Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

PHẠM VẤN – TỪ TƯỚNG LAM SƠN ĐẾN TỂ TƯỚNG TRIỀU LÊ SƠ


Phạm Vấn là vị tướng đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Bằng tài năng của mình, ông đã lập nhiều chiến công giúp quân Lam Sơn từng bước đi tới thắng lợi. Sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đã phong ông là đệ nhất khai quốc công thần. Trong thời gian làm quan, Phạm Vấn là bậc tể phụ mẫu mực, tận tụy với công việc giúp vua cai trị đất nước.

Phạm Vấn là người thôn Nguyễn Xá, huyện Lương Giang (nay thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Các nguồn sử cũ không ghi chép ông sinh năm nào, chỉ biết ông mất năm 1436. Nghe danh tiếng hào trưởng Lê Lợi đang chiêu hiền nạp sĩ, ông đã đến với Lam Sơn từ những ngày đầu tiên. Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, cùng các tướng lĩnh phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân khắp nơi đứng lên đánh đuổi quân Minh.

Là người có tài nên ông nhanh chóng được Lê Lợi trọng dụng, giao cho trách nhiệm cầm quân. Trong suốt cuộc khởi nghĩa, ông đã tham gia vào nhiều trận đánh quan trọng.

Năm 1420, nhận được tin tức quân Minh do Lý Bân và Phương Chính dẫn đầu từ Quỳ Châu (nay là huyện Quỳ Châu, Nghệ An) tiến vào đất Mường Thôi (nay là huyện Mường Lát, Thanh Hóa) để đánh quân Lam Sơn, Lê Lợi sai Phạm Vấn cùng Lý Triện và Lê Lý đem quân đến Bồ Mộng (nay là vùng thuộc huyện Cẩm Thủy) mai phục. Khi quân giặc lọt vào trận địa, nghĩa quân xông ra đánh, tiêu diệt được vài trăm tên địch rồi rút lui an toàn.

Năm 1422, Ai Lao liên minh với quân Minh bất ngờ đem quân tấn công nghĩa quân ở Sách Khôi (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Trong trận này, Phạm Vấn đã cùng với các tướng khác liều mình dẫn quân xông ra phá thế trận của giặc, chém được đầu tướng tiên phong Phùng Quý và giết hơn ngàn tên giặc, Mã Kỳ, Trần Trí kinh sợ phải tháo chạy, ta thu được hơn trăm con ngựa của chúng.

Năm 1424, nghe theo đề nghị của Nguyễn Chích, quân Lam Sơn quyết định chuyển hướng tấn công vào Nghệ An, mở một căn cứ mới để sử dụng nhân lực ở đây quay ra tiến đánh thành Đông Quan. Tại Nghệ An, Phạm Vấn đã tham gia vào các trận đánh ở Trà Lân và Khả Lưu. Sau khi mai phục đánh tan cánh quân của Sư Hựu, khiến cho Cầm Bành phải đầu hàng, Phạm Vấn đã cùng các tướng Lê Sát đem quân chiếm giữ ải Khả Lưu. Khi quân Minh do Trần Trí, Phương Chính đến thì đổ quân ra đánh, chém đầu Đô chỉ huy Hoàng Thành, bắt sống Chu Kiệt, đuổi theo Phương Chính đến tận thành Nghệ An.

Trong trận đánh thành Xương Giang (nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cuối năm 1427, Phạm Vấn đã dẫn đầu một cánh quân từ Đông Quan lên, phối hợp với các tướng lĩnh khác, đánh bại hoàn toàn đạo viện quân của Liễu Thăng đến viện trợ cho Vương Thông, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc ... Thất bại trong trận chiến này đã buộc Vương Thông phải cầu hòa với quân Lam Sơn và xin rút quân về nước.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, đầu năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, lập ra triều Hậu Lê. Triều đình luận công ban thưởng, công lao của Phạm Vấn được xếp vào hàng đầu, ông được trao chức Đại Tướng quân Tả Kim Ngô vệ, tước Thượng trí tự. Sau đó, ông được thăng chức Nhập Nội Kiểm Hiệu Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, lãnh quyền Tể tướng. Năm 1429 triều Lê khắc biển Khai Quốc Công Thần, tên của Phạm Vấn đứng hàng thứ nhất, được ban tước Huyện Thượng hầu.

Là người đứng ở vị trí đứng đầu bách quan triều Lê Sơ, Phạm Vấn đã làm việc tận tụy để cùng vua Lê Thái Tổ và các quan xây dựng nên một triều đại phát triển thịnh trị trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Dưới thời vua Lê Thái Tổ, cả nước đã đạt nhiều thành tựu: Triều đình chia cả nước thành 5 đạo để quản lý; cùng với đó tổ chức được một số khoa thi chọn người tài; về mặt quốc phòng, nhà vua đã đem quân dẹp tan các cuộc nổi loạn của các tù trưởng vùng tây bắc, xác lập chủ quyền tại đây; về mặt bang giao, nước ta đã nối lại mối quan hệ hòa hảo với nhà Minh.

Năm 1433, khi vua Lê Thái Tổ băng hà, ông cùng Tư đồ Lê Sát nhận di chiếu đưa thái tử Nguyên Long lên ngôi Hoàng đế tức vua Thái Tông và phụ chính. Nhà vua và triều đình ổn định lại xã hội; tăng cường quân đội; về giáo dục - thi cử đặt ra lệ 3 năm mở 1 khoa thi lớn ; nghiêm trị vấn đề tham ô; hoàn thiện hệ thống nghi thức, lễ nhạc cung đình.

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn

Câu ca dao trên đã phản ánh sự thịnh trị của đất nước dưới thời vua Thái Tổ, Thái Tông. Đó cũng là sự chứng nhận đối với những thành quả của bộ máy quan lại thời kỳ này mà đứng đầu là vị Tể tướng Phạm Vấn.

Từ một vị võ tướng cầm quân đánh trận trong thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, Phạm Vấn bước lên vị trí Tể tướng đứng đầu bá quan văn võ triều Lê Sơ. Bằng tài năng và đức độ của mình, ông khiến mọi người phải kính nể với thái độ cúc cung tận tụy trong công việc. Năm 1436, Phạm Vấn qua đời, được triều đình truy tặng hàm Thái phó, ban cho tên thụy là Tuyên Vũ./.

Bài : Nguyễn văn Huấn

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh