Từ nửa sau của thế kỷ XIV, vương triều Trần từ thời kỳ phát triển đỉnh cao bắt đầu có sự suy thoái, mọi quyền lực rơi vào tay đại thần Hồ Quý Ly. Năm 1400, Hồ Quý Ly giáng vua Thiếu Đế xuống làm Bảo Ninh Đại vương, tự lập làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Ngu, thành Tây Đô (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được chọn là kinh đô của đất nước.
Năm 1407, nhà Minh lấy cớ “phù Trần diệt Hồ”, đem quân sang xâm lược nước ta. Nhà Hồ ngay lập tức cho xây thành đắp lũy, rèn đúc vũ khí để chống giặc. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ nhanh chóng thất bại, vua tôi nhà Hồ bị giặc bắt và giải về Trung Quốc. Đất nước bị đô hộ, trở thành đất Giao Chỉ sáp nhập vào lãnh thổ Đại Minh.
Sau khi xâm lược được nước ta, quân Minh đã dựng nên chế độ thống trị vô cùng tàn bạo. Chúng bắt dân ta phải lên rừng xuống biển để tìm sản vật quý, đặt ra thuế khóa nặng nề… khiến sản xuất kinh tế thụt lùi. Bên cạnh đó, chúng tìm mọi cách để đồng hóa dân ta bằng cách phá hoại đền thờ các vị anh hùng, đem hết sách vở của ta về nước, dạy dân ta văn hóa Trung Quốc… Trước sự thống trị bạo tàn ấy, dân ta đã đứng lên đấu tranh, hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổ ra khắp nơi khiến quân Minh phải rất vất vả mới đàn áp được, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng.
Trong khi các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đang diễn ra, tại vùng đất Lam Sơn, vị hào trưởng Lê Lợi đang tích cực tích lũy lực lượng, xây dựng căn cứ. Ông quyết chí đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi đất nước, giải cứu dân chúng khỏi cảnh lầm than.
Để một cuộc khởi nghĩa có thể đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi không phải chỉ trong một thời gian ngắn mà có thể mất nhiều năm mới làm được. Điều đó phụ thuộc vào sự chuẩn bị và sách lược của người lãnh đạo nghĩa quân. Lê Lợi hiểu được điều này nên đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ông đã liên lạc với anh hùng hào kiệt khắp nơi, hình thành một mạng lưới hoạt động rộng lớn, thuận tiện cho việc di chuyển của nghĩa quân khi đánh giặc. Cùng với đó là chiêu mộ nghĩa sĩ cùng chung chí hướng đánh đuổi giặc Minh. Năm 1416, Lê Lợi đã cùng 18 người khác tổ chức Hội thề Lũng Nhai (nay thuộc địa phận huyện Thường Xuân), kết làm anh em cùng lo việc nước.
Khi nghĩa quân đã có đội ngũ, có người chỉ huy thì vấn đề được quan tâm chính là binh lương. Lê Lợi đã giao việc này cho hai cha con Ngô Kinh, Ngô Từ và nhấn mạnh tầm quan trọng ngang với việc đánh trận. Thêm nữa, nghĩa quân chiến đấu vì dân nên cần dựa vào dân, được dân ủng hộ thì nguồn lương của nghĩa quân mới đảm bảo, nghĩa sĩ có thể yên tâm chiến đấu.
Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), khi thời cơ chín muồi, những điều kiện cần có đã được chuẩn bị đầy đủ, Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, cùng các tướng sĩ dựng cờ khởi nghĩa tại căn cứ Lam Sơn chống lại quân Minh. Từ một đội quân ban đầu chỉ hơn hai nghìn người, nghĩa quân đã nhiều lần giành chiến thắng trước giặc, gây dựng lòng tin với dân chúng. Trải qua nhiều khó khăn gian khổ, nghĩa quân ngày càng mạnh mẽ, bộ chỉ huy đề ra hướng chiến lược phát triển đúng đắn, đưa khởi nghĩa Lam Sơn trở thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Cuối cùng đến năm 1427 trước sự đồng lòng của tướng sĩ Lam Sơn và nhân dân cả nước, quân Minh đã phải nhận thất bại nặng nề và rút về nước.
Cách ngày nay hơn 600 năm, lịch sử đã chọn Khởi nghĩa Lam Sơn để giao trọng trách đánh đuổi quân thù, giành lại non sông đất nước. Nghĩa quân Lam Sơn xuất hiện đã mở ra giai đoạn mới, liên kết, dẫn dắt các cuộc khởi nghĩa khác tạo nên phong trào đấu tranh rộng khắp, từng bước đánh bại đạo quân xâm lược của nhà Minh, khôi phục lại nền độc lập dân tộc./.
Bài: Nguyễn Văn Huấn
Cán bộ Phòng Nghiệp vụ BQLDTLK