Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG


Bánh gai Tứ Trụ

 

            Từ xa xưa Bánh Gai là một sản vật không thể thiếu trong các dịp tế lễ, các dịp hiếu hỉ và là món quà quê gửi gắm biết bao ân tình. Bánh Gai Tứ Trụ ( Xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) là đặc sản mang nhiều hương vị của quê hương Thanh Hoá.

            Chưa có nghiên cứu nào khẳng định nghề làm Bánh Gai ở Tứ Trụ có từ khi nào chỉ biết rằng cùng với thời gian và những bước chân của du khách thập  phương bánh Gai Tứ Trụ đã lan toả đi khắp nơi và nghề làm Bánh Gai cũng ngày một phát triển.

            Nguyên liệu để làm bánh gồm có Lá Gai, Gạo Nếp cái hoa vàng, Đậu xanh loại ngon, Vừng trắng, Dừa già, Mật Mía, Đường kính trắng, lá Chuối khô.... Nhưng nguyên liệu quan trọng nhất làm nên nét riêng đặc biệt của bánh là Lá Gai. Loại lá này có hình gần giống lá Khoai Lang, mặt phải có màu xanh, mặt trái màu bạc, nhiều gân, sờ tay ram ráp, có lẽ do yếu tố thổ nhưỡng mà lá Gai ở Tứ Trụ làm bánh ngon hơn hẳn các nơi khác. Làm Bánh Gai tuy không khó nhưng công phu đòi hỏi sự tinh tế, tính kiên trì, điêu luyện ở tất cả các công đoạn. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho tới khâu chế biến là cả một quy trình được tích luỹ kinh nghiệm ngàn đời. Gạo nếp được nghiền thành bột, lá Gai được nấu trên bếp nhiều ngày liên tục sau đó được say thật nhỏ- mịn, Mật Mía phải có độ ngọt cao, không chua. Tất cả nguyên liệu trên được trộn với nhau rồi đem giã thật đều nhịp chày cho đến khi dẻo, mịn có màu đen bóng. Đậu xanh được bỏ vỏ, đồ lên sau đó đem giã với đường kính trắng để làm nhân. Tuỳ theo mùa mà trong nhân có thể thêm cùi dừa già được nạo thành sợi. Bột lá gai, gạo nếp, mật mía có màu đen bên ngoài bao bọc nhân đậu bên trong được gói lại bằng lá chuối khô tự nhiên. Lá chuối được gói thành nhiều lớp để tạo nên mùi thơm đặc trưng và bảo vệ bánh giữ hương vị. Sau đó bánh được xếp từng lớp vào nồi để đồ cách biệt với nước cho đến khi chín mùi thơm bay lên. Những người làm bánh lâu năm có thể biết bánh chín dựa vào mùi thơm bay ra.

           Công đoạn làm bánh đã công phu nhưng để thưởng thức bánh cũng phải theo từng bước. Chúng ta sẽ lần lượt bóc từng lớp lá Chuối, đến khi chỉ còn lại lớp trong cùng, từ từ xé từng sợi lá nhỏ cho đến khi chỉ còn lại một ít lá vừa đủ để cầm bánh không cho bánh dính vào tay. Hương vị đặc trưng quyện hoà giữa các thành phần nguyên liệu của bánh, bột nếp hoà trong vị lá gai, màu sắc của bánh gai, vị ngọt mát của Mật Mía, vị bùi của Đậu xanh và hương vị tự nhiên của lá Chuối... tất cả tạo nên cảm giác đặc biệt và ấn tượng khó phai mờ.

          Về thăm di tích Lam Kinh, thành kính tri ân công lao của đức vua Lê Thái tổ và Vương triều Hậu Lê, du khách hãy thưởng thức bánh Gai Tứ Trụ ( Xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) để thêm một lần nhớ, lưu luyến và trở về với  vùng đất này./.


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh