Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

THI ĐÌNH TRIỀU HẬU LÊ


Thi Đình (Đình thí, Điện thi) là một khóa thi Nho học cao cấp nhất do triều đình phong kiến tổ chức để  tuyển chọn người có tài cao, học rộng. Sau khi thí sinh đỗ khoa thi Hội thì mới được dự thi thi Đình.

Thi Đình còn gọi là Điện thí, được tổ chức ngay tại sân điện, do đích thân vua ra đề và chấm thi. Quyển thi và quyển nháp đều do bộ Lễ cấp, có rọc phách. Vua chấm thi vẫn không biết bài đó của ai. Thi Đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ. Đây cũng là kỳ thi cuối cùng để xếp loại tiến sĩ đã đỗ ở kỳ thi Hội trước đó. Sau khi vua chấm bài, học vị của các sĩ tử được quyết định và bảng vàng ghi danh là vinh hiển tột cùng. Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến hoàng thượng, thăm hoa ở vườn ngự uyển, cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

Thời Hậu Lê, việc mở khoa thi để thi tuyển đội ngũ quan lại được chú trọng, thể lệ thi rất nghiêm ngặt, nhất là dưới triều vua Lê Thánh Tông.

Thời Hậu Lê, thi Đình được tổ chức 3 năm một lần; từ năm 1428 đến năm 1789 diễn ra hơn 100 kỳ thi Đình. Người đỗ kỳ thi Đình được phân thành 3 hạng học vị: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ còn gọi là “Tam khôi” (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Người đỗ được vua cho làm lễ xướng danh; lễ ban mũ, áo, đai tiến sĩ; lễ ban yến; lễ lạy tạ vinh quy và khắc bia tiến sĩ trong Văn Miếu để lưu truyền muôn đời.

Triều đình nhà Lê chú trọng đặc biệt đến việc giáo dục đào tạo nhân tài. Năm 1429, Lê Lợi  đã cho mở khoa thi đầu tiên của nhà Lê, gọi là khoa Minh Kinh bác học.

Vua Lê Thái Tông nối ngôi đã chuẩn bị cho những khoa thi có quy chế chặt chẽ. Năm 1434 nhà vua  có lệ định  cứ 5 năm thi hương và 6 năm thi Hội một lần. Đến năm 1438, nhà vua đã sửa đổi lại cứ 3 năm  thi Hội một lần, và những người trúng tuyển đều liệt vào hàng Tiến sỹ xuất thân và ban hành lệ cứ 3 năm một lần thi đã trở thành thông lệ.

Chế độ khoa cử của triều Hậu Lê rất nghiêm, nhất là dưới triều vua Lê Thánh Tông. Năm 1462, vua Lê Thánh Tông định lại lệ thi Hương. Năm 1472, phép thi Hội lại được định lại. Ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 vua Thái Tông triều ta đến nay.

“Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12 đến khoa Giáp Thìn năm nay,  khắc vào bia đá.

Quách Đình Bảo nhân xin đổi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa thành tiến sĩ cập đệ, chánh bảng thành tiến sĩ xuất thân, phụ bảng thành đồng tiến sĩ xuất thân để hợp với quy chế ngày nay. Vua y tờ tâu, sai Công bộ khởi công dựng tạc bia.

Bọn từ thần là Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại thần học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện thị độc kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Xung Xác chia nhau soạn văn bia. Bọn Trung thư giám chính tự Nguyên Tủng và Thái Chúc Liêm cùng điển thư Phạm Lý vâng sắc chỉ viết chữ. Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngai vâng sắc chỉ viết chữ triện” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông, trang 499).

Xét bài văn bia của Đỗ Nhuận:

"Sự nghiệp trị nước lớn lao của Đế vương, không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của nhà nước, tất phải chờ ở bậc hậu thánh. Là bởi trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào thánh nhân đời sau thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điểm chương đầy đủ?.

Kể từ Thái Tổ bắt đầu sửa sang việc học vào kỷ nguyên Thuận Thiên, Thái Tông mở khoa thi đầu vào năm Đại Bảo thứ 3, Nhân Tông chọn người hiền, dùng bậc giới, kính cẩn tôn theo phép cũ. Đến như việc dựng (có sách chép là "phụ") bia ở nhà Thái học thì vẫn để đó chưa làm; văn vật đầy đủ, như còn chờ bậc hậu thánh.

Nay Thánh thượng như trời mở trung hưng, tự mình gánh vác đạo lớn, việc tôn sùng Nho giáo càng thành khẩn chăm lo. Huống chi nhân tài đã được các tiên thánh nuôi dạy từ lâu, hơn nữa lại nhờ công sức mười [42b] năm nâng vực. Trước đây 6 năm một lần thi lớn, nay thì châm chước theo chế độ nhà Chu đã định là 3 năm. Trước kia lấy đỗ đều không quá hai ba chục người, nay thì rộng xét thực tài, không lo nhiều quá.

Cho nên tôn trọng biểu dương, đức ý rất hậu, ân vinh thứ bậc. tiết mục tận tường, vẹn toàn, rực rỡ, vượt cả xưa nay. Cho nên bia đá khắc tên, vẫn ghi việc thực, đặt ở cửa hiền, tưởng lệ kẻ sĩ, công việc làm của nhà vua tốt đẹp nhường nào.

