Vương triều Hậu Lê được lập nên sau 10 năm “nếm mật nằm gai" đánh đuổi giặc Minh (1418- 1427) là triều đại có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm và bị gián đoạn nhưng triều đại này đã khẳng định được vị thế quốc gia và tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực. Trong bài viết này xin tổng hợp lại những cái nhất để phác họa phần nào hình ảnh về vương triều Hậu Lê.
1. Đây là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử dân tộc
Vua Lê Thái Tổ lên ngôi ngày 15 tháng 4 năm 1428 sáng lập nhà Hậu Lê và tồn tại đến năm 1789. Triều đại này được chia làm 2 thời kỳ lịch sử là: Lê Sơ 99 năm (1428 - 1527) và Lê Trung Hưng 256 năm (1533 - 1789). Như vậy nhà Hậu Lê tồn tại được 355 năm. So với các triều đại nhà Lý 215 năm (1010 - 1225), nhà Trần 175 năm (1225 - 1400), nhà Nguyễn 143 năm (1802 - 1945)… thì nhà Hậu Lê là triều đại tồn tại lâu nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Đường vào Nghọ Môn di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
2. Triều đại có nhiều vị vua nhất.
Triều đại Hậu Lê có 27 vị vua nối nhau trị vì đất nước, trong đó thời Lê Sơ có 11 vua, thời Lê Trung Hưng có 16 vua. Vị vua ở ngôi lâu nhất trong triều đại này là vua Lê Hiển Tông 46 năm (1740- 1786).
3. Triều đại có vị vua lên ngôi sớm nhất
Vua Lê Nhân Tông sinh ngày 9 tháng 6 năm 1441 lên ngôi ngày 12 tháng 8 năm 1442, khi mới hơn 1 tuổi. Đây là vị vua lên ngôi ít tuổi nhất trong lịch sử dân tộc. Ngoài ra triều đại này còn có một số vị vua khác lên ngôi khi còn rất trẻ là: Lê Thế Tông (6 tuổi), Lê Thái Tông (10 tuổi), Lê Chiêu Tông (10 tuổi), và Lê Gia Tông (10 tuổi).
4. Triều đại mở nhiều khoa thi nhất.
Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến kéo dài 844 năm (1075- 1919), các triều đại đã tổ chức 185 khoa thi với 2.898 vị đại khoa. Trong đó triều đại Hậu Lê mở 98 khoa thi (Lê Sơ: 28 khoa, Lê Trung Hưng: 70 khoa) và lấy đỗ 1732 người. Riêng thời vua Lê Thánh tông (1460 - 1497) có 12 khoa thi, 501 người đỗ Tiến sĩ.
Như vậy đây là triều đại có nhiều khoa thi và lựa chọn được nhiều nhân tài nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.
5.Triều đại cho dựng nhiều bia Tiến sĩ nhất
Tính đến hiện nay thì số bia Tiến sĩ trên đất nước ta là 114 bia (Văn Miếu Thăng Long: 82 bia, Văn Miếu Huế: 32 bia). Trong đó triều đại Hậu Lê đã lập tới 81 bia để ghi lại thân thế của các nhà khoa bảng.
Trạng nguyên cao tuổi nhất đỗ tiến sĩ khi đã 50 tuổi gồm 3 vị là Vũ Tuấn Chiêu đỗ năm 1475, Nguyễn Đức Lượng đỗ năm 1514, Nguyễn Xuân Chính đỗ năm Đinh Sửu 1637.
6. Triều đại có vị vua sử dụng niên hiệu lâu nhất và đúc nhiều loại tiền nhất.
Trong 46 năm ở ngôi vua Lê Hiển Tông (1740- 1786) chỉ sử dụng 1 niên hiệu là Cảnh Hưng và cho đúc đến 16 loại tiền gồm:
1. Cảnh Hưng Thông Bảo |
9. Cảnh Hưng Thuận Bảo |
2. Cảnh Hưng Trung Bảo |
10. Cảnh Hưng Chính Bảo |
3. Cảnh Hưng Chí Bảo |
11. Cảnh Hưng Nội Bảo |
4. Cảnh Hưng Vĩnh Bảo |
12. Cảnh Hưng Dụng Bảo |
5. Cảnh Hưng Thái Bảo |
13. Cảnh Hưng Lai Bảo |
6. Cảnh Hưng Cự Bảo |
14. Cảnh Hưng Thuần Bảo |
7. Cảnh Hưng Trọng Bảo |
15. Cảnh Hưng Đại Bảo |
8. Cảnh Hưng Tuyền Bảo |
16. Cảnh Hưng Đại Tiền |
Mặt trước và mặt sau tiền đồng Cảnh Hưng Thông Bảo
Vua Lê Hiển Tông cũng chính là vị vua có đến 3 người con rể đều làm vua đó là: Nguyễn Huệ lấy công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Quang Toản lấy công chúa Ngọc Bình và vua Gia Long lấy lại công chúa Ngọc Bình.
7. Triều đại duy nhất có vị vua lên ngôi 2 lần
Vua Lê Thần Tông lên ngôi 2 lần với tổng thời gian trị vì là 37 năm. Vua lên ngôi lần thứ nhất từ năm 1619 đến năm 1643, sau đó nhường ngôi cho con là Lê Chân Tông để làm Thái Thượng Hoàng, 6 năm sau vua Chân Tông băng hà, triều đình mời vua Lê Thần Tông lên ngôi lần thứ hai trong thời gian từ 1649 đến 1662.
Vua Lê Thần Tông được ghi nhận là bậc quân vương đầu tiên trong lịch sử Việt Nam kết hôn với người phương tây. Đó là bà Orona, con gái Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Năm 1630, trong chuyến theo thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam, bà Orona đã được gặp vua Lê Thần Tông ở Thăng Long, bà đã ở lại làm vương phi của nhà vua.
8. Triều đại ban hành nhiều bộ luật nhất
Trong trời gian trị vì đất nước, với mục đích xây dựng nền pháp luật quy chuẩn, Triều đại Hậu Lê đã cho ban hành nhiều bộ luật như: Luật thư (1442), Quốc triều luật lệnh (1442), Lê triều quan chế (1471), Quốc triều hình luật (1483), Thiên Nam dư hạ tập (1483), Hồng Đức thiện chính thư (1497), Quốc triều điều luật (1777), Khánh tụng điều lệ (1777)… Trong số các luật này thì Quốc triều hình luật (còn gọi Luật Hồng Đức) là đỉnh cao của nền pháp luật phong kiến Việt Nam.
Nước Đại Việt thời Hậu Lê đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, những điều đặc biệt nêu trên đã phần nào thể hiện được những đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký thoàn thư, tập 2,3, Nxb Khoa học xã hội, 2009.
2. Quỳnh Cư, Đỗ Quốc Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, 2009.
3. Trần Hồng Đức, Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Hồng Đức, 2018.
Bài, ảnh: Lê Thị Loan (Tổng hợp)
Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh