Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

HOÀNG ĐẾ LÊ TRANG TÔNG, VỚI SỰ NGHIỆP TRUNG HƯNG NHÀ LÊ


        Vua Lê Trang Tông tên húy là Ninh, con của vua Lê Chiêu Tông, mẹ là Gia Khánh Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Quỳnh, người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên (1) . Vua sinh vào giờ Tỵ ngày 15 tháng 10 năm Tân Sửu(2). Bấy giờ Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, mẹ con phải lánh nạn vào ở sách Trung Lập, huyện Nông Cống.

        Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Hữu vệ Tiền tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim chạy sang Sầm Châu, được Quốc vương Ai Lao (Nước CHDCND Lào ngày nay) giúp đỡ xây dựng căn cứ, cho người, ngựa ở Sầm Châu…Nguyễn Kim nuôi dưỡng quân sĩ tốt, chiêu hiền đãi sĩ, ngầm sai người tìm con cháu nhà Lê để lập ngôi, rồi tìm được Lê Ninh là con của Chiêu Tông, bèn đón sang Ai Lao.

        Tháng giêng năm Quý Tỵ 1533, vua lên ngôi ở đất Ai Lao, lấy niên hiệu Nguyên Hòa, lấy Lam Sơn, Vạn Lại (xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân ngày nay), Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân ngày nay) làm hành tại. Đất nước chia làm 2 miền; Bắc triều (từ Ninh Bình trở ra), Nam triều từ Thanh Hóa trở vào.

         Để khẳng định chủ quyền dân tộc, đất nước, ngay khi mới lên ngôi 1533 vua đã sai Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh tâu rằng: vì Mạc Đăng Dung tiếm loạn, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi nên bỏ lâu việc tiến cống; đồng thời liên kết với vua Ai Lao là Sạ Đẩu, nhờ họ giúp binh khí, voi ngựa, lương thực mưu đồ lấy lại nước(3). Với quyết tâm làm cho nhà Minh hiểu rõ nhà Lê đang tồn tại.

        Năm Giáp Ngọ (Nguyên Hòa thứ 2-1534), nhà Minh sai Hàm Ninh hầu Cửu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân sang đánh nhà Mạc.

Năm Bính Thân (Nguyên Hòa thứ 4- 1536), vua lại sai Trịnh Viên sang nhà Minh trình bày việc nhà Mạc cướp ngôi giết vua, và vua phải siêu dạt vào Thanh Hoa(4).

       Nguyên Hòa năm thứ 6 Mậu Tuất - 1538 họ Mạc sai Nguyễn Văn Thái sang nhà Minh dâng biểu xin hàng. Tháng 11 năm Canh Tý 1540 Mạc Đăng Dung cùng bề tôi quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu, nộp hết sổ sách và đất đai đầu hàng nhà Minh.

        Trước bối cảnh nhà Mạc dâng nước cho giặc, năm 1539, vua phong Đại tướng quân Trịnh Kiểm (con rể của Nguyễn Kim) làm Dực quận công, Trịnh Công Năng làm Tuyên quận công, Lại Thế Vinh làm Hòa quận công và các tướng lĩnh khác được vua Lê ban ấn coi quân, sai đem quân bản bộ, chia các mũi tiến đánh huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay) và các vùng phụ cận, nhằm lấy lại Tây Kinh. Trước sự tấn công quyết liệt của quân nhà Lê, quân Mạc phải rút chạy khỏi địa bàn huyện Lôi Dương.

       Cuối năm 1540, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim tổ chức lực lượng tự cầm quân tiến vào vùng Nghệ An để mở rộng căn cứ. Dưới ngọn cờ phù Lê, Nguyễn Kim đi đến đâu cũng được quan quân các địa phương hết lòng ủng hộ, nhiều người xin gia nhập lực lượng, do vậy thanh thế của lực lượng Nguyễn Kim ngày càng lừng lẫy. 

       Mùa xuân năm 1542, vua cử Thụy quận công Hà Thọ Tường làm Ngự doanh đề thống ngự giá để mưu việc tiến đánh. Sai Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim thống đốc tướng sĩ các dinh đi trước tiến đánh các nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An. Với  quyết tâm nhanh chóng giành lại địa bàn Thanh Hóa làm căn cứ để khôi phục nhà Lê, Nguyễn Kim đốc thúc các tướng lĩnh chia thành nhiều mũi đánh dẹp dư đảng nhà Mạc ở vùng Thanh - Nghệ. Các tướng lĩnh củ của nhà Lê từng bị đuổi về quê, hoặc tự mình bỏ trốn không hợp tác với nhà Mạc, từ Thanh Hóa và các nơi khác tìm đường về với Nguyễn Kim tham gia chống Mạc dưới ngọn cờ của nhà Lê, làm cho thanh thế lực lượng của nhà Lê ngày càng lên cao.

       Năm 1543, Lê Trang Tông tiến quân ra từ thành Tây Đô, đánh tan lực lượng của Mạc Chính Trung. Trước thanh thế lớn mạnh của quân nhà Lê, tướng Mạc giữ thành Tây Đô là Trung hậu hầu Dương Chấp Nhất không giám chống cự, đem quân ra cửa Nam thành đầu hàng. Ba quân sôi nổi mừng rỡ. Bấy giờ, Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim đang còn ở Ai Lao chưa theo đi(5), vua sai Tuyên Quận công Trịnh Công Năng mang chiếu thư về gọi, Nguyễn Kim nhanh chóng chỉnh đốn quân ngũ lên đường ngay, bái yết vua ở hành tại sông Nghĩa Lộ(6).Với công lao to lớn, gia thăng Nguyễn Kim làm Thái tể, sai làm Đô tướng, tiết chế tướng sĩ các dinh, chia đường cùng tiến bình định vùng trấn Sơn Nam (nay thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình). Công việc Trung Hưng nhà Lê đang tiến hành thuận lợi, dang dở thì ngày 20 tháng 5 năm Ất Tỵ 1545, Nguyễn Kim - người khởi xướng sự nghiệp trung hưng nhà Lê bị hàng tướng Dương Chấp Nhất ám hại.

       Tháng 8 năm 1545, vua phong Trịnh Kiểm làm Đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư Lượng Quốc công, được toàn quyền tự tiện xét xử, rồi sau mới tâu vua. Lượng Quốc công càng dốc lòng trung trinh, mọi việc đều quyết đoán rõ ràng, công việc đều đâu ra đấy cả(7).

        Ngày 29 tháng 1 năm Mậu Thân 1548 Vua băng hà, ở ngôi 16 năm, hưởng thọ 34 tuổi, táng ở Cảnh Bằng sách Trung Lập, Lam Sơn, dâng tên Thụy là: Nhân minh dũng xứ, Bố đức tạo mưu, Chiêu diễn triều nghiệp, Thuần gia thần đoán, Thuộc vũ hành nghi, Khôi liệt kiến tích, Phục quốc phù tô Dụ hoàng đế. Miếu hiệu là Trang Tông. Được thờ ở miếu “Lịch Đại đế vương” (Huế); Thái miếu nhà Lê (Bố Vệ); làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân./.

Chú thích:

(1). Sách Cao Trĩ thuộc châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

(2). Dẫn theo bản thần tích ở đền thờ vua Lê Trang Tông ở làng Trung Lập, huyện Thụy Nguyên (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) chép vua sinh ngày 15/10 năm Tân Sửu. Sách Lê triều Ngọc phả và sách vương triều Tiền Lê- Hậu Lê của NNC Lê Xuân Kỳ, Nxb Thanh Hóa, năm 2011, tr 130 cũng chép vua sinh ngày 15/10 năm Tân Sửu. Sách các vị vua và danh nhân họ Lê Việt Nam cũng chép vua sinh năm Tân Sửu. Theo tra cứu của chúng tôi năm Tân Sửu là các năm 1481 hoặc 1541, do vậy vua không phải sinh năm Tân Sửu.  Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vua ở ngôi 16 năm, thọ 34 tuổi vậy thì vua phải sinh năm 1514 nhưng theo sử chép cha đẻ của vua Trang Tông là Lê Chiêu Tông, lên ngôi năm 1516, lúc nay ông mới có 11 tuổi, (nếu Lê Trang Tông sinh năm 1514 thì vua phải sinh trước khi Lê Chiêu Tông lên ngôi, nhưng lúc này Lê Chiêu Tông mới có 9 tuổi …). Do vậy, về vấn đề năm sinh của vua Trang Tông vẫn còn là ẩn số….

(3). Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3-NXB  khoa học và xã hội, HN, năm 1998, tr119, 120

(4). Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3-NXB  khoa học và xã hội, HN, năm 1998, tr 120

(5). Năm trước đã có việc Nguyễn Kim thống suất các quân tiến đánh Thanh Hoa, năm nay lại chép Nguyễn Kim còn ở Ai Lao. Sách Cương mục (CMCB27,40) cho là Toàn thư chép nhầm.

(6). Sông Nghĩa Lộ: chưa rõ ở đâu.

(7). Đại Việt sử ký toàn thư, toàn tập-Nxb Văn học Đông Á, năm 2017, tr 580

       Tài liệu tham khảo

1. Ban nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Thanh Hóa (2021), Kinh Đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử vương triều Lê,  Kỷ yếu hội thảo khoa học.

2. Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789), NXB Khoa học xã hội - Hà Nội, năm 1991.

3. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998), NXB giáo dục, Hà Nội.

5. Văn Bia thời Lê Trung Hưng, NXB Thanh Hóa, năm 2016.

 Bài: Lê Bá Xuân

Cán bộ phòng nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh