Sau gần 10 năm kháng chiến gian khổ (1418 – 1427), nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã đánh bại quân Minh, giành lại độc lập cho đất nước, nhưng cũng phải gần 10 năm trên mặt trận ngoại giao, triều Lê Sơ mới buộc được nhà Minh công nhận địa vị hợp pháp của mình.
Năm 1431, nhà Minh phải thừa nhận chính quyền của Lê Lợi, dù chỉ mới trao cho ông chức danh “Quyền trông coi quốc sự An Nam”. Hơn năm năm sau, nhà Minh mới chịu phong cho vua Lê Thái Tông làm “An Nam quốc vương”. Với sự kiện này, nhà Minh đã chính thức công nhận Đại Việt là một nước hoàn toàn độc lập, quan hệ giữa hai nước được khôi phục đầy đủ. Đây là một thắng lợi chính trị quan trọng của vương triều Lê sơ sau khi đã đánh đuổi được quan, quân nhà Minh ra khỏi bờ cõi. Thắng lợi này thể hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, đúng đắn của vương triều Lê sơ trong quan hệ với Trung Quốc – một đế chế lớn chưa bao giờ từ bỏ tham vọng thôn tính Đại Việt. Mục đích của đường lối này đã từng được Nguyễn Trãi đúc kết trong bài “Phú núi Chí Linh” nổi tiếng: “Sửa hòa hiếu cho hai nước” để “Tắt muôn đời chiến tranh”1.
Trong lịch sử quan hệ sách phong, triều cống giữa nhà Minh và Lê sơ (1428 – 1527) diễn ra rất ổn định. Trong khoảng 100 năm này, việc cầu phong, sách phong, triều cống cũng như các quan hệ thông hiếu khác diễn ra đều đặn, hữu hảo, theo đúng luật lệ và không xảy ra một biến động lớn nào như thời Trần, Hồ trước hay thời Mạc sau đó.
Từ khi triều Lê được thành lập 1428 đến năm 1527 đã có 11 đời vua kế tiếp nhau: Lê Thái Tổ (1428 – 1433), Lê Thái Tông (1433 – 1442), Lê Nhân tông (1442 -1459), Lê Nghi Dân (1459 – 1460), Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Lê Hiến Tông (1497 – 1504), Lê Túc Tông (1504), Lê Uy Mục (1504 – 1509), Lê Tương Dực (1510 – 1516), Lê Chiêu Tông (1516 – 1522), Lê Cung Hoàng (1522 – 1527).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời Lê Sơ có 11 đời vua thì có 10 đời vua sau khi lên ngôi đã sai sứ giả sang triều Minh cầu phong: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông. Chỉ có Lê Cung Hoàng (Lên ngôi năm 1522) chưa cử sứ giả đi cầu phòng thì đã bị Mặc Đăng Dung cướp ngôi và giết chết vào năm 1527.
Bảng thống kê quá trình cầu phong của các vua Lê sơ:
STT |
Vua cầu phong |
Sứ giả đi cầu phong |
Thời gian sứ đoàn cầu phong đi (theo Đại Việt sử ký toàn thư) và đến Trung Quốc (theo Minh thực lục) |
Nguồn |
1 |
Lê Thái Tổ (1428 – 1433) |
Đào Công Soạn, Lê Đức Huy |
Đi: 29/10/1429 Đến: 11/3/1430 |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.379 Minh thực lục, t.2, tr216 |
2 |
Lê Thái Tổ
|
Lê Nhữ Lãm Hầ Lật… |
Đi: 01/01/1431 Đến: 03/5/1431 |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.381 Minh thực lục, t.2, tr.221 |
3 |
Lê Thái Tông (1433 – 1442) |
Nguyễn Tông Trụ, Thái Quân Thực |
Đi: 16/5/1434 Đến: 11/10/1434
|
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.349 Minh thực lục, t.2, tr.235 |
4 |
Lê Thái Tông
|
Đào Công Soạn, Nguyễn Công Cứ |
Đi: 6/6/1436 Đến: 2/6/1436 (tháng 6 nhuận) |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.421 Minh thực lục, t.3, tr.9 |
5 |
Lê Nhân Tông (1442 – 1459) |
Lê Truyền, Nguyễn Văn Kiệt |
Đi: 10/1442 Đến: 20/4/1443 |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.444 Minh thực lục, t.3, tr.33 |
6 |
Lê Nghi Dân (1459 – 1460) |
Trần Phong, Lương Như Hộc |
Đi: 20/10/1459 Đến: Minh thực lục ko chép |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.485
|
7 |
Lê Thánh Tông (1460 – 1497) |
Nguyễn Nhật Thăng, Phan Duy Trình |
Đi: 01/10/1460 Đến:22/6/1461 |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.491 Minh thực lục, t.3, tr.71 |
8 |
Lê Hiến Tông (1497 – 1504) |
Phan Tông, Phạm Khắc Thận |
Đi: 11/1497 Đến: 16/11/1498 |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.656 Minh thực lục, t.3, tr.150 |
9
|
Lê Túc Tông (1504) |
Nguyễn Bảo Khuê, Trần Viết Lương |
Đi: 8/11/1504 Sứ đoàn chưa đi ra khỏi biên giới thì Lê Túc Tông mất |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.3, tr.44
|
10 |
Lê Uy Mục (1504 – 1509) |
Nguyễn Bảo Khuê |
Đi: 12/1504 Đến: 11/12/1505 |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.3, tr.45 Minh thực lục, t.3, tr.162-163 |
11 |
Lê Tương Dực (1510 – 1516) |
Nguyễn Quýnh, Vũ Cán |
Đi: 2/1510 Đến: Minh thực lục ko chép |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.3, tr.65
|
12 |
Lê Chiêu Tông (1516 – 1522) |
Nguyễn Thì Ung, Nguyễn Nhiễm |
Sứ đoàn không đi vì trong nước có loạn |
Đại Việt sử ký toàn thư, t.3, tr.113
|
Bảng thống kê trên cho thấy, thời gian đi của một sứ đoàn từ Thăng Long sang Yên Kinh (Bắc Kinh) là khoảng 4-5 tháng. Tuy nhiên, cũng có những phái đoàn đi lâu hơn rất nhiều. Có lẽ, tuy thời gian được ấn định nhưng vì lý do nào đó mà các sứ đoàn này khởi hành muộn. Cá biệt có một số sứ đoàn chỉ đi trong khoảng gần hai tháng, đó là sứ đoàn của Đào Công Soạn đi cầu phong cho vua Lê Thái Tông vào năm 1436.
Có thể thấy, sau khi nhà Minh công nhận chính quyền của Lê Lợi (1431), tức là từ khi hai nước chính thức nối lại quan hệ sách phong, triều cống, thì việc cầu phong của các vua Lê tiếp theo hầu như không gặp trở ngại nào và diễn ra thuận lợi. Sau khi nhận được biểu cầu phong của các vua Lê sơ, triều Minh thường nhanh chóng cử sứ giả mang chiếu sắc sang sách phong ngay, không có trường hợp cầu phong nào không được sách phong. Việc cử các quan lại có chức vụ, phẩm hàm cao làm sứ giả chứng tỏ cả hai phía đều coi trọng quan hệ sách phong, triều cống. Trong khoảng một thế kỷ, quan hệ giữa hai nước cơ bản là hữu hảo./.
Chú thích:
Tài liệu tham khảo:
1. Đại việt sử ký toàn thư – Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội 1998
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK