Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

PHỤC HỒI ĐÀN TẾ NAM GIAO Ở KINH ĐÔ VẠN LẠI YÊN TRƯỜNG VÀ ĐỀ XUẤT HÌNH THỨC TẾ LỄ


1. Một số Đàn nam Giao trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

1.1. Vai trò của Lễ tế Nam Giao đối với các triều đại phong kiến Việt Nam

Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông, Lễ tế Giao (tế Trời) được bắt nguồn từ nhà Chu (gồm Tây Chu và Đông Chu ở khoảng thế kỷ XI TCN - thế kỷ III TCN) ở nước Trung Hoa cổ đại. Nghi lễ này là sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian Trung Hoa và nghi lễ do Chu Công (Chu Công Đán) đặt ra. Nhà Chu dùng thuyết thiên mệnh để tạo ra sự chính danh cho các vị vua quân chủ và đặt ra khái niệm Thiên tử (con của Trời) để phân biệt với vua của các nước chư hầu. Sách Chu lễ quy định nhiều nghi thức chỉ dành cho Thiên tử nhà Chu trong đó có việc tế Trời vào tiết Đông chí trên gò đất hình tròn (viên khâu) ở phía ngoài kinh thành (giao) nên gọi nghi lễ này là tế Giao. Người Trung Hoa cổ đại và các vương triều phong kiến độc lập tại các quốc gia phương Đông như: Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản đều cho rằng Hạo Thiên Thượng đế là vị thần tối cao cai quản cõi Trời (Thiên đình) vì thế Hoàng đế (Vua được mặc định là Thiên tử) là người đứng đầu thế giới loài người phải có trách nhiệm, bổn phận thay mặt toàn thể dân chúng "lập ra việc tế tự, tế Giao, thờ phụng tổ tông"...

Các triều đại phong kiến sau nhà Chu tiếp tục duy trì nghi lễ tế Trời như một đặc quyền dành cho Hoàng đế. Nghi lễ này ảnh hưởng tới các nước phong kiến phương Đông khác như Việt NamTriều TiênNhật Bản đều tiến hành lễ tế Giao theo quy chế, điển lễ riêng của các quốc gia, của mỗi triều đại. Nơi tiến hành các nghi lễ tế được gọi là Đàn. Vì thế Đàn tế Trời được gọi là Thiên đàn hoặc Nam Giao đàn (đàn Nam Giao), thường có dạng hình tròn (tượng trưng cho bầu trời). Các đàn tế trời ở Đông Á, Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng của triết lý trời tròn nên thường có dạng hình tròn. Lời xét của Phan Huy Chú dẫn sách Chu lễ được ghi lại trong sách Lịch triều hiến chương loại chí về nghi lễ tế Giao ghi: Ngày Đông chí tế Trời ở Viên khâu, quét đất mà làm lễ là để tỏ lòng kính Trời; tháng quý thu tế Trời. Đã tôn tại thân, thế là chế độ của Chu Công căn ở nghĩa. Quét đất để tế, là chính lễ của đời xưa tế Trời…Muốn giữ được lễ ý của đời xưa thì đắp đất lên làm đàn, mỗi năm lại làm đàn mới, như thế còn có ý nghĩa chất phác thành thực. Nếu lại tế ở trong nhà và đặt bài vị, đem cái đạo thờ thần mà tế Trời thì tôi e là thân quá hóa ra nhờn (1).

Cũng giống như các Đàn Nam Giao ở các quốc gia phương Đông khác, ở nước ta, các Đàn Nam Giao đều được các triều đại phong kiến cho xây dựng ở địa thế dựa vào núi, hoặc các gò đất cao hơn các vị trí xung quanh (hiện trạng rõ đặc điểm này tại Đàn Nam Giao Thành Nhà Hồ, Đàn Nam Giao Huế, Đàn Nam Giao Vạn Lại Yên Trường, Đàn Nam Giao của nhà Tây Sơn ở Bình Định…). Hằng năm, để chuẩn bị cho lễ tế Giao, các vương triều đều cho chuẩn bị đắp cao thêm nền đàn và chỉnh trang để Vua chủ trì lễ tế. Điều này thể hiện quan niệm về ngọn “núi thiêng” nơi thần linh ngự trị, nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, nơi “muôn loài sinh trưởng” để cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn - thịnh trị, đất nước tự cường.

Các triều đại Lý, Hồ, Lê đến Lê Trung Hưng, rồi các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn đều tổ chức tế Giao. Sang thời Nguyễn, tế Giao được triều đinh thường xuyên tổ chức. Thời gian đầu, triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào mùa xuân hằng năm. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại ba năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nghi lễ này được duy trì cho đến năm 1945, thời điểm sụp đổ của phong kiến Việt Nam.

Đối với các triều đại phong kiến thì nghi lễ tế Nam Giao là quan trọng nhất vì đó là nghi lễ tế Trời, tế Thượng Đế (thần chủ cao cấp nhất) theo quan niệm của Nho Giáo. Đánh giá về điều này, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông nổi tiếng người Pháp Léopold Cadiere nửa đầu thế kỷ XX đã đánh giá về tầm quan trọng của Lễ tế Giao của các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung và Lễ tế Giao của vương triều Nguyễn nói riêng như sau: Trong nghi lễ này, việc tế tự mang sắc thái hoành tráng uy nghi tương xứng với sự cao cả của Đấng tôn thờ, thể hiện sự tinh tuyền của niềm tin vào Trời, phản ánh những tâm trạng sâu lắng mà Trời khơi dậy trong tâm hồn... Nếu như niềm tin vào quyền năng cao cả của Trời là cao quý nhất, thuần khiết nhất của toàn bộ tín ngưỡng người Việt, thì việc Tế Nam giao thể hiện một cách trang trọng tín ngưỡng ấy, cũng là hành vi cao cả nhất. Cứ 3 năm một lần, vào giờ, ngày, tháng theo lễ nghi quy định, Hoàng đế nước Việt lên tế ở Nam Giao (2).

Thực tế lịch sử nước ta từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn đã chứng minh, khi xây dựng kinh đô (dù là hành cung kinh đô thời chiến hay kinh đô của đất nước thời hòa bình thịnh trị) thì các vương triều phong kiến đều đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng đàn tế Nam Giao. Việc tế Trời của nhà vua nhằm khẳng định tính chính thống của vương triều trong việc quản nước đồng thời khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc mạnh mẽ của vương triều so với triều đình phong kiến Trung Hoa cùng thời. Sự kiện Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ giữ chức Đô Ngự sử dưới triều Lê đã dựa vào thuyết chính thống của Nho giáo mà khuyên vua Lê Thánh Tông không nên tế Giao (chỉ có Hoàng đế Trung Hoa mới có quyền làm lễ tế Giao). Vua Lê Thánh Tông nói rằng việc tế Giao là lệ cũ của tổ tông và đã trách mắng hai người rất gay gắt “Ta mới cầm chính quyền, tuân theo điển cũ của tổ tông ta, đầu xuân tế Giao; ngươi lại nói là tổ tông tế Giao, cũng không đủ thuật, thế là xem nước ta như các nước phiên thời cổ vậy”. Từ đấy trở đi, đầu xuân lễ tế Giao, lệ thường hằng năm (3). Điều này, thể hiện rõ tư tưởng đế vương, độc lập, ngang hàng với Hoàng đế Trung Hoa của các triều đại phong kiến nước ta.

Hiện nay, các Đàn Nam Giao ở nước ta chủ yếu là tồn tại đưới dạng nền móng kiến trúc (trừ Đàn Nam Giao của vương triều Nguyễn ở Huế). Các tài liệu chính sử cho chúng ta biết rất ít về mặt quy hoạch, kiến trúc của các đàn tế này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với thành tựu nghiên cứu của ngành khảo cổ học, việc nhận biết về quy mô, kiến trúc của một số Đàn Nam Giao đã bước đầu được xuất lộ, đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di tích quan trọng này.

1.2. Một số Đàn nam Giao trong các triều đại phong kiến Việt Nam

Đàn Nam Giao Thăng Long: Hiện nay, xuất hiện quan điểm cho rằng, nhà Đinh khi xây dựng kinh đô ở Hoa Lư đã cho xây dựng Đàn Nam Giao tế Trời. Tuy nhiên, hiện nay chưa phát hiện được các tài liệu cổ sử ghi chép về việc này. Theo các tài liệu chữ viết và kết quả khai quật khảo cổ học hiện nay được biết cho rằng, Đàn Nam Gao đầu tiên được xây dựng ở nước ta là ở thế kỷ XII, vào thời nhà Lý. Điều này đã được ghi chép trong khá nhiều sử sách, bia kí và địa bạ cổ nước ta như: Đại Việt sử kí toàn thư, Kiến văn tiểu lục, Lê triều hội điển, Lịch triều Hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mụcĐại Nam nhất thống chí, Địa bạ huyện Thọ Xương, Nam Giao điện bi ký...Cụ thể, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại chi tiết đầu tiên nhắc tới đàn tế giao vào năm 1154 đời vua Lý Anh Tông như sau: Giáp Tuất [Đại định] năm thứ 15 [1154] (Tống Thiệu Hưng năm thứ 24),…Tháng 9, vua ngự ra cửa Nam Thành Đại La xem đắp đàn viên khâu" (4). Đàn Nam Giao ở Thăng Long tồn tại qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và một giai đoạn ngắn của thời Tây Sơn. Tuy nhiên, nghi lễ tế Giao ở mỗi triều đại một khác nhau. Theo Phan Huy Chú dẫn lời của Ngô Ngọ Phong trong Lịch triều Hiến chương loại chí cho biết "Sách Chu lễ chép: Ngày Đông chí tế Trời ở đàn Viên khâu [tức đàn Nam Giao, TG], ngày Hạ chí tế Đất ở đàn Phương Trạch [Đàn hình vuông - đàn Xã tắc để tế Đất, TG], đấy là lễ của vương giả. Từ đời Hán Đường về sau, khi thì tế chung, khi thì tế riêng. Lễ tế Nam Giao ở nước Việt ta, xưa còn nhiều thiếu xót, tên Viên khâu đến đây mới thấy [ý nói đến thời Lý], còn lễ tế ở đàn Phương Trạch thì không thấy nói đến, không biết có phải là cũng theo lễ xưa tế tách riêng mà sử bỏ sót không chép, hay hợp các Trời Đất mà gọi chung là Viên khâu. Bởi vậy, không thể khảo cứu vào đâu được". (5)

Sách Đại Nam nhất thống chí và Lịch triều hiến chương loại chí cho biết, dưới thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469), đàn Nam Giao ở kinh đô Thăng Long được sửa lại, Chính điện 3 gian, hai bên Đông vu và Tây vu mỗi bên đều 7 gian, các tòa điện Canh Y, Trai cung, Nhà bếp, Nhà kho bên trong; bên ngoài được xây tường bao quanh.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí miêu tả Đàn Nam Giao vào đời Vua Lê Huyền Tông như sau: Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ nhất (1663) làm điện Nam Giao trước. Trước kia lễ tế Giao, mỗi năm đắp nền ở chính giữa để tế Trời Đất, nền dài 15 thước, cao 5 tấc, hai bên tả hữu thờ các vị sao, đều đắp nền dài 16 thước, cao 3 tấc, bốn bên trồng cây, đằng trước mở 3 cửa. Đến bấy giờ mới sai làm điện, giữa là điện Chiêu Sự, cột bốn góc làm bằng đá, nền và sân bao lớn đều làm bằng đá cả. Rường, xà, rui, hoành đều sơn son thếp vàng, có hai dãy hành lang tả hữu, bên ngoài là chỗ Vua thay quần áo, đằng trước có ba tầng cửa quy mô chế thức rực rỡ mới mẻ. Sai triều thần là nhóm Hồ Sĩ Dương làm văn khắc bia để ghi việc ấy…" (6) (hiện nay bia ký Nam Giao đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh tính minh xác mà các tài liệu cổ sử, bia ký, địa bạ, bản đồ ghi nhận về sự ra đời, tồn tại của Đàn Nam Giao ở kinh đô Thăng Long được khởi dựng vào vương triều Lý và tồn tại nhiều thế kỷ sau đó. Vị trí của Đàn Nam Giao Thăng Long hiện nay thuộc địa điểm công trình Trung tâm thương mại Vincom Center ở phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Đàn Nam Giao Tây Đô: Khi nhà vương triều Hồ ra đời năm 1400 để thay thế nhà Trần, để hoàn thành việc lập kinh đô mới Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay), bên cạnh việc xây dựng cung điện trong Hoàng thành, đắp La thành…nhà Hồ đã cho đắp Đàn Nam Giao. Chính sử còn ghi chép rất rõ và thống nhất về việc này: Đại Việt sử ký Toàn thư chép: “Nhâm Ngọ (1402), tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao…Lệ cũ của đời trước có đặt ra ba bậc lễ nghi, cứ 3 năm một lần làm đại lễ…2 năm thì làm Trung lễ…hàng năm làm Tiểu lễ…” (7). Đại Việt Sử ký Tiền biên chép: “Nhâm Ngọ, Hán Thương Thiệu Thành năm thứ 2 (1402), tháng 8, Hán Thương xây dựng đàn tế Giao ở Đốn Sơn, làm lễ tế Giao, đại xá. Ngày ấy, Hán Thương ngồi kiệu chạm mây rồng, đi từ Cửa Nam ra, các cung tần bách quan mệnh phụ, thứ tự theo hầu. Thời Trần chưa từng làm lễ tế Giao, Hán Thương bắt đầu làm” (8).

Như vậy, đàn tế Nam Giao được vị vua thứ hai của vương triều Hồ là Hồ Hán Thương cho xây dựng vào tháng 8 năm 1402 trên núi Đốn Sơn. Lễ tế Giao đầu tiên được tổ chức cùng năm. Đến năm 1407, vương triều Hồ thất bại trước cuộc chiến tranh xâm lược của quân Minh (Trung Quốc), đàn Nam Giao không còn được sử dụng (sử sách không ghi chép về việc sử dụng đàn Nam Giao Thành Nhà Hồ ở các triều đại về sau).

- Đàn Nam giao của vương triều Nguyễn ở Huế: Vua Gia Long lên ngôi và lập ra vương triều Nguyễn vào năm 1802, đến năm 1806, ông cho lập Đàn Nam Giao ở phía Nam của Kinh Thành thuộc ở làng Dương Xuân (nay là địa phận phường Trường An, thành phố Huế). Đây là đàn tế Trời duy nhất còn khá nguyên vẹn ở Việt Nam. Đàn được xây dựng trên khuôn viên hình chữ nhật, với diện tích 103,350m2. Bốn mặt của Đàn Nam Giao đều có cửa mở theo 04 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) trong đó cửa phía Nam là cửa chính. Đây là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi chính trong lễ tế Giao. Lễ Tế Giao lần cuối cùng của vương triều Nguyễn tại nơi đây được ghi nhận diễn ra dưới thời vua Bải Đại vào tháng 3 năm 1945.

Ngoài ra, ở nước ta sử sách cũng ghi nhận nhiều triều đại khác cho lập Đàn tế Giao như: Đàn Nam Giao của Hoàng đế Thái Đức (Nguyễn Nhạc) tại núi Hòn Chùa (hiện nay thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định); Vua Quang Trung cho lập Đàn tế Giao tại núi Bân (là một ngọn núi nhỏ, cao 43m nằm cạnh núi Ngự Bình) để tế cáo Trời, chính thức lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào tháng 12 năm Mậu Thân 1788.

Toàn cảnh lối vào voi đá, ngựa đá, Hành cung Vạn Lại - Yên Trường

2. Đàn Nam giao ở Hành cung Vạn Lại Yên Trường và đề xuất, kiến nghị trong công tác nghiên cứu, bảo tồn di tích; phục dựng lễ tế Nam Giao vào mùa Xuân.

2.1. Đàn Nam giao ở Hành cung Vạn Lại Yên trường

Cách đây hơn 5 thế kỷ (năm 1546), khu vực xã Thuận Minh và xã Thọ Lập huyện Thọ Xuân ngày nay thuộc vùng đất Vạn Lại, Yên Trường, nơi nhà Lê Trung Hưng lựa chọn để xây dựng hành tại - kinh đô, dấy nghiệp đế vương, khôi phục triều Lê. Đến năm 1593 khi nhà Lê trở về Thăng Long, hành tại Vạn Lại - Yên Trường kết thúc vài trò lịch sử của mình với vài trò kinh đô thời chiến của nhà Lê Trung Hưng.

Mặc dù là có vai trò là một kinh đô thời chiến của nhà Lê Trung Hưng, nhưng Vạn Lại - Yên Trường cũng được quy hoạch, thiết kế, xây dựng với đầy đủ các công trình quan trọng trong thiết chế của một kinh đô có nhà vua điều hành triều nghi và Đàn nam Giao là một trong số các công trình đó.

Rất tiếc khi hiện nay chúng ta chưa phát hiện được các tài liệu chính sử ghi nhiều về kiến trúc, quy hoạch của công trình này. Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí chỉ cho biết "Mậu Dần, Quang Hưng năm thứ 1 [1578] (Mạc Sùng Khang năm thứ 13; Minh Vạn lịch năm thứ 6)… tháng 7…Vua lập hành tại ở sách Vạn Lại; lập Đàn Nam Giao ở cửa lũy Vạn Lại" (9)…Đó là những thông tin ít ỏi hiện nay mà chúng ta được biết về Đàn nam Giao ở hành tại Vạn Lại - Yên Trường.

Vết tích Đàn Nam Giao, Hành cung Vạn Lại - Yên Trường

Đàn Nam Giao ở Vạn Lại - Yên Trường được lập trên một vị trí khu đất cao, dưới chân phía Nam của sườn đồi Bái Ẩm (Đàn Nam Giao nằm ở phía Bắc bờ lũy hành cung Vạn Lại). Đàn Nam Giao có kết cấu 3 vòng, dấu vết còn rất rõ, vòng đàn thứ ba (ngoài cùng), có kích thước theo chiều Đông Tây là 62m, chiều Bắc Nam tường đương. Vòng đàn thứ hai đo được mỗi cạnh là 9m. Theo người dân địa phương…vào những năm 60 của thế kỷ XX, vết tích của từng vòng đàn còn khá rõ. Vòng thứ hai được bao quanh bờ nền bằng gạch, mỗi chiều khoảng 9m, hiện còn thấy rất rõ màu đất khác với nền đất hiện tại ở vòng ngoài của đàn là đất đồi màu nâu [nền đất gốc - TG]. Lớp đàn thứ hai và lớp đàn thứ nhất trên cùng có màu nâu đỏ, có lẽ đất được chuyển từ nơi khác đến để đắp vào. Lớp đàn thứ nhất có hình vuông với cạnh là 3m, ở giữa hình vuông là hình tròn có bậc lên xuống. (10)

Như vậy, có thể thấy mặc dù đã trải qua hơn 500 năm của lịch sử, với sự tác động của tự nhiên, con người, nhưng vị trí, kiến trúc trên mặt đất của Đàn Nam Giao ở hành cung Vạn Lại - Yên Trường vẫn còn được bảo tồn tương đối, giúp chúng ta có thể dễ dàng nhận biết về vị trí, quy mô.

Vết tích giếng Ẩm phía ngoài Đàn Nam Giao, Hành cung Vạn Lại - Yên Trường

Thực hiện Quyết định số 2031/QĐ-UBND ngày 14/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Phê duyệt kế hoạch thăm dò, khai quật khảo cổ di tích lịch sử - Hành cung Vạn Lại - Yên Trường, huyện Thọ Xuân, Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa (chủ đầu tư) đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành  thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Hành cung Vạn Lại - Yên Trường nhằm phát hiện, nghiên cứu, làm rõ thêm vai trò, quy mô, kiến trúc của Hành cung trong lịch sử vương triều Lê; cung cấp tư liệu phục vụ tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê"; đồng thời, bổ sung hiện vật cho Bảo tàng tỉnh nhằm lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân và đưa ra những giải pháp phù hợp trong việc bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, du lịch một cách bền vững.

Thực hiện kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, các nhà nghiên cứu đã mở hố thám sát diện tích dưới 10m2 tại vị trí được xác định là Đàn Nam Giao. Kết quả thám sát cho thấy, cách mặt nền hiện trạng ở độ sâu khoảng trung bình khoảng 0,15 - 0,20m xuất hiện các hiện vật là lớp ngói vỡ. Qua nhận định bước đầu, các nhà nghiên cứu khảo cổ học cho rằng lớp ngói này mang nhiều đặc trưng của giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.

Qua các nguồn tư liệu của sử học, tư liệu khảo sát, kết quả thám sát khảo cổ học vừa qua, chúng ta có thể nhận định: Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, với mục đích là hành tại tạm thời, nhưng với sự xuất hiện, tồn tại của kiến trúc Đàn Nam Giao và nghi lễ tế Giao do vua Lê chủ trì tiến hành đã khẳng định Vạn Lại - Yên Trường đã đầy đủ thiết chế cơ bản, vai trò lịch sử của một kinh đô của triều đại Lê Trung Hưng từ năm năm 1546 đến năm 1593 (khi nhà Lê rút về lại Thăng Long).

Trong hoàn cảnh chiến tranh với nhà Mạc, nhưng nhà Lê Trung Hưng cho lập Đàn Nam Giao để tế Trời nhằm khẳng định sự chính thống vua Lê mới là thiên tử được thừa kế theo truyền thống của cha ông, trị vì đất nước, chứ không phải nhà Mạc. (11)

Bia ký Điện Nam Giao (Nam giao Điện bi ký) được dựng ở thời kỳ Lê Trung Hưng (năm 1679) ở kinh thành Thăng Long ghi lại rằng "Tế Giao lại đặt tên điện Chiêu Sự là vì sao? Là vì nơi đó phụng sự Thượng đế. Làm sáng tỏ lễ Tế Giao thì việc trị nước dễ như chỉ bảo trên lòng bàn tay. Kính nghĩ, nước Đại Việt ta xây dựng mở mang trong trời đất muôn dặm như vậy. Đóng đô, xây thành rõ ràng việc xây dựng đất nước; Chọn hướng chính vị, tỏ lòng cung kính với trời. Lấy góc phía Nam thành để dựng điện Nam Giao Chiêu Sự. Vào sớm mồng một đầu năm nghênh tế ở đây. Lễ ấy cử hành trải qua bao đời vẫn giữ, nhưng xây dựng chưa được hoàn hảo, tô điểm cũng chưa thật tinh xảo, chưa đủ để báo ơn trời lớn lao. Cầu mong công trình này có được một quy chế từ xưa chưa có, làm được một việc từ xưa chưa ai làm, hẳn là phải đợi ở bậc Thánh vương có khí trượng vượt qua người thường".

2.2. Đề xuất, kiến nghị trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và đề xuất hình thức phục dựng tế lễ tại Đàn Nam Giao ở Vạn Lại - Yên Trường vào dịp mùa Xuân.

Trong hệ thống các Đàn nam Giao ở nước ta được phát hiện cho đến hiện nay, có thể nó mới chỉ có Đàn Nam Giao Thăng Long, Đàn Nam Giao Tây Đô, Đàn nam Giao kinh đô Huế là được đầu tư nghiên cứu, khai quật một cách quy mô (riêng Đàn Nam Giao Huế được bảo tồn kiến trúc tương đối nguyên vẹn) để có thể nhận diện được quy hoạch, quy mô kiến trúc, giá trị lịch sử văn hóa một cách tương đối rõ nét. Còn lại các Đàn Nam Giao khác, trong đó có Đàn Nam Giao ở Hành tại Vạn Lại - Yên Trường hiện nay đang tồn tại ở hiện trạng phế tích. Tuy nhiên, khi đối chiếu về mặt chức năng, ý nghĩa của Đàn Nam Giao và lễ tế Nam Giao được ghi tại Bia ký Điện Nam giao đối với vương triều Lê Trung Hưng, thì Đàn tế Nam Giao ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường cũng có vài trò đặc biệt quan trọng đối với nhà Lê Trung Hưng trong thời kỳ định đô tại Thanh Hoá (tương đương với Điện Chiêu sự tại kinh đô Thăng Long).

Như vậy, có thể khẳng định, Đàn Nam Giao là một trong những loại hình di tích đặc biệt, độc đáo, khác biệt, chỉ có những vùng đất từng là kinh đô của đất nước với có, nhưng không phải ở vùng đất nào từng là kinh đô của đất nước cũng còn bảo tồn được vị  trí, nền móng kiến trúc của Đàn Nam Giao (hiện nay Đàn Nam Giao Thăng Long không còn bảo tồn được di tích). Với vai trò từng là kinh đô của triều Lê Trung Hưng, sự xuất hiện, tồn tại, bảo tồn của Đàn Nam Giao tại Vạn Lại - Yên Trường cho đến ngày nay là một tài sản vô cùng quý báu của vùng đất và người dân Thọ Xuân. Nếu không được đầu tư nghiên cứu và có phương án quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi (cùng với việc nghiên cứu, lập quy hoạch bảo tồn Hành tại Vạn Lại - Yên Trường) thì trong tương lai gần, Đàn nam Giao ở Vạn Lại - Yên Trường sẽ chỉ còn lại trong ký ức, hoài niệm, không bao giờ có thể phục hồi lại được nữa.

Thực hiện Quyết định 558-QĐ/TU, ngày 18/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “phát triển huyện Thọ Xuân trở thành Thị xã trước năm 2030, trọng tâm là phát triển đô thị Lam Sơn - Sao Vàng trở thành trung tâm huyện lỵ, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thọ Xuân và của cả tỉnh”, trên cơ sở đó huyện Thọ Xuân đã xây dựng Đề án và trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về văn hóa được từ nay đến năm 2030 được xác định là: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, từng bước xây dựng văn hóa, con người đô thị. Nhiệm vụ cụ thể là: Xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện Thọ Xuân, trong đó xác định những công trình cần xây dựng, nâng cấp, trùng tu và nguồn vốn thực hiện, phương án huy động các nguồn vốn từ ngân sách các cấp và nguồn xã hội hóa.

Để bảo tồn và phát huy được giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đàn Nam Giao nói riêng, chúng tôi kiến nghị huyện Thọ Xuân nên nghiên cứu đưa nhiệm vụ nghiên cứu, quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Đàn Nam Giao là một trong những dự án cụ thể về văn hóa khi Đề án “phát triển huyện Thọ Xuân trở thành Thị xã trước năm 2030…" được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong dự án đó, nhiệm vụ đầu tiên là đầu tư nguồn kinh phí để thực hiện việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ để có kết quả đánh giá thực chứng về di tích này. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành dự án quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích một cách đồng bộ, hiệu quả. Khi việc thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi Đàn Nam Giao có kết quả, đồng thời với những nguồn tư liệu về điển lễ (nghi lễ, trang phục, âm nhạc…) tế Nam Giao của nhà Lê hiện nay đang được sử sách, bi ký…ghi chép cụ thể, chúng tôi thiết nghĩ việc nghiên cứu, phục dựng không gian nghi lễ Tế Giao ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường vào mùa Xuân sẽ không gặp nhiều khó khăn trở ngại đối với địa phương.

Hy vọng, trong tương lai gần, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương huyện Thọ Xuân và sự ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thanh Hoá và Trung ương, di tích đàn Nam Giao kinh đô cổ Vạn Lại - Yên Trường sẽ được đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi; đồng thời, chúng tôi hy vọng lễ tế Nam Giao vào mùa Xuân ở nơi đây sẽ được phục dựng, phát huy giá trị, đóng góp quan trọng vào công tác bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó cũng là sự tri ân của thế hệ hôm nay đến các bậc tiền nhân./.

Tài liệu tham khảo

(1) Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo dục, năm 1960, tr 736.

(2) L.M Lesopold CADIEFRE, Bài “Đàn Nam giao” trong tập “Đàn tế Nam giao và Kinh thành Huế” do nhà nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ giới thiệu năm 2004. Tài liệu lưu tại Thư viện Đại học Khoa học Huế, tr.70

(3) Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr 735.

(4) Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.202.

(5) Lịch triều hiến chương loại chí, sdd, tr 733.

(6) Lịch triều hiến chương loại chí, sdd, tr 733.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.202.

(8) Đại Việt sử ký tiền biên (1977), Nxb KHXH, Hà Nội, tr 513.

(9) Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, sđd, tr.155.

(10) Trịnh Đình Dương (2015), Vai trò của Vạn Lại - Yên Trường (Thọ Xuân - Thanh Hóa) trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê (1533 - 1593 (luận văn thạc sĩ lịch sử), lưu tại Thư viện Trường Đại học Hồng Đức, tr 90.

 (11) Do ra đời trong hoàn cảnh và mục đích của thời chiến của nhà Lê Trung Hưng (chỉ sử dụng trong mục đích trung hưng nhà Lê, khi thắng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với nhà Mạc sẽ tiến về Thăng Long định đô) nên quy mô, kiến trúc của công trình Đàn Nam Giao nói riêng và các công trình khác được nhà Lê Trung Hưng ở nơi đây nhỏ hơn các vùng đinh đô khác cũng là điều dễ lý giải (mặc dù chưa khai quật, nghiên cứu quy mô kiến trúc về Đàn nam Giao nơi đây, nhưng qua dấu tích tồn tại hiện còn có thể khẳng định kiến trúc Đàn tế Giao này có quy mô nhỏ hơn so với các Đàn tế Giao ở Thăng Long, Tây Đô và kinh đô Huế).

Nguyễn Xuân Toán

Trưởng Ban quản lý DTLS Lam Kinh

Bài tham luận hội thảo khoa học “Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường”. Tại huyện Thọ Xuân, tháng 7/2023.

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh