Năm 1428, sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tại Thăng Long, lập ra vương triều Hậu Lê tồn tại từ năm 1428 đến năm 1788. Nho giáo ở giai đoạn này được coi là quốc giáo, các tác phẩm kinh sử được triều đình rất coi trọng. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư được xem là công trình sử học lớn nhất được biên soạn trong thời kỳ này.
Dưới triều nhà Trần, Lê Văn Hưu đã biên soạn bộ Đại Việt sử ký viết từ thời Triệu Vũ đế (Triệu Đà) cho đến vua Lý Chiêu Hoàng - vị vua cuối cùng của nhà Lý. Sách hoàn thành năm 1272 đời vua Trần Thánh Tông.
Dựa trên nội dung bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, các sử quan triều Hậu Lê tiếp tục biên soạn các giai đoạn lịch sử tiếp theo của nước nhà. Người đầu tiên biên soạn sử dưới triều Hậu Lê là Phan Phu Tiên. Ông viết bộ Sử ký tục biên chép giai đoạn hơn 100 năm từ thời vua Trần Thái Tông của nhà Trần (1225) cho đến khi quân Minh rút về nước (1427).
Đến thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị của nhà nước Đại Việt, sử thần Ngô Sĩ Liên đã vâng mệnh vua biên soạn một bộ sử lớn của nước nhà. Ngô Sĩ Liên đem hai bộ Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu) và Sử ký tục biên (Phan Phu Tiên) so sánh, biên chép lại kỹ càng. Ông cũng tham khảo nhiều bộ sách khác để viết phần Ngoại kỷ. Sách hoàn thành được đặt tên là Đại Việt sử ký toàn thư.
Niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền Tông (1662 - 1672), Phạm Công Trứ biên soạn sử theo hai bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên và Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh. Giai đoạn từ vua Lê Thái Tông cho đến Lê Cung Hoàng ông biên thành phần Thực lục, từ vua Trang Tông đến vua Thần Tông được ghi vào phần Tục biên. Sau khi hoàn thành, tác phẩm có tên là Việt sử toàn thư bản kỷ tục biên.
Trong khoảng Niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời vua Lê Hy Tông, Tham tụng Lê Hy biên soạn sách Sử ký tục biên (hay còn tên gọi khác là Sử ký tục biên) từ niên hiệu Cảnh Trị thứ nhất (1662) đời vua Lê Huyền Tông đến năm Đức Nguyên thứ 2 (1675) đời vua Lê Gia Tông.
Sau khi hoàn thành sách Sử ký tục biên, Lê Hy đã cho gộp cùng với bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và Việt sử toàn thư bản kỷ tục biên, in thành bộ sách chung vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Bộ sử được lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư.
Có thể thấy được sự kế thừa trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư dưới triều Hậu Lê với nhiều thế hệ sử quan tham gia, mỗi thế hệ sử quan đều có sự tham khảo những bộ sử trước. Nội dung của bộ sử bắt đầu từ thời kỳ Hồng Bàng - các vua Hùng dựng nước và kết thúc tại niên hiệu Đức Nguyên đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Công trình được in thành sách năm 1697 đời vua Lê Hy Tông.
Đại Việt sử ký toàn thư có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nền sử học dân tộc, bộ sách là vật chứng ghi chép những thăng trầm của lịch sử đất nước. Đây là một công trình lớn được hoàn thành bởi nhiều thế hệ sử quan thời Hậu Lê. Nội dung được biên chép một cách chi tiết, các sử quan sau đã có sự so sánh, đối chiếu, chỉnh sửa lại những sự kiện còn chưa chuẩn, tăng thêm tính xác thực cho cả bộ sách.
Đại Việt sử ký toàn thư là một thành tựu lớn trên lĩnh vực sách sử bên cạnh những thành tựu về mặt chính trị, kinh tế, xã hội của vương triều Hậu Lê. Bộ sách giúp cho các thế hệ người nghiên cứu, người đọc sau này hiểu biết hơn về lịch sử Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo :
Lịch triều Hiến chương loại chí - Phan Huy Chú
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Huấn
Cán bộ phòng Nghiệp vụ BQLDTLK