Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Đóng góp của cha con Lê Hiểm, Lê Hiêu trong khởi nghĩa Lam Sơn


Trong sự nghiệp "Bình Ngô", bảo vệ đất nước, do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo nổ ra vào năm 1418 tại núi rừng Lam Sơn không chỉ thu hút được đông đảo anh hùng nghĩa sĩ các địa phương trong nước nô nức tìm đường về tụ nghĩa, mà còn được sự ủng hộ trực tiếp và mạnh mẽ của nhân dân tại chỗ, từ người Kinh đến các tộc người thiểu số ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho tới thành công năm 1427. Đặc biệt trong số đó có rất nhiều gia đình có cả cha con, anh em, vợ chồng… cùng tham gia khởi nghĩa, tiêu biểu như cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu.

Lê Hiểm (còn gọi là Lê Kiệm) sinh năm 1392 tại thôn Ngọc Châu, hương Lam Sơn, phủ Thiệu Thiên, nay là huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một Đại Quan lang cuối đời nhà Trần, ông làm quan giữa lúc đất nước đang phải trải qua những biến động sâu sắc, giữa lúc nhà Trần suy yếu và đi vào sụp đổ, nhà Hồ mới thành lập đang gặp nhiều khó khăn, nhà Minh lợi dụng cơ hội đó để mở cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Trước thảm cảnh nước mất nhà tan trăm họ đau thương tan tóc, ông đã rời bỏ cung môn đi tìm các anh hùng hào kiệt yêu nước, nhằm chống lại giặc Minh. Khi nghe tin Lê Lợi chiêu tập nghĩa sỹ dựng cờ khởi nghĩa tại núi rừng Lam Sơn, Lê Hiểm đã đem theo con trai là Lê Hiêu mới 13 tuổi về với Lê Lợi, tập trung cho cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

Cả hai cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu vốn là người thông minh tháo vát nên sau khi tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn, được Lê Lợi tin tưởng và giao cho nhiệm vụ phụ trách binh lương. Với nhiệm vụ được giao, ông cùng con trai là Lê Hiêu đã sang Ai Lao mua được 15 chiến tượng và 50 chiến mã về giao cho nghĩa quân. Sau đó lại tiếp tục lên Mường Tè - Lai Châu mua được 200 chiến mã. Để chuẩn bị binh lương cho ngày khởi nghĩa, Lê Hiểm đã cử con trai là Lê Hiêu trực tiếp về quê ngoại thuộc xã Phục Đội, huyện Cự Phong (nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) để quyên góp lương thực tập trung cho ngày khởi nghĩa. Đến năm 1416, Lê Lợi và những người cùng chung chí hướng quyết tâm quét sạch giặc Minh tổ chức hội thề Lũng Nhai, tên ông đứng hàng thứ 10 trong số 18 người tham gia cùng Lê Lợi.

Dưới ngọn cờ bình Ngô công, hai cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng khiến quân Minh bạt vía, kinh hồn, tiêu biểu là cuộc phục kích ở Chi Lăng và trận truy kích giặc Minh ở phố Cát. Tại trận phục kích ải Chi Lăng diễn ra ngày 20 tháng 9 năm 1427: trước đó, quân xâm lược nhà Minh dưới sự chỉ huy của Liễu Thăng ồ ạt tiến vào địa giới Đại Việt. Nghĩa quân Lam Sơn bỏ ải Pha Lũy, lui về giữ Chi Lăng. Ngày 20 tháng 9, cuộc đụng độ giữa hai bên diễn ra, Liễu Thăng dẫn quân tiên phong đã rơi vào trận địa phục kích của quân Lam Sơn và phải bỏ mạng tại trận đánh này. Còn trận truy kích giặc Minh ở Phố Cát diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã diệt và bắt sống hàng vạn quân địch, buộc Thượng thư Lý Khánh “kế cùng” phải thắt cổ tự tử.

Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, ngày 20 tháng 2 năm 1428, Lê Thái Tổ định công ban thưởng cho các công thần, tướng lĩnh, Lê Hiểm được phong là Vi Ngân thanh quang lộc đại phu, tri phủ, liệt hầu, Kiêm Lam Sơn lăng đại lăng chính. Tứ kim ngư đại. Hộ quốc liệt hầu, tứ quốc tính.

Ngày 27 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), khi triều Lê ban biển ngạch công thần khai quốc, ban thưởng cho các công thần Lũng Nhai, Lê Hiểm được phong tặng Đệ Nhất công thần, Bình Ngô khai quốc, tên ông đứng hàng thứ 10 trong số 35 người có công đầu được Thái Tổ ngự danh ban thưởng. Ông vinh dự có tên trong số 14 vị quan được Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi phong tặng tước hiệu “Đình Thượng Hầu” - hàng thứ tư trong chín bậc của tước hầu. Đến ngày 15/5 năm Qúy Sửu (1464) Lê Hiểm mất, lăng mộ an táng tại Lam Sơn, ông được vua Lê Thánh Tông ban tên thụy là Trung Định và phong tặng Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương. Đồng thời cấp cho gia tộc 100 mẫu điền ở xã Phục Đội, huyện Cự Phong (nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) để con cháu đời đời hưởng bổng lộc.

Con trai ông là Lê Hiêu được Thái Tổ Cao Hoàng Đế ban cho quốc tính (họ Vua) và phong tặng Đệ nhất công thần, Bình Ngô khai quốc, tên ông đứng thứ 29 trong số 35 người có công đầu. Ông được nhà vua phong tước Cung Quốc công, chức Thái phó.

Cháu nội của Lê Hiểm là Lê Cũng, Lê Phụ (tức con trai của Lê Hiêu) đều là quan đại thần của triều đình nhà Lê. Lê Cũng giữ chức Tổng binh sứ giám đường hầu trấn Lạng Sơn, được vua Lê Thánh Tông phong tặng Đệ nhị công thần; Còn Lê Phụ lúc đầu giữ chức Mỹ truyền vệ, đến năm 1505 làm Tổng binh sứ giám đường hầu trấn Lạng Sơn thay cho anh trai là Lê Cũng. Đến năm Quý Dậu (1513), niên hiệu Hồng Thuận thứ 5 đời vua Lê Tương Dực, Lê Phụ được phong chức Suy Trung tá lý dương vũ minh nghĩa đồng đức hiệp mưu khai phong phủ, nhập nội kim hiệu tham dự triều chính.

Đóng góp của Lê Hiểm - Lê Hiêu với khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung đã được các triều đại quân chủ về sau ghi nhận xứng đáng. Lê Hiểm nhận được 7 sắc phong của triều Lê, 3 sắc phong của triều Nguyễn. Lê Hiêu được ban tặng 8 sắc phong (5 của triều Lê, 3 của triều Nguyễn). Hiện các sắc phong này vẫn được lưu giữ tại đền thờ.

Đền thờ Lê Hiểm được xây dựng vào năm 1554, dưới thời vua Lê Trung Tông trên vùng đất thực phong, tại thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Thời Lê Sơ, thôn Thái Sơn gọi là Đại Bằng Tộc, sau gọi là Thái Bình Trang (thôn Thái Bình) - Trang trại của Lê Hiểm - Lê Hiêu. Đến năm 1680, thôn Thái Bình nhập vào xã Tuy An, Năm 1909, xã Tuy An đổi tên là xã Đội Trưởng, rồi Đội Phúc, đến năm 1946, khu vực Đại Bằng Tộc cũ thuộc thôn Thái Sơn, gồm 3 làng: Thừa Bình, Thái Bình và Lạc Bình, thuộc xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Cả ba thế hệ cha, con, cháu (Lê Hiểm, Lê Hiêu, Lê Phụ) đều được dân làng tôn thờ tại đền thờ này. Hàng năm, vào ngày 16 tháng ba (âm lịch) người dân quanh vùng và con cháu họ Lê lại về đây dâng hương tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân có công lao to lớn trong sự nghiệp bình Ngô khai quốc. Vì vậy, đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu không chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử mà còn có giá trị tinh thần rất lớn đối với người dân nơi đây. Năm 1994, đền được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Có thể nói, gia tộc Lê Hiểm đời đời phò tá nhà Hậu Lê, có nhiều đóng góp trong việc trị quốc an dân./.

Bài: Trần Thị Chung

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh