Trong thời kỳ tồn tại của vương triều Hậu Lê (1428 - 1789), nền khoa học của Việt Nam có sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có địa chí. Cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ của đất nước, thông tin địa lý cũng được cập nhật, thay đổi theo thời gian. Dưới đây là một số tác phẩm địa lý tiêu biểu.
Dư địa chí là tác phẩm địa lý hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử vương triều. Sách được biên soạn vào năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Bình (1435) đời vua Lê Thái Tông bởi quan Hành khiển Nguyễn Trãi. Sau khi hoàn thành nội dung, tác phẩm được một số vị quan như Nguyễn Thiên Túng viết lời tập chú, Nguyễn Thiên Tích viết cẩn án và Lý Tử Tấn viết thông luận bổ sung[1]. Khác với những tác phẩm của các triều đại trước khi viết về lĩnh vực địa lý, Dư địa chí đã đề cập một cách sâu rộng về nhiều mặt như đặc điểm tự nhiên lãnh thổ, sông núi, con người, khảo sát về đơn vị hành chính, phong tục tập quán của của các đạo thời bấy giờ.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn là một tác phẩm khảo cứu có giá trị cao về lĩnh vực địa lý. Tác phẩm được ông viết năm 1776 trong thời gian ông giữ chức Hiệp trấn xứ Thuận Hóa. Phủ biên tạp lục có nghĩa là ghi chép về việc vỗ về yên dân vùng biên cảnh, ở đây chủ yếu là hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Bên cạnh việc ghi chép chi tiết về tình hình của hai xứ Thuận - Quảng trong khoảng 200 năm từ cuối thế kỷ XVI cho đến năm 1776, tác phẩm mô tả tỉ mỉ về đặc điểm địa lý, tự nhiên, tài nguyên cùng với hoạt động khai thác của các chúa Nguyễn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tác phẩm đầu tiên thể hiện rõ chủ quyền của nước ta thời phong kiến đối với hai quần đảo này.
Cùng với các tác phẩm sách, dưới thời Hậu Lê đã cho vẽ một số bản đồ thể hiện rõ lãnh thổ của nước ta. Tập bản đồ đầu tiên và cũng là căn bản cho việc vẽ các bản đồ sau này có tên là Hồng Đức bản đồ, được thực hiện dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trước vua có dụ cho các đạo thừa tuyên vẽ bản đồ hành chính dâng lên, đến năm 1490 thì hoàn thành tập bản đồ gồm 15 tấm, trong đó có 1 tấm vẽ lãnh thổ cả nước, 1 tấm vẽ phủ Trung Đô và 13 bức địa đồ của các đạo.
Dựa trên cơ sở là tập Hồng Đức bản đồ thời vua Lê Thánh Tông, trong thời kỳ Lê Trung hưng đã xuất hiện các bản đồ như Bình Nam đồ (cuối thế kỷ XVI), Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII), Cao Bằng phủ toàn đồ. Các bộ bản đồ này được tập hợp lại trong bộ Hồng Đức bản đồ[2].
Dưới thời Hậu Lê, các hoạt động chinh phạt, nội chiến, các cuộc di cư đã thúc đẩy lãnh thổ nước ta không ngừng phát triển cả về phía Tây, phía Nam, đặc biệt là sự quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở phía Đông. Những hoạt động đó làm cho thông tin địa lý được cập nhật, thay đổi liên tục trong suốt triều đại, những điều này được hiện rõ qua các bộ bản đồ.
Những tác phẩm tiêu biểu trên đã chứng minh được vai trò của triều đình trong quản lý đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đồng thời chúng cũng là những nguồn tư liệu quý giá để các thế hệ sau hiểu rõ quá trình mở rộng lãnh thổ để có được đất nước như bây giờ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ức Trai di tập Dư địa chí, Nxb Sử học, 1960
- Hồng Đức bản đồ, PDF, Tủ sách viện Khảo cổ, Bộ Giáo dục Quốc gia, Sài Gòn, 1962
Bài: Nguyễn Văn Huấn
Cán bộ Phòng Nghiệp vụ BQLDTLK