Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh nằm trên địa bàn của thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) và xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc). Với vị trí thuận lợi và đường giao thông thuận tiện, du khách dễ dàng trong việc đến tham quan di tích. Bỏ lại những ồn ào nơi phố thị, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian hoàn toàn khác ngay tại Lam Kinh.
Hiện nay, để đến được Khu di tích lịch sử Lam Kinh, du khách có nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển với nhiều tuyến giao thông lớn như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45… cùng với các tuyến bay đến sân bay Thọ Xuân (thị trấn Sao Vàng). Cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp thúc đẩy lượng du khách đến Khu di tích ngày càng tăng.
Đến với Lam Kinh, trước mắt du khách là một tổ hợp các công trình điện miếu, lăng mộ, bi ký mang trong đó hồn cốt của lịch sử dân tộc. Sau khi băng hà cuối năm 1433, thi hài vua Lê Thái Tổ được đưa về đây an táng, Lam Kinh dần trở thành khu sơn lăng an táng các vị vua, thái hậu nhà Lê. Trải qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến tranh, các điện miếu dần chỉ còn lại những nền móng. Và trên những nền móng đó, Nhà nước đã cho xây tu bổ, tôn tạo lại. Tham quan Khu di tích, du khách sẽ đắm mình trong một không gian cổ kính, tâm linh và sinh thái của rừng và hệ thủy.
Ngọ Môn và Sân Rồng
9 tòa Thái Miếu
Với vị trí phong thủy đắc địa, được bao bọc bởi các ngọn núi như núi Lam Sơn, núi Mục, núi Chúa, núi Miềng, linh khí đất trời đã tụ lại khu sơn lăng Lam Kinh, khiến cho cây cối như có được linh trí như “cây ổi cười” trong lăng mộ vua Lê Thái Tổ có đặc điểm rung lá khi gãi nhẹ vào thân cây.
Bên cạnh màu đỏ của gạch, ngói, màu xám của đá trong các công trình là màu xanh của cây cối. Trong khoảng 200ha tổng diện tích của Khu di tích Lam Kinh, hệ thống sông hồ chiếm hơn 40ha, hệ thống rừng với gần 70ha. Rừng cây của Lam Kinh có nhiều loài cây bản địa như lim xanh, lát, vù hương, dổi, sòi, ruối... với tuổi đời lên đến 500 - 600 năm. Không còn những ồn ào, khói bụi nơi phố phường, du khách được cảm nhận bầu không khí trong lành, mát mẻ của rừng núi Lam Sơn, nghe tiếng hót của nhiều loài chim vang vọng trong không trung. Rừng cây Lam Sơn như chiếc điều hòa khổng lồ khiến cho không khí nơi đây mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Giếng cổ Lam Sơn
Trong Khu di tích, khi du khách tham quan càng lâu, tìm hiểu càng nhiều sẽ có cảm giác bản thân như được quay về thời gian đầu các công trình thờ tự được xây dựng lên. Những đoạn tường thành, nền móng kiến trúc được phủ kín bởi cỏ dại, các bức tượng nghê, rồng đã ngả sang màu xám xịt hay nhiều cổ thụ to, cao đến mức phải 2 - 3 người mới ôm hết thân của nó. Gần sáu trăm năm với biết bao thăng trầm của lịch sử đã khiến cho nhiều công trình của Lam Kinh không còn nguyên vẹn như lúc đầu.
Để tưởng nhớ công lao của Lê Lợi cùng hoàng tộc và các vị anh hùng có công với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Hàng năm, cứ đến ngày 21, 22, 23 tháng 8 âm lịch, Lễ hội Lam Kinh được tổ chức, lần đầu tiên là năm 1995. Lễ hội Lam Kinh được diễn ra với hai phần chính là Lễ tế, dâng hương và phần hội gồm các hoạt động sân khấu hóa, trò diễn dân gian với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, nghệ nhân, nhân dân địa phương. Lễ hội Lam Kinh thu hút hàng vạn du khách khắp nơi về đây dâng hương, tham quan.
Lễ hội Lam Kinh
Sự hòa trộn của các yếu tố lịch sử (các công trình điện miếu, lăng, bi ký), văn hóa (Lễ hội Lam Kinh), thiên nhiên (không gian núi rừng, sông, hồ) đã tạo nên một không gian đặc biệt cho Lam Kinh, giúp Lam Kinh trở nên hấp dẫn, đầy sức hút trong con mắt du khách thập phương. Lam Kinh nhờ đó nổi bật hơn trên bản đồ du lịch xứ Thanh và cả nước./.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Huấn
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK