Kết quả khai quật khảo cổ học cho biết xưa kia hồ Như Áng là một vùng trũng, nằm giữa các quả đồi, có nhiều khe suối chảy qua để vào suối chính mà ngày nay vẫn gọi là “Hón hướng”( chảy ra sông Chu ) lợi dụng địa hình tự nhiên nhà Lê đã tiến hành đắp đập ngăn nước, để tạo thành Hồ. Hồ nằm ở làng Như Áng nên có tên gọi là hồ Như Áng.
Từ hồ Như Áng theo kênh dẫn nước chảy về hồ Tây. Hồ Tây là hồ trung gian chuyển nước về sông Ngọc theo thuyết phong thuỷ được coi là “Đại não” của điện Lam Kinh. Vì vậy, nhà sử học Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến trương loại chí đã viết: “Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy vào đó, các con sông đều phát nguyên từ hồ ấy, chảy vòng trước mặt. Đáy sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt, nhưng không ai dám lấy trộm, lại có lạch nước nhỏ chảy từ trái sang phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung”.
Năm 2004 hồ Như Áng, đập nhà Lê, hồ Tây được nhà nước đầu tư kinh phí nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy. Công trình hồ Tây, sông Ngọc được coi là “hệ thuỷ” của di tích Lam Kinh, một công trình mang tính chất đặc biệt quan trọng về “phong thủy” cũng như tạo thêm cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cho quần thể khu di tích.