Thế thì triều Lê ta văn minh đầy đủ, khoa mục mở mang, mở nguồn từ thời Thuận Thiên, bắt đầu từ năm Đại Bảo, thịnh hành từ đời Thái Hòa, mà thịnh nhất vào đời Hồng Đức vậy. Nếu như không phải do Thánh thượng làm tròn trách nhiệm bậc thầy, thân hành nằm giữ quyền hành chế tác, thì sao có thể thực hiên cái chí của người trước chưa thực hiện được, hoàn thành sự nghiệp mà người trước chưa hoàn thành".( Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông, trang 499)

Đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh cho Tiến sỹ Thân Nhân Trung ghi tên tuổi các vị Tiến sỹ vào bia dựng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Theo sách “ Các nhà Khoa bảng Việt Nam” thống kê: Dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì (từ 1460-1497), đã tổ chức được 12 kỳ thi Đại khoa; trong đó có tất cả 501 người đỗ đạt gồm: có 9 Trạng nguyên; 10 Bảng nhãn; 10 Thám hoa; 159 Hoàng giáp; 313 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Đây quả là một cống hiến vượt bậc của vua Lê Thánh Tông đối với đất nước.

Nhà sử học Phan Huy Chú (1782-1840) đã nhận định: “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp”. (Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Trẻ, năm 2015, tập 4 trang 31).

Thời kỳ Lê Trung Hưng, vẫn giữ phép thi của thời Lê Sơ. Đến năm 1554 mới bắt đầu thi chế khoa cho đậu hạng Tiến sỹ xuất thân và Tiến sỹ đồng xuất thân. Đến năm Kỷ Sửu 1589 đời vua Lê Thế Tông, triều đình mở thi Hội ở Tây Đô, từ đó trở đi, lệ cứ 3 năm mở khoa thi một lần, nhưng phép thi còn sơ lược hơn thời Lê Sơ.

Năm Giáp Thìn 1664, đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc mới định lại lệ thi Hội cho có quy củ hơn. Dưới thời vua Lê Dụ Tông (1680 – 1731), triều đình vì thiếu tiền, nên đặt ra lệ người đi thi phải nộp tiền Minh Kinh để lấy tiền làm trường học và phí cho quan trường chấm trường thi.

Đến thời vua Lê Hiển Tông (1716 – 1786), quốc khố thiếu hụt vì phải lo chiến tranh, nên triều đình lại đặt lệ thông kinh nghĩa, hễ ai nộp ba quan thì được đi thi mà không cần phải hảo hạch. Thành ra theo tệ đoan ấy, những người ít học, nhưng có tiền cũng đi thi, chính vì vậy mà việc mua quan bán tước diễn ra ngày càng nhiều.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi: “Văn chương thi cử đời Lê, sau khi trung hưng so với khi mới khai quốc khác nhau rất xa. Khi trước văn gọn mà ý sâu, đến sau trung hưng thì văn rườm mà ý cạn. Khi trước văn lưu loát mà rộng, đến sau trung hưng thì văn hẹp hòi mà quê mùa. Vì từ đời Quang Hưng, Hoằng Định về sau, văn vận đã biến, học nghiệp cũng khác; người đi học chỉ biết noi theo khuôn sáo, không biết học rộng là hơn; người chấm văn chỉ cầu lấy người nhớ sách thuộc cũ, mà không nghĩ hiểu rộng là đáng chuộng. Theo thường giữ cũ, quê vụng thành nề, các triều sau dẫu muốn đối mới, nhưng thói quen đã lâu, khó lòng sửa đổi. Ngay như lúc này bàn theo văn thể đời Hồng Đức, mà cũng chỉ thi hành được hai khoa, rồi sau lại chia từng mục từng chương, để lại y ra như thói cũ. Đến cuối đời Cảnh Hưng, càng tủn mủn tìm tòi, chương cú vụn vặt, không còn có chút khí cách hùng hồn nữa. Ôi! Đối suy ra thịnh, đối kiêu bạc ra thuần hậu, thật có quan hệ đến vận đời, muốn một phen chăn tác, có lẽ còn phải đợi chăng”.(Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Trẻ, năm 2015, tập 4 trang 53).

Dưới thời Lê Trung Hưng, ngoài các khoa thi định kỳ, triều đình còn mở những khoa thi bất thường như khoa thi Vọng, khoa Đông các, khoa Hành từ, khoa Tuyển cử (sử không ghi rõ chương trình của các khoa thi này). Thời Lê Trung Hưng tính từ khoa thi năm Giáp Dần 1554 đến khoa thi năm Đinh Mùi 1787, triều đình đã mở tổng cộng 73 khoa thi, lấy đỗ 772 Tiến sỹ.

Nhìn chung dưới thời Hậu Lê, thi Đình thực sự là kỳ thi lớn nhất và cũng đồng thời là vinh quang tột đỉnh của của kẻ sĩ trên con đường học vấn, là kết quả của hàng chục năm đèn sách khổ luyện. Trong kỳ thi Đình, thí sinh thường được thể hiện hết những suy nghĩ, trăn trở của của kẻ sĩ trước thời cuộc của vận mệnh quốc gia. Thể hiện hết tài năng của mình nêu ra trong bài thi đã thực sự đến được người có trách nhiệm cao nhất là Vua. Vì thế, cuộc thi Đình thời Lê đã trở thành một dịp quan trọng để những tài năng trẻ – nguyên khí quốc gia “tư vấn”, góp ý cho nhà vua những chính sách phù hợp trong công cuộc trị nước, an dân và phát triển quốc gia Đại Việt./.

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch triều hiến chương loại chí

2. Đại việt sử ký toàn thư, bản kỷ

3. Khoa cử Việt Nam

Bài : Trình Thị Luận

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh