Đến Lam Kinh, du khách không chỉ biết đến giá trị lịch sử văn hóa mà còn biết được những điều huyền bí ở Lam Kinh. Nhìn từ góc độ văn hóa, và lịch sử, cổ vật luôn mang trong mình thông điệp gìn giữ cho muôn đời sau. Trong trường nghĩa tương đồng ấy, những cây cổ thụ không chỉ như một bức thông điệp giàu giá trị mà bản thân sự sống xuyên thế kỷ còn mang tính nhân văn, đôi khi nhuốm màu huyền bí và tâm linh.
Chuyện tình cây Đa - Thị.
Không biết cây Đa Thị có từ khi nào? Cây Đa này nằm ngay trên thành nội phía Tây Nam của khu di tích, gần đầu hồi Nghi Môm và góc phía Tây Nam sân Rồng. Hiện nay, đây là cây có đường kính lớn nhất ở Lam Kinh, cây Đa cao chừng 50m, cành lá xum xuê, phủ bóng rợp một góc sân, giống như một cây đại thụ che chắn cho khu Điện Miếu, tạo thêm sự linh thiêng và vẻ đẹp cho khu di tích Lam Kinh. Điều đặc biệt ở chỗ gốc Đa ôm lấy gốc Thị trở thành một gốc hai ngọn: gốc Đa nhưng ngọn là Đa và Thị, nên nhân dân địa phương thường gọi là cây Đa Thị. Theo truyền ngôn, cây đa thị có độ tuổi trên dưới 300 năm, có người cho rằng còn nhiều hơn...., nhưng có một sự thật- thật đến huyền thoại, như là cây cũng có hồn, có tình yêu và cũng chung tình như những mối tình đẹp của con người chúng ta vậy. Chuyện lưu truyền rằng: Trên 300 năm trước, trên nội thành phía tây nam khu di tích có một cây thị tươi tốt, cây ra hoa kết quả, chim chóc đến ăn quả thị có mang theo quả đa về ăn nên rơi hạt và mọc lên cây đa. Đa lớn nhanh ôm bao bọc lấy cây thị, quấn quýt xung quanh gốc thị, đa ôm thị , thị không nỡ lìa xa đa. Vì vậy, nhân dân trong vùng coi đây là điều kỳ lạ và lưu truyền cho đến ngày nay về "chuyện tình" cây Đa - Thị ở Lam Kinh.
Cũng có người ví von cho rằng: Cây Đa - Thị hay còn gọi là cây phu - thê, cây đa được gọi là Phu và cây thị được gọi là Thê. Khi phu buông rễ xuống chỉ xung quanh thê, những cành tay vươn xa để mỗi khi bão táp, hay nắng gắt cành lá của phu ôm ấp che chở cho thê đã mấy trăm năm. Đến năm 2007, cây thị đã chết chỉ còn mình cây đa, nhưng gốc thị vẫn ở bên trong đa ôm bao bọc lấy thân cây thị không thể lìa xa.
Nếu các bạn có nhiều thời gian đi hết được khu di tích Lam Kinh sẽ thấy được nhiều điều thú vị, không chỉ có " Đa ôm Thị" mà còn có đa ôm Xé ( cây Xé tên gọi của người dân tộc Mường ) ở đền Lê Lai, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cũng nằm trong quần thể di tích lịch sử Lam Kinh.
Cây Ổi cứ gãi là "Cười"
Đến thăm viếng khu di tích lịch sử Lam Kinh, hẳn không ai không biết cây ổi cười. Cứ mỗi khi có ai đến bên cây ổi, lấy móng tay "gãi " nhẹ vào gốc thì toàn thân cây ổi như bị " cù" cây rung lên, lá cây rung theo tay chúng ta gãi như cười với khách. Cây Ổi nằm ở góc phải khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ, cây Ổi khẳng khiu, dáng huyền ( như rồng chầu) bên cạnh mộ vua Lê Thái Tổ, mùa nào cây cũng sai quả, quả chín thơm lừng. Khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu tưởng chừng như không tin vào điều đó, nhưng khi khách đã " thực mục sở thị " dùng đầu ngón tay gãi nhẹ vào thân cây thì thấy những chiếc lá nơi đầu nhánh cây ấy bỗng rung rinh theo kiểu "dần dật" ta thường nói đùa là bị cù nôn thì có phản ứng như thế. Nếu như con người có tình cảm, có linh hồn thì cây cũng có tình cảm giống như con người, bị chạm vào " da, thịt " thì có phản ứng. Với sự Huyền bí như thế chưa ai lý giải được. Chỉ biết rằng người dân địa phương cho chỗ đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi linh khí, điểm huyệt quan trọng trong khu di tích Lam Kinh, đất địa linh mới có hiện tượng như vậy. Điều đặc biệt, cây ổi này chỉ ở lăng mộ vua Lê Thái Tổ mới có hiện tượng " cười", còn khi chiết trồng nơi khác thì không có hiện tượng ấy.
Nguồn gốc của cây Ổi " cười" này là do ông Trần Hưng Dẫn, thôn Hành Thiện, Nam Định cung tiến năm 1933 ở lăng mộ vua Lê Thái Tổ để cầu tự con trai. Theo truyền ngôn của các vị cao niên trong làng Cham kể lại rằng: ông Trần Hưng Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ, nên khi sinh được quý tử ông đã dốc tiền của xây đắp, sửa sang khu lăng mộ thêm khang trang. Ông cùng nhân dân làng Cham và xã Xuân Lam xây dựng đền thờ vua Lê Thái Tổ phía đông nam khu trung tâm di tích lịch sử Lam Kinh, cung tiến 4 tượng voi và 2 cây Long não trong khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Đến nay, dòng tộc vẫn đang sinh sống ở Hải Phòng, mỗi một đời chỉ có một người con trai ( gọi là độc đinh).
Chuyện hãy còn đó, nhưng người dân nơi đây cho rằng cây cũng có hồn, cũng có tình, có sự linh thiêng, ở Lam Kinh có những cây " Mộc tinh " như thế. Những cây cổ thụ gắn với giai thoại tình sử như cây Đa Thị, những điều huyền bí cây Ổi cười ở khu di tích lịch sử Lam Kinh chắc là hiếm có nơi nào có được như thế .