để phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo nhân tài Lê Lợi cho lập lại trường Quốc Tử Giám tại Kinh đô Thăng Long, và quan tâm đến việc cầu hiền tài bằng cách tiến cử, bên cạnh đó đặt ra các khoa thi để lựa chọn nhân tài như: khoa Minh Kinh tốc chức năm Kỷ Dậu (1429), khoa Hoành Từ mở năm Tân Hợi (1431). Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách.

Những khoa thi đầu tiên dưới thười vua Lê Thái Tổ tuy danh nghĩa là đại khoa nhưng do chưa khôi phục được các khoa thi Hương nên việc tuyển chọn không qua cấp trung khoa (tức thi Hương) mà thí sinh được chọn từ Hương cống, Hương tiến do các trường thi cấp khu vực trực tiếp tiến cử lên. Đến đời Lê Thái Tông, kỳ thi Hương mới có, với sự kiện năm Mậu Ngọ (1438) vua ban chiếu định phép thi Hương để năm sau mở thi Hội ở kinh đô, ai đỗ sẽ được ban danh hiệu Tiến sĩ xuất thân. Để đạt danh hiệu cao quý đó thí sinh phải trải qua 3 kỳ thi quan trọng nhất là thi Hương, thi Hội và thi Đình:

Thi Hương: Thi hương phải qua 4 kỳ:

Kỳ 1 thi kinh nghĩa về Tứ thư.

Kỳ 2 thi Ngũ kinh.

Kỳ 3 thi chiếu, chế, biểu mỗi môn 1 bài.

Kỳ 4 thi một bài văn trường thiên 1000 chữ.

Qua 4 kỳ thi, ai trúng được 3 kỳ gọi là Sinh đồ, khoa sau lại vào thi, ai trúng 4 kỳ thì gọi là Hương cống, đỗ Hương cống rồi năm sau mới được thi Hội. Các tên gọi Sinh đồ, Hương cống bắt đầu từ năm 1462 niên hiệu Quang Thuận, định kỳ 3 năm tổ chức một lần.

Thi Hội: Thi Hội thuộc hàng đại khoa để các Hương cống cả nước đua tài. Thời gian đầu, người đang làm quan dù chưa đỗ Hương cống vẫn được thi Hội, nhưng từ năm 1486 người làm quan cũng phải thi đỗ Hương cống mới được thi Hội. Định kỳ 3 năm tổ chức một lần thi Hội, sau năm thi Hương. Từ thời Lê Nhân Tông, thi Hội có 4 kỳ:

Kỳ 1 thi Tứ thư, Luận ngữ, 4 đề về Mạnh Tử (thí sinh được chọn 4 trong 8 đề). Về Ngũ kinh, mỗi kinh 3 đề cho thí sinh chọn 1 đề, riêng kinh Xuân Thu có 2 đề nhưng phải gọp vào làm thành một bài văn.

Kỳ 2 thi chế, chiếu, biểu, mỗi loại có 3 đề.

Kỳ 3 thi thơ phú, mỗi thể hai đề. Thơ dùng thể Đường luật, phú dùng thể Lý Bạch thường viết.

Kỳ 4 ra bài văn sách, hỏi những điểm khác nhau giữa Ngũ Kinh và Tứ Thư cùng chính sự xấu, tốt của các đời trước.

Thi Đình: Là cuộc thi dành cho những người thi đỗ thi Hội, tổ chức tại sân điện, do nhà vua đích thân ra đề. Trong số những người đỗ, chọn ra 3 người cao nhất (gọi là Tam khôi) là Đệ nhất giáp đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhất giáp đệ nhị danh (Bãng nhãn), Đệ nhất giáp đệ tam danh (Thám hoa).

Người đỗ hạng nhì, tức là đệ nhị giáp, gọi là Hoàng giáp hay Tiến sĩ xuất thân. Người đỗ Đệ tam giáp gọi chung là Tiến sĩ hay Tiến sĩ xuất thân.

Tuy nhiên do nhiều lý do nên đến năm Nhân Tuất (1442) khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Lê mới được mở, do vậy Lê Thánh Tông quyết định dựng bia đề tên những người thi đỗ Tiến sĩ kể từ khoa thi này, có 450 người dự thi, lấy được 33 người đỗ Tiến sĩ, trong đó bậc Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (3 người), Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (7 người), Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (23 người). Lê Thánh Tông khởi xướng và cho lập bia tiến sĩ lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 8 năm Giáp Thìn (1484), các đời vua sau này tiếp tục bổ sung thêm các tấm bia vinh danh mới./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đại việt sử ký toàn thư – Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội 1985
  2. Hỏi đáp về 82 bia tiến sĩ tại văn miếu quốc tử giám – Lê Thái Dũng - Nxb Hồng Đức.
  3. Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim – Nxb Kim Đồng.
  4. Quốc triều hình luật – Viện sử học – Nxb Tư Pháp
  5. Bài & ảnh : Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh