Theo sách Địa chí Thanh Hóa, Trịnh Khả sinh năm 1399, người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc). Tổ tiên ông làm quan triều Trần theo đánh giặc Nguyên - Mông có công. Cha ông là Trịnh Quyện, sinh được bốn người con trai, ông là con út. Ông Trịnh Quyện làm Chánh tổng thời quân Minh cai trị nước ta.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú có viết: “Năm ông 16 tuổi đi cày ruộng, chăn trâu. Một hôm ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi, có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa bèn dẫn về làm nô. Ít lâu sau, xem tướng bảo rằng: “Đức bé này hình rồng, mắt hổ, khoẻ nhất ba quân, ngày sau tất cầm cờ Mao tiết” (ý nói làm tướng). Chợt lại bảo Khả “Ngày sau, đuổi chúng ta tất là mày! Phải giết ngay đi, nếu không sẽ để lo về sau”. Khả sợ trốn đi, người Minh bắt không được, mới bắt giam bố ông là Trịnh Quyện để cho ông phải đến, nhưng cũng không được. Chúng liền quăng người bố xuống sông. Đến đêm ông lẻn về vớt xác đem chôn, ông thương xót, căm giận, lòng thiết tha nghĩ việc báo thù. Khi nghe tin Lê Lợi náu mình ở Lam Sơn ông mới mang gươm đi theo, ngày càng được Bình Định Vương biết đến và cất nhắc lên làm thứ thủ quân Thiết đột”(1).
Tháng 2 năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 18 bề tôi liên danh thề nguyện ở Lũng Nhai, Trịnh Khả cũng có mặt. Khi Lê Lợi khởi binh, ông cùng bọn Lê Văn Linh, Nguyễn Thận cả thảy 50 người làm tướng văn, tướng võ chống giặc Minh. Khi Đỗ Phú đưa quân Minh về đào mã tổ vua, ông cùng Bùi Quốc Hưng bí mật lấy lại hài cốt xa linh. Trịnh Khả là người thông hiểu tiếng Ai Lao nên đã mang thư sang Ai Lao, được vua Ai Lao giúp lương thực, khí giới và voi chiến.
Suốt từ năm 1418 đến năm 1427, Trịnh Khả đã tham dự nhiều trận đánh lớn ở vùng thượng lưu Thanh Hóa và Nghệ An, lập công to, được phong Thái giám. Ông cùng Lý Triện, Đỗ Bí, Phạm Văn Xảo dẫn quan tuần hành các lộ và vây Đông Đô. Khi hai đạo quân của Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo sang cứu viện, ông cùng Phạm Văn Xảo có
trách nhiệm ngăn đạo quân Mộc Thạnh tiến theo đường Vân Nam xuống. Hai ông đã chỉ huy diệt hơn một vạn tên, bắt hàng nghìn người, ngựa.
Năm 1428, đất nước khải hoàn, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Năm Thuận Thiên thứ nhất, vua định công ban thưởng cho các công thần khai quốc, Trịnh Khả được phong Kim Tử Vinh lộc Đại phu tả lân hổ vệ tướng quân, ban cho túi Kim ngư ngân phù, chức Thượng khinh xa đô úy. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), khắc biển công thần phong cho ông là Liệt hầu, coi việc trong điện và giữ chức Đô thái giám bốn đạo, cai quản việc quân trong ngoài Kim trấn phủ sứ Tuyên Quang. Lại gia chức hành quân tổng quản Xa kỵ chư quân sự, đồng tổng quản, lĩnh các đội thiết đột.
Lúc Quốc vương Ai Lao là Côn Cô mới lên ngôi, có tên bầy tôi là Kha Lại làm phản, Côn Cô đem voi sang xin cầu viện, vua Thái Tổ sai ông đem quân sang giúp, ông dẹp yên được Kha Lại, bình định được Ai Lao. Năm Thuận Thiên thứ 6 ông được thăng Bảo Chính công thần gia kim tử vinh lộc đại phu, Lương Giang Trấn quân quận tướng quân, nhập nội thiếu bảo tham tri quân sự các vệ thuộc Hải Tây Đạo (Thanh Hoá, Nghệ An, Tân Bình, Hưng Hoá), giữ chức Thái giám, coi việc trong ngoài, Trụ quốc, ban kim ngư, ngân phù.
Đầu năm Thiệu Bình Giáp Dần (1434) đời vua Thái Tông, Trịnh Khả cho là nợ nước thù nhà đều đã trả, danh vị như vậy cũng quá đầy đủ, ông trình tấu xin nghỉ việc, vua Thái Tông không cho nghỉ, cho ông ra làm Tuyên uý đại sứ trấn Lạng Sơn, coi việc quân dân.
Năm Thiệu Bình thứ 4 Đinh Tỵ (1437), vua bãi chức Đại tư đồ của Lê Sát, vua Thái Tông gọi ông về giao chức Tổng quản hành quân, coi việc quân vệ xa kỵ thuộc Tây Đạo, quản lĩnh quân Thánh dực, giữ chức thái giám sáu vệ quân ngự tiền, về sau gia thêm chức Thiếu bảo, tham tri chính sự, rồi lại gia Thiếu uý.
Khi vua Thái Tông đi tuần phía Đông bị bạo bệnh mất, Trịnh Khả nhận cố mệnh đem quan tài về Kinh sư, phò lập Bang Cơ lên ngôi (tức vua Lê Nhân Tông sau này) được nhận thêm chức Nhập nội tư mã.
Năm Thái Hòa nguyên niên Quý Hợi (1443), Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhíp chính, phong ông làm Nhập nội suy trung tá lý dương vũ công thần, Kim Lỗi Giang Trấn phủ, Thượng tướng quân, cai quản việc quân ở Tây đạo, Quận Thượng hầu.
Năm Thái hòa thứ 2 Giáp Tý (1444), Chúa Chiêm Thành là Bí Cái đưa quân vào cướp Châu Hoá, vua sai nhập nội Kiểm hiệu Thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Trịnh Khả đem 10 vạn quân đi đánh phá được giặc, lấy được thành Thi Nại, dụ được cháu vua Chiêm là Tả Quý Lai, bắt Quý Lai đi bắt Bí Cái, sau đó lập Quý Lai làm vua nước Chiêm. Khi quân về vì có công Trịnh Khả được phong Suy Trung tán trị dương vũ tỉnh nạn công thần, Thái Nguyên trấn phiêu kỵ Thượng tướng quân, đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty nhập nội Thái uý. Kiểm hiệu Bình Chương quân quốc trọng sự, Thượng trụ quốc, ban túi kim ngưu, kim phù, quốc Thượng hầu.
Tháng 6 năm Thái Hoà thứ 6 Mậu Thìn (1448), ông lại dâng sớ xin từ chức, vua
và Thái hậu Nguyễn Thị Anh không cho, còn ban chỉ vỗ về an ủi. Tháng 9 sai ông vào Lam Sơn chỉ huy Cục Bách tác xây dựng Thái Miếu.
Thời bấy giờ nạn các quan tham nhũng ăn hối lộ nhiều, ông thẳng tay trừng trị các quan liêu thời bấy giờ ai cũng đều run sợ, ông cứ lý mà làm hết bổn phận chức trách, trong khoảng vài năm trong nước được yên ổn.
Tháng 7 năm Thái Hoà thứ chín Tân Mùi (1451), có kẻ dèm cha con ông kết bè đảng mưu phản, Thái Hậu Nguyễn Thị Anh vốn sợ quyền lực của Trịnh Khả ngày một cao, uy tín ngày càng lớn ảnh hưởng đến vương vị của vua, bởi thế ông và con trai trưởng là Trịnh Bá Quát đang giữ chức đô chỉ huy sứ đều bị hại, lúc bấy giờ trong thiên hạ đều cho là ông bị oan. Đến năm Thái Hoà thứ 11 Quý Dậu (1453) nhà vua Nhân Tông bắt đầu coi chính sự, biết ông bị oan mới khôi phục lại quan tước và ban cho 100 mẫu ruộng thờ cúng.
Năm Hồng Đức thứ 15, Giáp Thìn (1484) ông được truy tặng Thái phó Liệt quốc công, về sau truy phong là Hiển Khánh vương. Năm 1451, ông mất triều đình cho dựng đền thờ và khắc bia ghi công lao của Vinh Quốc công Trịnh Khả tại quê nhà.
Đền thờ:
Theo Lý lịch di tích do Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa lập ngày 29/2/1993 thì, Đền thờ và bia Thái úy Trịnh Khả được tọa lạc trên triền một quả núi có tên gọi là Kiều Sơn, với địa hình khá bằng phẳng, rộng rãi và thoáng mát thuộc làng Giang Đông, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách đê sông Mã bên tả ngạn khoảng 50m, trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đền và bia tựa lưng vào núi, mặt quay về hướng Nam (hướng ra sông Mã). Xa xa có những dãy núi ẩn hiện trong sương mờ tạo thành chiếc ngai khổng lồ cho đền và bia ngự trên đó.
Đền thờ được dựng ngay sát chân núi ở rìa làng, gồm có tiền đường và hậu cung.
Nhà tiền đường gồm 3 gian, có chiều dài 11,8m, chiều rộng 4,4m. Cấu trúc đền có 2 vì kèo gỗ theo kiểu chồng rường, tường xây gạch chỉ trát hồ vữa bên ngoài (loại gạch này được xác định niên đại vào thờ Lê, gạch có kích thước nhỏ, mỏng và mịn, độ nung lửa đều).
Hậu cung được xây theo lối mái chóp hình vòm, với chiều dài 5,1m, rộng 4,1m. Trong đền hiện còn 3 long ngai và bài vị của 3 vị, đó là: Thân phụ của Trịnh Khả là Trịnh Quyện được tôn phong Thượng đẳng thần, thân mẫu của Trịnh Khả là bà Trịnh Xuân Dung được gia phong Chinh uyển rực bảo Trung hưng tôn thần và Trịnh Khả được phong Thượng đẳng phúc thần. Các hiện vật này tương đối còn nguyên vẹn và đẹp, đường nét chạm khắc tinh xảo, mô tiếp trang trí chủ yếu là rồng, phượng và hoa cúc. Ngoài ra còn có bộ bát biểu, 2 ống đựng sắc và 5 đạo sắc phong, 1 mâm bồng bằng đá, 1 mâm bồng bằng gỗ và 4 cây nến.
Những hiện vật này chính là minh chứng làm tăng thêm giá trị của khu đền thờ.
Hiện nay, đền đã được nhà nước ta đầu tư kinh phí cho trùng tu, tôn tạo lại cho xứng đáng với công lao của Vinh Quốc công Trịnh Khả.
Phía sau đền là tấm bia ca ngợi, đánh giá về công lao cống hiến to lớn của Vinh Quốc công Trịnh Khả.
Bia và rùa được tạc bằng hai tấm đá nguyên khối, loại đá đen, có độ cứng, mịn cao. Niên đại bia và rùa được xác định dựng vào đời vua Lê Nhân Tông.
Bia hình chữ nhật, có chiều cao 1,31m, rộng 0,71m, dày 0,2m, được đặt trên lưng một con rùa, rùa có chiều cao 0,26m, rộng 0,91m, dày 1,41m.
Trán bia hình vòng cung, mặt trước chính giữa trán bia trang trí một hình vuông, hai bên giáp với hình vuông mỗi bên trang trí một tản mây và đao lửa. Hai bên diềm bia mỗi bên trang trí hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau theo chiều cao của bia, kéo từ đỉnh xuống đế bia, bên trong hai đường chỉ nổi trang trí hoa cúa dây nối tiếp nhau từ đỉnh bia xuống đế bia. Bên ngoài đường chỉ nổi sát mép diềm bia trang trí các hình xoắn móc câu. Đế bia chạm khắc hình sóng nước, trên sóng nước là hình tượng người đang chấp tay niệm phật (giống đế bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh). Hai bên hông bia mỗi bên khắc 5 hình tròn nằm sát nhau kéo từ đỉnh bia xuống đế bia, bên trong mỗi hình tròn khắc hai đường chỉ nổi, giữa hai đường chỉ nổi khắc hoa văn hình xoắn móc câu, giữa tâm hình tròn khắc một bông hoa chanh, khoảng giữa bông hoa chanh và đường chỉ nổi trang trí hoa cúc dây, sát đế bia trang trí hình sóng nước.
Bia khắc chữ hai mặt, mặt trước khắc 22 dòng chữ Hán, mỗi dòng có khoảng 70 chữ.
Mặt sau bia họa tiết trang trí giống mặt trước, còn trên nền bia khắc một bài minh.
Có thể nói, bia thờ Vinh Quốc công Trịnh Khả là một tác phẩm điêu khắc đá mang nhiều mặt giá trị có từ thời Lê Sơ còn lại đến ngày nay. Nó không chỉ là tài liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu về văn hoá, nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê Sơ, mà nó còn là một pho sử liệu quý, một nguồn thư tịch cổ ghi về thân thế, sự nghiệp của một danh tướng có nhiều công lao cống hiến trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vương triều Hậu Lê. Những hiện vật vẫn còn lưu giữ được nơi đây như bia đá và các đồ thờ… cũng đủ để minh chứng cho những giá trị của khu di tích trước kia. Vì vậy mà năm 1994 bia và đền thờ Thái uý Trịnh Khả đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.