Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

KHAI THÁC, PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH LAM KINH


Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay, ở nhiều tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, nhờ việc khai thác, bảo tồn, phát huy các di sản thiên nhiên hiện còn mà đã thay đổi cả hơi thở cuộc sống và nhịp điệu kinh tế cả một vùng rộng lớn. Riêng ở tỉnh Thanh hóa, khu di tích Lam Kinh sau những đêm dài ngủ quên cũng bừng tỉnh trong trào lưu phục hưng văn hóa dân tộc

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay, ở nhiều tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, nhờ việc khai thác, bảo tồn, phát huy các di sản thiên nhiên hiện còn mà đã thay đổi cả hơi thở cuộc sống và nhịp điệu kinh tế cả một vùng rộng lớn. Riêng ở tỉnh Thanh hóa, khu di tích Lam Kinh sau những đêm dài ngủ quên cũng bừng tỉnh trong trào lưu phục hưng văn hóa dân tộc. Và từ ngày ấy đến nay, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước cùng sự cố gắng quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự cố gắng quyết tâm của cả tỉnh, Lam Kinh đã và đang trở thành một trọng điểm của "Nền công nghiệp không khói". Cuộc tái thiết, bảo tồn khu di tích Lam kinh vẫn được tiếp tục sự trông đợi của cả tỉnh, cả nước.

                     Ở bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến vấn đề lầm thế nào để khai thác tối đa giá trị của khu di tích lịch sử - văn hóa Lam Kinh, nhất là việc phục vụ khách tham quan du lịch. Muốn vậy, chúng ta cần làm cho du khách thấy hết ý nghĩa, giá trị của khu di tích này.

                    1. Lam Kinh (hay còn gọi là Tây Kinh) là một quần thể điện miếu - sơn lăng của nhà Hậu Lê được xây dựng trên vùng đất Lam Sơn - quê hương của nhà Lê. Đây cũng là vùng đất khởi phát cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Minh do Lê Lợi cầm đầu, để sau 10 năm chiến đấu, nằm gai nếm mật ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa đã mở đường tiến vào Nghệ An rồi tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi để lập ra vương triều Lê - một vương triều kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với gần 4 thế kỷ. Cho nên, khi về với cội nguồn và đất phát tích của nhà Lê, du khách sẽ có chung cảm xúc với Hàn Lâm Viện Dương Trực Nguyên (thế kỷ XV) thể hiện trong câu thơ ca ngợi đất tổ nhà Lê:

                                                 "Lam Sơn chỉ xích thiên Nam vọng

                                           Vạn cổ nghi nguy nguy sáng nghiệp công".

                                    (Núi Lam Sơn gang tấc là danh sơn của nước Nam

                                    Công đức xây dựng cơ nghiệp vời vợi trải muôn đời).

                     Từ quê hương người anh hùng dân tộc Lê Lợi, du khách cũng có điều kiện đến thăm địa điểm của Hội thề Lũng Nhai ở khu vực núi Bàn Thề, ruộng Bàn Thề (ở kề sát Lam Kinh, thuộc xã Kiên Thọ - Ngọc Lặc bây giờ - địa điểm mới được phát hiện và công bố tại hội thảo quốc gia năm 2010 tại hà nội) rồi đi khắp địa bàn miền tây Thanh Hóa (như Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa) - những nơi đã in dấu của nghĩa quân Lam Sơn trong 10 năm nằm gai nếm mật đầy hy sinh, gian khổ. Nơi đây, từ các vùng Mường, vùng Thái, với Chí Linh cao vút tầng mây, hay những đồi núi, sông suối và rừng bạt ngàn giăng phủ, chỗ nào cũng còn in đậm ngững truyền thuyết về nghĩa quân Lam Sơn. Từ những địa điểm bãi luyện quân, nơi hội thề, dòng suối "hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" (tức Huối Lấu - Suối Rượu) đến những chỗ có chuyện "Măng giang, gà thui" và lá rừng có hàng chữ "lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần", hay hoàng loạt địa danh, địa điểm do Lê Lợi đặt tên cũng đều mang lại cho du khách những cảm xúc bồi hồi, thú vị.

                     Cũng từ Lam Kinh, du khách còn có thể ghé thăm quê hương, di tích của nhiều vị khai quốc công thần triều Lê - những người đã từng theo Lê Lợi chiến đấu từ ngày đầu. chỉ trong vòng bán kính từ 5- 10 km, chúng ta có thể điểm tên và đến được với quê hương, di tích của vài chục vị tướng lĩnh, công thần tài ba lừng tiếng như Lê Lai liều mình cứu chúa, hay Lê Văn Linh với bài văn đuổi hổ, rồi Nguyễn Như Lãm - vị tướng binh lương và cũng là một kiến trúc sư thiết kế miếu điện Lam Kinh, đến Trần Lựu - người chém đầu Liễu Thăng, rồi Lê Sát, Lê Thận, Lê Lý, Lê Khả Lãng. Tất cả đều có sức mời gọi và quyến rũ du khách một cách không thể nào thiếu được.

                     2.Lam Kinh là một trung tâm hành lễ thờ tự các vua Lê và Hoàng Thái Hậu thời Lê sơ vào loại lớn nhất trong một ngàn năm phong kiến tự chủ ở Việt Nam, và có thể là cả khu vực Đông Nam Á. Trung tâm hành lễ thờ tự này bao gồm một một quần thể kiến trúc Điện Miếu - Lăng Mộ - Sân Rồng, Nhà Tả Vu, Hữu Vu, Nghi Môn, Thành Lũy, Sông Ngọc, Hồ Tây, và các công trình kiến trúc khác (mà chúng ta còn chưa biết hết) được phân bố vừa tập trung, vùa trải rộng trên một diện tích trên 200ha ở khu vực giáp ranh giữa đồng bằng và trung du đồi núi phía tây Thanh Hóa. Trải qua hơn 5 thế kỷ với biết bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, Lam Kinh không còn hình hài nguyên vẹn như xưa, nhưng với tất cả những gì còn lại như nền móng, chân tảng điện miếu đến thềm rồng, bia ký, tượng người, tượng thú trong các khu lăng mộ, hay hồ, giếng, sông Ngọc và các cây cổ thụ 5-6 trăm năm tuổi cùng cả khu rừng đang hồi sinh tới cả trăm hecta, vẫn là những bằng chứng sinh động giúp chúng ta hình dung về quy mô và giá trị độc đáo của toàn khu vực điện miếu và lăng mộ Lam Kinh. Như sử sách xưa đã ghi chép thì toàn bộ kiến trúc miếu điện ở Lam Kinh đều được làm với "mẫu mực theo đúng như kiểu kinh sư" (tức làm dúng theo kiểu kiến trúc cung đình ở kinh thành Đông Đô vậy). nhưng nhìn rộng ra để mà so sánh thì điện miếu , lăng mộ ở Lam Kinh chắc chắn có sự mô phỏng tiếp thu một cách sáng tạo kiểu kiến trúc, qui mô điện miếu - lăng mộ của Trung Quốc (nhất là triều Minh). Với Đông Đô - Thăng Long -  Hà Nội, kiểu thức cung đình thời Lê Sơ chỉ duy nhất thềm rồng ở điện Kính Thiên đã là vô giá. Còn ở Lam Kinh, với những gì còn lại nguyên gốc cũng là quá đủ để chúng ta thấy được quy mô kiến trúc điện miếu, lăng mộ ở Tây Kinh này quả là to lớn, vượt quá sức tưởng tượng trong hoàn cảnh của nước Đại Việt ở thế kỷ XV. Chỉ riêng những bia đá ở khu lăng mộ với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo cũng là những tấm bia có kích thước lớn nhất hiện thấy ở nước ta. Các tác giả bia đều là những văn thần lừng danh tên tuổi đã biến các nội dung trên bia trở thành những tác phẩm lịch sử, văn học hoàn hảo mà người các đời sau cho đến hôm nay đều phải thán phục, ngợi ca.

                      Lam Kinh sau mấy lần khai quật, từ nền móng đến hệ thống thoát nước và các hiện vật gạch, ngói, đồ gốm, đất nung trang trí, đều giống hệt như lúc khai quật ở Hoàng Thành Thăng Long. Cho nên, nghệ thuật kiến trúc ở Lam Kinh không phải chỉ có giá trị khu biệt trên vùng đất này mà còn có giá trị tiêu biểu của kiến trúc nghệ thuật thời Lê Sơ của quốc gia Đại Việt. Và nhìn rộng ra bên ngoài lãnh thổ thì nó còn có giá trị toàn cầu và trong khu vực về cả quy mô và kiến trúc từng có. Sự độc đáo của Lam Kinh còn được thể hiện ở chỗ các kiến trúc sư thời Lê Sơ đã biết vận dụng hoàn hảo địa hình núi, sông, hồ và đất tự nhiên để bố trí các công trình điện miếu, lăng mộ một cách hài hòa, cân xứng theo thuyết phong thuỷ truyền thống nhằm mục đích để nhà lê cùng nước Đại Việt trường tồn bền vững. Chính vì vậy mà sự hấp dẫn của các công trình kiến trúc nghệ thuật ở đây càng tăng lên gấp bội.

                     3. Lam Kinh chính là vùng văn hóa lễ hội tiêu biểu

                     Theo sử sách xưa đã ghi chép thì trong các dịp hành lễ ở Lam Kinh, triều đình đã cho tế 4 con trâu, đánh trống đồng và quân lính hò reo hưởng ứng theo. Về võ thì múa "Bình ngô phá trận", về văn thì múa nhạc "Chư hầu lai triều". như vậy, cách hành lễ ở Lam Kinh xưa là cách hành lễ theo thức cung đình (có tế, có trống nhạc và múa hát...) một cách nghiêm ngặt và đương nhiên chỉ có triều thần tham dự, còn dân chúng thì chỉ vòng ngoài sân điện (?). Ở thời Lê Sơ, nhất là ở triều vua Lê Thánh Tông, nho giáo chiếm địa vị độc tôn nên những điệu múa hát dân gian không thể được chấp nhận ở lễ hội cung đình. Và sử sách cũng chép đến dân xung quanh Lam Kinh tổ chức đón mừng vua Lê trong dịp về bái yết sơn lăng bằng điệu múa hát rí ren, nhưng vì cho là trò "Dân tục" nhảm nhí nên triều đình đã ra lệnh cấm.

                     Đầu thế kỷ XIX, khi Lam Kinh đã trở thành hoang phế, để tỏ sự tôn trọng nhà lê, nhà nguyễn đã quyết định cho xây dựng Bố Vệ miếu (tức đền Lê ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa hiện nay) để thờ các vua Lê và Hoàng thái hậu. còn ở làng Cham (nay thuộc thị trần Lam Sơn, Thọ Xuân), nhân dân cũng tự động quyên góp xây dựng đền thờ  Lê Thái Tổ (cũng ở đầu thời nguyễn) để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Lê Lợi của đất Lam Sơn xưa. Trong khi đó thì ở làng Tép (nay thuộc xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc), nhân dân cũng lập đền thờ Lê Lai. Từ đó đến nay, trong dân gian văn hóa Việt - Mường, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc nổi tiếng khắp các vùng gần, xa mà dân địa phương, hay người tứ xứ vẫn quen gọi là lễ hội Lê Lai - Lê Lợi với câu tục ngữ " Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ Mụ Hàng Dầu" (tức ngày 21 giỗ Lê Lai, ngày 22 giỗ Lê Lợi, ngày 23 giỗ bà Hàng Dầu - một người có công với Lê Lợi) đã diễn ra một cách sôi nổi, sinh động và có sức cuốn hút đông đảo nhân dân, các vùng miền đến tham dự. Trong suốt quá trình lịch sử, lễ hội Lê lai -  Lê lợi ở hai vùng Việt - Mường giáp gianh này đã trở thành một lễ hội dân gian lớn trong tỉnh, cả nước. Và trong hơn chục năm trở lại đây, lễ hội tại khu di tích Lam kinh vẫn thường xuyên được tổ chức  theo nghi thức Nhà nước (do tỉnh chủ trì) trên cơ sở phục hồi, phát huy cả yếu tố văn hóa lễ hội cung đình xưa với văn hóa lễ hội dân gian truyền thống. Rồi hàng năm, cứ đến kỳ hội, dù mưa, dù nắng, con cháu họ hành nhà lê, hay con cháu họ hàng các công thần khai quốc và nhân dân các vùng miền trong tỉnh, trong nước đã lũ lượt kéo về tham dự làm cho cả một vùng rộng lớn của Lam Kinh đến Kiên Thọ (Ngọc Lặc) tưng bừng, sôi động đến kỳ lạ. từ những cuộc rước kiệu từ làng Cham, hoặc các cuộc rước cỗ, rước kiệu của nhân dân các địa phương ca đền thờ các công thần khai quốc triều Lê về khu vực điện miếu Lam kinh cùng hàng ngàn, hàng vạn du khách gần xa vào ra như mắc cửi đã làm cho không khí lễ hội nơi đây giầu sức sống và sinh động biết bao, tại sân rồng, trò diễn Xuân Phả - bóng dáng của trò " Bình Ngô phá trận " và " Chư hầu lai triều " hồi thế  kỷ XV cùng nhiều trò diễn dân gian độc đáo khác đã góp phần làm tăng ấn tượng tốt đẹp cho khách trẩy hội...

                      4. Lam kinh còn là vùng sinh thái độc đáo và hấp dẫn. Điều đó là rõ ràng. Với diện tích trên 200ha với quần thể di tích, đồi núi, rừng cây, sông, hồ, khe, suối, Lam Kinh vừa có sự cổ kính, linh thiêng, vừa có sự kỳ vĩ thơ mộng. Đặc biệt, ở khu trung tâm, vẫn còn nhiều cây cao bóng cả vài trăm năm tuổi trở lên cũng tạo ra cảnh trí thật đặc sắc. Riêng khu rừng cấm Lam Kinh còn hội đủ các loại cây như lim, lát,dổi, trám, bạch đàn, xà cừ, với độ che phủ lớn đang hồi sinh nhanh chóng (kể cả các núi đồi đều đã được phủ xanh) để chim, thú tụ về đông đúc. Vườn vải thiều với hàng vạn cây đã cho thu hoạch được hơn chục năm còn là nơi nuôi ong lý tưởng. Mùa hè nắng cháy, đi trong tán cây rừng, hay thưởng ngoạn cảnh trí trên Hồ Tây thì thú vị biết bao. Với sự hấp dẫn của vùng cảnh quan, sinh thái lam kinh, nơi đây còn có thể trở thành điểm tham quan du lịch giàu tiềm năng trong suốt cả 4 mùa nếu chúng ta biết đầu tư, tôn tạo hợp lý.

                      Trên đây là những giá trị chủ yếu, nổi bật của khu di tích Lam Kinh mà chúng ta cần nhận biết để khai thác tối đa việc phục vụ tham quan du lịch một cách bền vững. Muốn vậy, Nhà nước và tỉnh cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa và hợp lý hơn nữa. Bên cạch đó, việc quảng bá, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tham quan du lịch Lam Kinh cũng là việc cấp thiết cần chú ý./.


TIN TỨC KHÁC

Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh