Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

NĂM GIÁP THÌN (1424) - BƯỚC NGOẶT LỚN CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN


Cách đây đúng 600 năm về trước, năm Giáp Thìn (1424), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại sự đô hộ của quân Minh xâm lược đã bước sang một trang mới. Từ vùng rừng núi Thanh Hóa, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào đất Nghệ An xây dựng căn cứ mới, phát triển rộng khắp, kiểm soát vùng đất phía Nam. Từ những điều kiện đó, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc chiến đấu những trận chiến quyết định, đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Từ năm 1418 đến năm 1423, nghĩa quân Lam Sơn hoạt động chủ yếu ở vùng rừng núi tây bắc Thanh Hóa. Trong những năm tháng này, bên cạnh một số trận thắng vang dội như Lạc Thủy, Mường Chính, Mường Nanh…, nghĩa quân gặp không ít khó khăn. Trước những cuộc bao vây càn quét của địch, nghĩa quân đã phải ba lần rút lui lên núi Chí Linh náu mình trong điều kiện gian khổ, phải đào củ rừng ăn thay cơm. Hay khi chỉ có vài trăm quân, nghĩa quân phải liều chết mở đường máu khi bị quân Minh đánh kẹp hai phía ở sách Khôi (nay thuộc Ninh Bình).

Cuối năm 1423, quân Minh nới lỏng vòng bao vây nên nghĩa quân mới có thể trở về căn cứ Lam Sơn để bổ sung lực lượng, lương thực, rèn đúc thêm vũ khí. Xét thấy nghĩa quân chiến đấu một thời gian dài đã mệt mỏi nên bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định tạm thời đình chiến với địch. Trong thời gian đình chiến, quân địch đã sử dụng nhiều âm mưu thâm hiểm để khuất phục nghĩa quân, chiêu an nghĩa quân về dưới sự cai trị của Minh triều. Tuy nhiên, những người lãnh đạo của nghĩa quân cương quyết từ chối những lời đề nghị đó. Do không khuất phục được nghĩa quân Lam Sơn, chúng đã cho chấm dứt đình chiến, chuyển sang trạng thái chiến tranh trong năm 1424.

Để đối phó với tình hình chiến tranh đang quay trở lại, Bộ chỉ huy nghĩa quân đã họp bàn kế tiến thủ. Trong cuộc họp này, Nguyễn Chích đã hiến một kế sách mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh - đó là đưa quân tiến vào Nghệ An, xây dựng căn cứ mới phát triển rộng về phía nam để tạo chỗ dựa vững chắc để quay ra Đông Đô phân định thắng bại với địch. Cân nhắc đến sự phát triển của nghĩa quân sau này, Bộ chỉ huy đã chấp nhận kế hoạch của Nguyễn Chích. Đồn Đa Căng với vị trí quan trọng được chọn là địa điểm để nghĩa quân phô trương thanh thế trước khi tiến vào Nghệ An.

Ngày 12/10/1424 (tức ngày 20/9 âm lịch), nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công đồn Đa Căng. Tham chính Lương Nhữ Hốt chỉ huy đồn cùng một số tướng tháo chạy về thành Tây Đô. Toàn bộ đồn lũy bị phá hủy, ta thu được nhiều khí giới của địch. Nhận được tin đồn Đa Căng bị nghĩa quân tấn công, tướng Hoa Anh từ thành Tây Đô đem quân cứu viện nhưng khi đến nơi thì đồn đã bị phá. Trên đà chiến thắng, nghĩa quân đánh bại đạo viện quân, bắt được nhiều tù binh, Hoa Anh phải đem quân rút về Tây Đô. Sau trận thắng, nghĩa quân Lam Sơn đi đường thượng đạo theo sông Con, sông Hiếu tiến vào đất Nghệ An.

 

Để ngăn chặn nghĩa quân Lam Sơn tiến vào đất Nghệ An, địch đã bố trí nhiều lực lượng để ngăn cản bước tiến quân ta. Tại vùng Bồ Lạp, Trần Trí, Phương Chính, Lý An, Sư Hựu đem quân đánh ép hai mặt nghĩa quân. Nghĩa quân lợi dụng địa hình bố trí mai phục tiêu diệt hơn 2000 tên địch, thu được hơn 100 ngựa chiến. Sau thất bại ở Bồ Lạp, Sư Hựu đem quân về đóng ở trang Trịnh Sơn để ngăn nghĩa quân tiến về Trà Long. Khi nghĩa quân đi đến trang Trịnh Sơn gặp quân của Sư Hựu ngăn cản, một trận tấn công đã diễn ra, quân ta tiêu diệt hơn 1000 quân địch.

Sau khi đánh tan cánh quân của Sư Hựu ở trang Trịnh Sơn, nghĩa quân tiến thẳng đến thành Trà Long, tướng Cầm Bành của địch sau trận thua ở Bồ Lạp đã lui về cố thủ trong thành chờ cứu viện. Trước vòng vây của nghĩa quân, địch ỷ lại vào sự hiểm trở của thành, không mở cửa đối chiến, đồng thời sai quân cấp báo về thành Nghệ An xin cứu viện. Trước mưu kế xin hòa hoãn của địch để đợi viện quân đến, nghĩa quân Lam Sơn tương kế tựu kế  khiến chúng không thể phái binh giải vây cho thành Trà Long. Sau hơn hai tháng không có được sự tiếp viện của thành Nghệ An, quân địch trong thành Trà Long đã sức cùng lực kiệt, Cầm Bành mở cửa đầu hàng nghĩa quân đầu năm 1425. Việc chiếm giữ thành Trà Long thành công đã giúp nghĩa quân đặt bước chân vững chắc đầu tiên trong việc biến Nghệ An thành căn cứ lớn, từ đó tỏa đi khống chế các vùng xung quanh.

Tiến hành theo kế hoạch của Nguyễn Chích, nghĩa quân từng bước mở rộng phạm vi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Từ vùng rừng núi tây bắc Thanh Hóa, nghĩa quân đặt chân đến đất Nghệ An, xây dựng căn cứ mới. Qua các trận đánh thắng quân Minh, uy tín của nghĩa quân càng lên cao, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa nhanh chóng được nghĩa quân kiểm soát chỉ sau hơn một năm phát triển, trở thành chỗ dựa vững chãi khi nghĩa quân tiến ra Đông Đô đánh đuổi hoàn toàn quân địch ra khỏi bờ cõi.

Năm Giáp Thìn 1424, với kế hoạch tiến vào Nghệ An của Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn đã từng bước trở thành một con rồng lớn trong phong trào đấu tranh chống quân Minh xâm lược trên khắp cả nước. Đoàn quân Lam Sơn liên tiếp giành thắng lợi trong các trận đánh, cuối cùng tiêu diệt đạo viện binh hơn 15 vạn người của nhà Minh, buộc Tổng binh Vương Thông phải cầu hòa xin rút quân về nước./.

Bài: Nguyễn Văn Huấn

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh