Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

LÊ THÀNH (? – 1426) KHAI QUỐC CÔNG THẦN NHÀ LÊ


Ông tên Đỗ Thành được đổi họ vua là Lê Thành, nguyên quán xã Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (nay là huyện Thọ Xuân). Sinh thời có nhà ở tại làng Đình Hương, xã Đông Khối, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn (nay thôn Định, xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa) ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu và được giao nhiều trọng trách.

Năm 1418, Lê Thành tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, cùng Lê Lợi và trải qua bao gian nan vất vả trong những năm đầu dựng cờ khởi nghĩa. Có lúc tình thế nguy bách, ông cùng các tướng lĩnh giúp Lê Lợi tránh nạn vào núi Chí Linh, rồi đưa Lê Lợi về động Mường Khao.

Trong năm 1419 và 1420, quân Minh lại tấn công Bến Bổng. Lê Lợi tiến đến động Mường Một. Ông vâng mệnh cùng các tướng lĩnh đặt binh phục kích 4 mặt, nhằm chặn hết các đường khẩn yếu, đánh bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao. Quân tan vỡ, ông được ban thăng “Trung Nghị đại phu, thiên tước Bá”.

Năm sau 1421, Trần Trí lại đem quân đánh úp Ba Lẫm, đèo Kình Lộng, ông chia quân mai phục tại Đèo Ống. Giặc ập đến đúng giờ Ngọ, ông chia nhiều đường đánh giáp lá cà, quân giặc thua to. Ông được thăng “Thực thư Vệ tướng quân”.

Năm 1422, quân Minh cùng quân Ai Lao phối hợp tấn công Quan Gia. Lê Lợi tự mình đốc thúc tướng lĩnh. Ông vâng mệnh làm tiên phong cùng với Lê Nỗ, Lê Hào đánh thắng tướng giặc là Phùng Quý, Hoàng Thành, chém hơn nghìn đầu giặc, bắt hơn trăm con ngựa. Nghĩa quân lại rút lui về núi Chí Linh, ông được ban sắc: “Cần kiềm Vệ tướng quân”.

Năm 1424, được lệnh cất quân đánh giặc, ông thừa thắng kéo thẳng đến Nghệ An, Trà Long, Trà Lân… bẻ gẫy các mũi tiến công của địch, bắt sống tướng giặc là Chu Kiệt, chém đầu Hoàng Thành, được vua ban phong “Tham đốc Thiên lộc hầu”.

Năm 1425, Đỗ Thành cầm quân đi đánh các thành Tân Bình, Thuận Hóa, đến Bố Chánh, ông chia quân phục kích. Khi giặc ào đến ông chỉ huy đánh chặn ngang vào thế trận giặc, chém hàng nghìn tên, số giặc chết đuối đếm không xuể. Do chiến công lớn ấy ông được ban phong “Tổng quản Thượng tướng quân”.

Năm 1426, Đỗ Thành được sai trấn thủ thành Long Châu, thế giặc rất mạnh đã ồ ạt vây thành, ông bày thế trận dựa lưng vào thành quyết chống cự và bảo vệ đến cùng. Nhưng thế giặc quá mạnh, thành bị thất thủ, ông bị trận vong, phong “Lê lộc hầu, vi quận công”. Niên hiệu Thuận Thiên (1428) năm đầu, ông được truy phong “Suy trung đồng đức hiệp mưu, bảo chính công thần” lại thêm chức “Thái úy, Lộc quận công”, được ban họ vua.

Đến đời Hồng Đức (1470 – 1497), vua Lê Thánh Tông đã truy phong “Bình Ngô khai quốc Công thần” gia tặng “Trang quốc công”, ban sắc cho nhân dân được dựng đền thờ ông. Các triều vua sau đều ban sắc phong tặng từ Trung đẳng thần lên Thượng đẳng thẩn.

Đặc biệt, tướng quân Lê Thành có hai bà vợ cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.

Bà Chính Thất:

Bà họ Nguyễn, húy là Cả. Tổ tiên xưa ở hương Lam Sơn, phường Bảo Lạc là vợ đầu của Trang quốc công Lê Thành. Bà tính nết ôn hòa, hình dáng yểu điệu, sắc đẹp hơn người, thông minh tài trí.

Năm Mậu Tuất (1418), bà cùng chồng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, phò vua, xông pha trận mạc, nhiều lần giúp mưu bàn việc quân đánh thắng giặc.

Năm Bính Ngọ (1426), khi thành Long Châu thất thủ, chồng bị tử trận. Bà đã cỡi ngựa cầm binh xung trận quyết chiến với giặc. Thế không chống nổi, bà tử tiết theo chồng. Vua Lê đã ban sắc phong “Quận phu nhân” ban tên thụy là Trinh Liệt, “Thượng đẳng thần” (sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 10 (1925)).

Bà Thứ Thất:

Bà họ Nguyễn, húy là Phái, người ấp Đình Hương (nay là thôn Định Hòa, xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa). Thuở Trang Quốc công Lê Thành tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, theo vua Lê đánh giặc, nhiều lần qua ấp Đình Hương yêu mến và lấy bà làm vợ, sinh hạ được bốn con trai đều phò Lê và được phong tước Hầu. Bà rất khéo dạy con, tất cả đều thành đạt. Bà còn là người đứng ra vận động dân trong vùng quyên góp lương thảo cho nghĩa quân đánh giặc.

Trai thứ nhất là Lê Thùy, tổng chỉ huy sứ, Tư đô thư vệ sự, Thịnh Lộc hầu.

Trai thứ hai là Lê Duyên, Đô chỉ huy, đồng trị sự, Ân thọ hầu.

Trai thứ ba là Lê Tại, Tổng binh đồng trị sự, Ân Lộc hầu.

Trai thứ tư là Lê Trung, chỉ huy đồng trị sự, Tín Lộc hầu.

Khi chồng trấn thủ thành Long Châu, bà và con tạm trú tại quê nhà bỏ tiền của nhà mời gọi các nơi đến xây dựng làng ấp, cứu giúp dân làng. Khi mất được truy phong là Quận phu nhân, ban tên thụy là Từ Thiện và lập đền thờ cúng.

Hiện nay đền thờ Lê Thành và hai phu nhân cùng 4 con (được thờ vọng bên ngoại) tại thôn Định Hòa, xã Đông Cương, Thành phố Thanh Hóa. Vào các ngày giỗ ông và bà cả (20 tháng 12 âm lịch), giỗ bà thứ (10 tháng 2 âm lịch) nhân dân trong vùng và du khách thập phương thường đến tưởng niệm và làm lễ dâng hương.

Hiện nay trong đền thờ Lê Thành còn lưu giữ 13 bản sắc phong, 8 bản của ông và 5 bản của hai bà. Trong 8 sắc phong của ông thì 6 sắc còn nguyên ấn của  nhà vua, còn hai bản không còn nguyên mà chỉ chép lại bằng chữ Hán (bản chép còn), 5 bản của hai bà còn nguyên, sắc phong của nhà vua ban có dấu ấn./.

Tài liệu tham khảo:

Lê Quý Đôn toàn tập – tập III.

Kiến văn tiểu lục – Lê Quý Đôn.

Văn quan – Võ tướng xứ Thanh – Trần Văn Thịnh.

Lam Sơn Thực lục – Nguyễn Diên Niên, Lê Văn Uông.

Di tích và danh thắng Thanh Hóa tập 4 – Ban quản lý di tích và Danh thắng Thanh Hóa

Bài: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh