Từ những năm cuối thế kỉ 14, thời Lê cho ra đời loại gốm hoa lam và dần thay thế cho vị trí độc tôn của gốm hoa nâu và gốm men ngọc. Trong đó, gốm hoa lam là bước đệm đánh dấu cho sự phát triển trên phương diện kỹ thuật cũng như là mỹ thuật của nghề gốm thời bấy giờ. Loại hình sản phẩm của gốm hoa lam được tìm thấy ở Thanh Hóa vô cùng phong phú. Ngoài các loại hình gia dụng như bát, đĩa, ấm, chén...thì còn có một số những đồ gốm đặc biệt như nậm rượu, tước, bình tỳ bà, hộp đựng có nắp...Hiện nay, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh phát hiện, sưu tầm được 6 chiếc bình tỳ bà có kích thước và những mô típ, đồ án trang trí khác nhau.
Bình tỳ bà có dáng mềm mại giống một cây đàn tỳ bà, hiện thân của người phụ nữ Việt Nam. Những chiếc bình tỳ bà được Ban quản lý sưu tầm mang đặc trưng tiêu biểu của gốm hoa lam thế kỉ 15, chất liệu bằng gốm, men màu trắng ngà, vẽ lam xanh hoặc đen, bình miệng loe, cổ eo cao, thân phình, thắt dần xuống đáy, chân đế thấp, quét men nâu, bên trong đế còn in dấu ve lòng. Những chiếc bình tỳ bà đa số đều trang trí hoa văn bên ngoài theo 4 băng chủ đạo:
- Băng thứ nhất: Cổ vẽ cây chuối
- Băng thứ hai: Vai trang trí cánh sen kép, trong xoắn ruột ốc.
- Băng thứ ba: Giữa thân trang trí hoa cúc dây cách điệu, chim chích chòe, hình học hay minh văn
- Băng thứ tư: Sát chân trang trí cánh sen, trong có xoắn móc câu.
Bình tỳ bà trang trí hình chim chòe
Bình tỳ bà trang trí minh văn
Các băng hoa văn phân cách nhau bằng các đường chỉ lam chạy bao quanh. Bên trong miệng trang trí đường chỉ lam và xoắn móc câu. Xương gốm dày, rắn chắc, kỹ thuật chế tác bằng thủ công. Niên đại xác định thế kỉ 15.
Việc phát hiện và sưu tầm những chiếc bình tỳ bà góp phần làm phong phú thêm cho hoạt động trưng bày tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Qua những hiện vật cho ta thấy được nghệ thuật tạo dáng và trang trí gốm hoa lam thời Lê đạt đến trình độ cao, chứng tỏ một thời kỳ phát triển hưng thịnh của vương triều Hậu Lê./.
Bài & ảnh: Trịnh Phương
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK