Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Làng Ngán trong khởi nghĩa Lam Sơn


Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có nhiều địa danh, tên đất, tên làng do Lê Lợi đặt ghi dấu những trận đánh, những chiến công hiển hách của cha ông. Một trong những địa danh gắn liền với chiến thắng đầu tiên có ý nghĩa quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn phải kể đến địa danh “Làng Ngán”

Làng Ngán nay thuộc xã Ngọc Khê Huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa, làng nằm bên đường quốc lộ 15a phía Nam dốc Ngán, cách trung tâm điện miếu Lam Kinh khoảng 20km về phía Tây Bắc. Làng có diện tích gần 149 ha, trong đó đất nông nghiệp 8,5ha với 60 hộ dân gần 200 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mường sinh sống

Qua tư liệu điền dã cho biết, từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi tập hợp binh mã, sau một thời gian nương náu ở núi rừng. Tháng 5 năm 1418 (năm Mậu Tuất), nghĩa quân trở về căn cứ Lam Sơn, quân Minh kéo đến và truy đuổi ráo riết, Lê Lợi rút quân lên Lạc Thủy (tên một địa điểm thuộc thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn), dự đoán quân địch thế nào cũng đuổi theo để tiêu diệt, nghĩa quân Lam Sơn cần một địa hình hiểm trở để bố trí quân mai phục chờ địch, khi nghĩa quân đi qua nơi đây (Làng Ngán), thấy núi non hiểm trở, dưới lại có 1 hang rộng và sâu rất thuận lợi cho việc mai phục chờ địch.

Ngày 18/5 (Tức là ngày 13/4 năm 1418), Mã Kỳ dẫn quân lên Lạc Thủy và lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân Lam Sơn. Các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Nguyễn Lý, Trương Lôi chỉ huy nghĩa quân chiến đấu dũng cảm và giành được thắng lợi lớn, nghĩa quân đã đánh bại cuộc truy kích của địch, tiêu diệt hàng ngàn quân địch và thu được nhiều vũ khí, quân nhu. Quân giặc bị tiêu diệt, tổn thất nặng nề, tinh thần hoang mang, sợ hãi và vô cùng ngán ngẫm. Vì Vậy, có lý giải cho rằng từ đó trước sự ngán ngẫm của quân giặc, Lê Lợi đã đặt tên cho cái dốc mà nghĩa quân mai phục tập kích địch là dốc “Ngán”, làng có dốc Ngán gọi là làng “Ngán”.Tên làng Ngán còn liên quan đến các làng: Làng Túng, làng Ngán, làng Sáng, làng Mống (Mộng), Làng Mơ. Người xưa có câu: “ Túng - Ngán- Tran - Thong”. Trải qua nhiều biến đổi của tình hình Kinh tế Xã hội, thì làng Ngán được nhân dân gọi chệch ra là làng Nán. Vì vậy, làng Ngán hiện nay là thôn Nán (Làng Cao Vân) xã Ngọc Khê Huyện Ngọc Lặc Tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt khi nhắc đến dốc Ngán, làng Ngán không thể không nhắc đến hang Bàn Bù. Hang Bàn Bù nằm ngay dưới chân dốc Ngán. Theo cách lý giải của người dân địa phương “Bàn” trong tiếng Mường Nghĩa là “Pán” là một khu đất rộng bằng phẳng, có hình dáng nhô ra (Độc lập), “Bù” trong tiếng Mường là “Pú” nghĩa là canh giữ, “Chờ đợi”. Hang Bàn Bù còn có tên gọi khác là Hang Làng Ngán (Thuộc Làng Ngán xã Ngọc Khê huyện Ngọc Lặc)

Cuộc mai phục, tập kích quân địch tại dốc Ngán, hang Bàn Bù là chiến thắng lớn, đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn, buộc địch phải lui về cố thủ ở thành Tây đô và các đồn lũy xung quanh để chờ viện binh. Vì Vậy, sau khi đánh thắng giặc Minh, vua Lê Thái Tổ đã sắc phong cho dân bản hằng năm tổ chức ăn mùng chiến thắng vào ngày 18, 19 tháng Giêng. Trong sắc phong có đoạn ghi “Tĩnh Quang Ngọc Giáng Thủy Lôi Lưu Thanh Thủy Thần” giao cho nhân dân xã Ngọc Khê phụng thờ. Để tưởng nhớ Vua Lê Thái Tổ. Nhân dân địa phương đã lập đền thờ thần và các vị tướng có công đánh giặc cứu nước.

Hiện nay, hang Bàn Bù là một di tích lich sử Văn Hóa thắng cảnh, là niềm tự hào của Nhân dân Ngọc Lặc. Hằng năm cứ đến ngày 19 tháng Giêng, Nhân dân địa phương lại tổ chức Lễ hội để kỷ niệm chiến thắng trong khởi nghĩa Lam Sơn, đồng thời để tri ân tưởng nhớ đến các nghĩa sỹ Lam Sơn, những người đã xả thân vì nền độc lập của dân tộc.

Mặc dù cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đi qua 6 thế kỷ, nhưng những địa danh “ Làng Ngán”, “Dốc Ngán”, Hang “Bàn Bù” mãi mãi là địa danh lịch sử, văn hóa, gắn liền với những chiến công hào hùng của cha ông mà hậu thế cần giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị, để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu mai sau./.

Bài: Hoàng Thị Hiền

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

                                                           


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh