Bởi vì đất Lam Sơn là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhiều tướng lĩnh tài giỏi, cũng là nơi nhân tài của cả nước về tụ hội dưới cờ nghĩa Lam Sơn, do Bình định vương Lê Lợi lãnh đạo, bùng nổ vào một ngày đầu xuân năm Mậu Tuất(1418).
Khởi nghĩa Lam Sơn - cuộc đấu tranh vũ trang để giành độc lập dân tộc kéo dài 10 năm( 1418- 1428) thì 6 năm đầu nghĩa quân hoạt động chủ yếu ở địa bàn núi rừng miền tây Thanh Hoá, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của nhiều thế hệ. Từ thực tế lịch sử hào hùng của cuộc đấu tranh nhân dân đã tạo ra một vùng văn hoá, văn học dân gian có sức trường tồn trong kho tàng văn hoá dân tộc, cùng với hệ thống đền, miếu, nhà thờ và các tập tục, diễn xướng...có nội dung về khởi nghĩa Lam Sơn, để tưởng nhớ công tích lớn lao của Lê Lợi và đội ngũ tướng lĩnh của người, đã dũng cảm đấu tranh, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.
Năm 1427 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dành toàn thắng, nhà Lê Sơ được thiết lập, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Với hào khí chiến thắng, với tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ, Lê Thái Tổ và các vua nhà Lê đã nhanh chóng xây dựng đất Lam Sơn trở thành Lam Kinh, gồm khu điện miếu để thờ tổ tiên Lê Lợi và thờ chính bản thân Người cùng các Vua và Hoàng Thái hậu sau khi mất được đưa về Lam Kinh an táng xây lăng mộ. Lam Kinh được xây dựng trong sự tiếp thu có chọn lọc tư tưởng của thuyết Phong Thuỷ, lợi dụng những ưu thế của cảnh quan thiên nhiên để tăng vẻ hoàn mỹ, tôn nghiêm cho các công trình.
Trong những thế kỷ tồn tại khu Lam Kinh luôn được tu sửa, làm lại nhiều lần.
Đến những thập niên đầu thế kỷ 20, Lam Kinh ở trong tình trạng bị đổ nát hoang phế. Gia Long Nguyễn Ánh cho dỡ Miếu Điện ở Lam Kinh và ngoài Bắc Thành ( Hà Nội) vào xây đền vua Lê ở Bố Vệ (Thành phố Thanh Hoá) rồi đưa tất cả thánh vị các vua và Hoàng thái hậu nhà Lê về đây thờ cúng.
Tuy vậy đến nay Lam Kinh vẫn là nơi bảo tồn được nhiều di tích về nhà Lê Sơ có trên đất Thanh Hoá.Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ngày 22 tháng 10 năm 1994, thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể về tu bổ phục hồi tôn tạo khu di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Lam Kinh tại quyết định 609/TTg.
Để có cơ sở khoa học về việc thực hiện dự án, công tác nghiên cứu được đẩy mạnh cho đến nay đã tiến hành được 7 cuộc khai quật khảo cổ học ở Trung tâm Điện Miếu, nhằm làm rõ quy mô kết cầu và diễn biến về quá trình xây dựng ở những thế kỷ trước.
Một sưu tập khá phong phú về các chủng loại gạch ngói, các mẫu hoa văn các,mẫu tác phẩm nghệ thuật bằng đất nung, các hiện vật gốm sứ đã được thu thập mang lại nhiều thông tin bổ ích thiết thực trong công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo các công trình ở khu Miếu Điện. Một số cuộc hội thảo khoa học, triển lãm các phương án thiết kế, được tổ chức nhằm lấy lại ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, của cán bộ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ngày 12 tháng 11 năm 2003 lãnh đạo Bộ Văn hóa thông tin nay là Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đã ra thông báo kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo việc thực hiện dự án, lấy việc bảo tồn yếu tố gốc là quan trọng. Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch- Ban quản lý dự án các công trình Văn hoá dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành các hạng mục vào năm 2008. Khu di tích lịch sử văn hoá Lam Kinh trong tương lai gần sẽ có vị trí xứng đáng với tầm vóc lịch sử của nó, đáp ứng nhu cầu tham quan học hỏi của khách trong nước và quốc tế, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về khu di tích lịch sử văn hoá Lam Kinh của đông đảo cán bộ nhân dân, Sở Văn hoá Thông tin Thanh Hoá đã chỉ đạo cán bộ và nhân dân Sở Văn hoá thông tin Thanh Hoá đã chỉ đạo việc biên soạn tập sách "Khu di tích Lam Kinh" gồm 7 chương do tác giả Nguyễn Văn Hảo thực hiện. Là một cán bộ nghiên cứu lịch sử chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng đã nhiều năm gắn bó với công tác này, với tất cả lòng nhiệt thành và tôn kính tổ tiên, tác giả đã cố gắng tiếp nhận các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử liệu, tư liệu điền dã và văn hoá dân gian để phân tích, đánh giá đưa ra một cái nhìn toàn diện về khu di tích lịch sử Lam Kinh. Tuy nhiên trong phạm vi giới hạn một tập sách với hiện trạng của những di tích gốc hiện còn thì khó có thể đòi hỏi ở tác giả đi sâu vào nhiều chi tiết cụ thể như đối với một di tích kiến trúc nghệ thuật còn phần nổi của công trình, mà chỉ dừng lại ở mức độ đưa ra một khung niên đại cho phong cách kiến trúc nghệ thuật của các công trình sẽ được phục dựng, cũng như nêu phương hướng xử lý những tác phẩm điêu khắc đá không còn nguyên lành. Những phần việc kế tiếp mang tính kỹ thuật, thuộc về các kiến trúc sư và nghệ sĩ tạo hình. Tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách "Khu di tích Lam Kinh" tới quý đọc giả và mong nhận được ý kiến đóng góp giúp tác giả bổ sung, đính chính để tập sách được hoàn chính hơn.
Lời Tựa
Khởi nghĩa Lam Sơn( 1418-1428) dấy lên từ đất lam Sơn trong một hoàn cảnh và điều kiện vô cùng khó khăn khi mà công cuộc khôi phục của nhà Hậu Trần và các cuộc khởi nghĩa khác đều thất bại và nhà Minh đã thiết lập củng cố nền thống trị trên phạm vi cả nước. Dưới thời Minh thành tổ, nhà Minh là một đế chế lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông và trên thế giới, trong toan tính của nhà Minh việc chinh phục Đại Việt không chỉ nhằm xâm chiếm một quốc gia mà còn thiết lập một địa bàn chiến lược hỗ trợ cho một kế hoạch bảy lần vượt biển nổi tiếng của hạm đội Trịnh Hoà xuống "Tây Dương" tức vùng biển Đông Nam Á và Nam Á để mở rộng ảnh hưởng của đế chế. Cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo, bắt đầu chuẩn bị với hội thề Lũng Nhai năm 1426 và bùng nổ vào mùa xuân năm 1418. Từ cuộc khởi nghĩa dân tộc nhen nhóm lên với mấy trăm nghĩa quân, khởi nghĩa Lam Sơn vượt muôn vàn gian nan thử thách, phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sâu rộng trên cả nước và kết thúc bằng chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang oai hùng, buộc quân Minh phải chấp thuận Hội thề Đông Quan, cam kết rút quân về nước. " Bình ngô đại cáo" do Nguyễn Trãi viết đã vang lên như khúc ca khải hoàn của dân tộc và đi vào lịch sử như một thiên cổ hùng văn, một tuyên ngôn độc lập.
Trong thắng lợi huy hoàng của khởi nghĩa Lam Sơn, nhân dân Thanh Hoá có quyền tự hào chính đáng đã cống hiến cho đất nước người anh hùng dân tộc Bình định vương Lê Lợi cùng biết bao nghĩa binh và danh tướng, đã có đất Lam Sơn vừa là quê hương, vừa là nơi xuất phát và căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, có vùng núi rừng hiểm yếu cùng với những con người yêu nước chiến đấu ngoan cường trong 6 năm hoạt động gian nan nhất.
Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, vương triều Lê Sơ thành lập, Lam Sơn trở thành Lam Kinh tồn tại như một khu thánh địa tôn nghiêm, nơi thờ cúng tổ tiên và các Hoàng đế, Hoàng hậu nhà Lê, nơi cử hành những nghi lễ mỗi khi Vua Lê về bái yết sơn lăng. Đây là một khu lịch sử văn hoá mang nhiều ý nghĩa và giá trị thiêng liêng không chỉ đối với nhân dân Thanh Hoá mà của cả nước, cả dân tộc.
Trải qua những thời gian và những biên thiên lịch sử, kiến trúc của khu Lam Kinh không còn lại bao nhiêu, phần lớn đã bị hư hỏng, huỷ hoại nhất là sau khi triều Nguyễn chuyển việc thờ cúng các vua Lê từ Lam Kinh về đền Bố Vệ( thành phố Thanh Hoá). Trước đây mỗi lần về điều tra khảo sát hay viếng thăm Lam Kinh nhìn quang cảnh phế tích, tôi không khỏi bùi ngùi suy tưởng lại vẻ uy nghiêm xưa với sự nghiệp Bình Ngô vẻ vang của Bình Định vương Lê Lợi và công lao phục hưng đất nước của vương triều Lê Sơ, nhất là vua Lê Thánh Tông.
Ngày 22/10.1994 Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định số 609/TTG phê duyệt dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hoá Lam Kinh hoàn thành vào năm 2008. Giai đoạn 1 thực hiện một phần dự án như dựng các nhà Bia, tu bổ 5 khu lăng mộ, trùng tu mở rộng đền thờ Lê Lợi và đền thờ Lê Lai, xây cầu trên sông Ngọc... công việc tôn tạo khu Lam kinh được cả nước quan tâm và do đó có lúc cũng đã dấy lên những cuộc tranh luận quanh việc bảo tồn khu di tích lịch sử văn hoá này. Vì vậy, khi bước sang giai đoạn 2, lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý dự án đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổ chức khai quật khảo cổ học, mở hội thảo khoa học... nhằm chuẩn bị cơ sở khoa học và thu thập ý kiến rộng rãi các nhà khoa học trước khi thực hiện giai đoạn 2.
Trong công tác bảo tồn của chúng ta, một nhược điểm khá phổ biến là chưa coi trọng và đầu tư đúng mức cho công việc nghiên cứu cơ bản dẫn đến hệ quả là một số công trình trùng tu, tôn tạo vội vàng, thiếu cơ sở khoa học, vừa lãng phí công quỹ, vừa gây ra sự phản ứng trong dư luận xã hội. Vì vậy tôi hoan nghênh và ủng hộ chủ trương cần phải đẩy mạnh và tổ chức tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học khu Lam Kinh. Thực hiện chủ trương đó, 7 đợt khai quật khảo cổ học đã được thực hiện ở khu trung tâm Lam Kinh và công việc thu thập tư liệu cũng được triển khai không chỉ tư liệu thư tịch Hán nôm mà cả tư liệu văn hoá dân gian, tức di sản phi vật thể liên quan đến di tích. Kết quả khảo cổ học cho thấy kiến trúc ở Lam Kinh từ thế kỷ XV đến TK XVIII đã trải qua nhiều lần tu bổ, xây dựng lại và hầu như đổ vỡ, tan nán vào TK XVIII đầu TK XIX. Nhưng các nhà khảo cổ học đã cung cấp nhiều tư liệu rất quý về di tích các kiến trúc cùng các chân cột đá, trụ móng chân cột và một khối lượng phong phú, đa dạng các vật liệu xây dựng qua các lần tu sửa, xây dựng. Những tư liệu khảo cổ học ấy cùng các phế tích trên mặt đất kết hợp với các nguồn tư liệu thư tịch và dân gian là cơ sở khoa học để đề xuất kế hoạch và triển khai công việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích Lam Kinh.
Nhưng trước tình trạng di tích bị tàn phá nằng nề như vậy thì nên bảo tồn và tôn tạo như thể nào? Đấy là câu hỏi lớn đặt ra và đứng trước nhiều quan niệm khác nhau.Trên thế giới cũng tồn tại nhiều trường phái khác nhau, thậm chí đối lập nhau về vấn đền này: bảo tồn nguyên gốc dù dưới dạng phế tích, kể cả di tích còn bảo tồn trên mặt đất và di tích trong lòng đất do khảo cổ học phát lộ; kết hợp giữa bảo tồn một bộ phận nguyên gốc với những công trình phục dựng tương đối trên cơ sở tư liệu cho phép; bảo tồn nguyên trạng trên khu di tích và phục dựng hay xây dựng mới trên khu vực gần đấy... Những phê phán, ủng hộ hay tranh cãi về công việc bảo tồn khu di tích Lam Kinh cũng không ngoài những quan niệm và trường phái đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và suy ngẫm, đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Khu di tích Lam Kinh.
Cuốn sách gồm 7 chương.
Hai chương đầu tóm lược về vị trí, vai trò của Thanh Hoá trong khởi nghĩa Lam Sơn, trong đó chương 2 thu thập và hệ thống những tư liệu văn hoá dân gian phản ánh công lao và hình tượng Bình Định vương Lê Lợi trong ký ức và tấm lòng của nhân dân xứ Thanh. Đây là di sản văn hoá phi vật thể, góp phần làm sống lại quá khứ lịch sử. Trong phương án bảo tồn khu Lam Kinh, tác giả cũng đề xuất việc phục hồi một số di sản văn hoá phi vật thể này trong tổ chức lễ hội ở Lam Kinh.
Hai chương IV, V miêu tả công phu những di tích, hiện vật được bảo tồn trong lòng đất.
Hai chương cuối tác giả đề xuất phương án thờ cúng ở khu Miếu Điện Lam Kinh với những nhân vật lịch sử và cách sắp xếp các thánh vị cùng phương hướng bảo tồn, phục hồi và tôn tạo phát huy giá trị khu di tích. Tôi coi đây là một phương án bảo tồn theo quan niệm của tác giả, góp phần vào việc nghiên cứu, tuyển chọn và quyết định kế hoạch thực hiện gian đoạn thứ 2 dự án bảo tồn, tu bổ phục hồi tôn tạo khu di tích Lam Kinh. Vấn đề cơ bản cần xem xét kỹ ở đây là xử lý thoả đáng mối quan hệ giữa xây dựng mới với việc bảo tồn nguyên gốc, nguyên trạng một số di tích tiêu biểu còn lại, dù là phế tích của Lam Kinh xưa. Các di vật cũng cần được nghiên cứu không chỉ để tạo một số vật liệu kiến trúc và trang trí trong xây dựng mới mà còn phải được lưu giữ trong lòng đất qua nhiều lần tu bổ, thay đổi và đã đổ nát, không còn khả năng bảo tồn cũng cần lập hồ sơ đầy đủ và có thể lập mô hình đưa vào nhà trưng bày. Tóm lại cái quý nhất của Khu di tích Lam Kinh là những di tích, di vật còn lại cho đến nay, kể cả trên mặt đất và trong lòng đất, dù chỉ là từng bộ phận hay bị tàn phế, đều cần được bảo tồn tối đa bằng nhiều phương án phù hợp. Những kiến trúc mới mang tính phục hồi hay tôn tạo cần kết hợp hài hoà những di tích gốc. Tôi đặc biệt lưu ý điều này như một nguyên tắc bảo tồn.
Trong tinh thần trên tôi hi vọng công trình nghiên cứu và những đề xuất của nhà khoa học Nguyễn Văn Hảo sẽ góp phần tích cực vào công việc triển khai dự án tu bổ, phục hồi tôn tạo khu di tích lịch sử Lam Kinh.
GS: Phan Huy Lê
Chủ tich Hội khoa học lịch sử Việt Nam