Sau những năm đầu tiên giằng co với quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn đã trở nên lớn mạnh hơn. Tuy nhiên quân Minh với lực lượng quân sự mạnh cùng với sự giúp đỡ của các thổ quan vẫn bao vây lấy vùng căn cứ Lam Sơn. Để đột phá tình thế, Nguyễn Chích đã dâng mưu kế tiến vào Nghệ An để xây dựng bàn đạp rồi quay ra Đông Kinh, ý kiến được bộ chỉ huy chấp nhận và nhanh chóng triển khai. Để mở rộng con đường tiến vào Nghệ An, đồn Đa Căng là chốt chặn đầu tiên cần loại bỏ.
Mùa xuân năm 1418, tại vùng đất Lam Sơn, Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, phất cờ khởi nghĩa, hô hào nhân dân nổi dậy chống lại sự thống trị của quân đội nhà Minh. Trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa, tuy đánh thắng địch ở một số trận nhưng nghĩa quân Lam Sơn gặp rất nhiều khó khăn do tương quan lực lượng với địch chênh lệch lớn. Quân Minh với số lượng đông đảo, lại được nhiều thổ quan giúp đỡ ra sức đàn áp nghĩa quân. Còn nghĩa quân Lam Sơn lực lượng mỏng, thường xuyên phải sử dụng chiến thuật du kích để đánh địch, khi bị quân Minh vây ráp phải lui lên vùng núi Chí Linh ba lần để cố thủ. Trong hoàn cảnh gian khổ đó, Lê Lai đã phải khoác chiến bào, giả làm Lê Lợi xông ra mở đường máu để nghĩa quân Lam Sơn rút khỏi Chí Linh về vùng an toàn.
Năm 1423, Lê Lợi đề nghị tạm hòa và được quân Minh chấp thuận, nghĩa quân trở về vùng căn cứ Lam Sơn. Để thay đổi hướng phát triển của nghĩa quân, giữa năm 1424, Nguyễn Chích đã hiến kế mở rộng địa bàn vào đất Nghệ An, lấy nơi đây làm căn bản để quay ra Đông Kinh, kế hoạch này được bộ chỉ huy chấp nhận. Để kế hoạch được thực hiện thuận lợi, bộ chỉ huy quyết định tiến hành kế giương đông kích tây đánh đồn Đa Căng để lừa địch đang đóng ở thành Tây Đô
Theo giáo sư Phan Huy Lê và giáo sư Phan Đại Doãn trong sách Khởi nghĩa Lam Sơn, Đa Căng là một đồn trú của quân Minh đóng trên địa bàn của vùng đất thuộc hữu ngạn sông Chu, ngày nay thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đồn này cách căn cứ Lam Sơn chỉ khoảng 20 km cách thành Tây Đô nơi quân Minh tập trung với số lượng lớn khoảng 30 km. Tướng chỉ huy đồn này là Lương Nhữ Hốt giữ chức Tham chính, một tên ngụy quan người Việt từng có nhiều xung đột với Lê Lợi. Trước đây trong thời gian Lê Lợi tập hợp hào kiệt chuẩn bị khởi nghĩa, Hốt đã từng nhiều lần khuyên quân Minh đem quân đàn áp dập tắt sự chuẩn bị của ta.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, ngày 12/10/1424 (ngày 20/9 năm Giáp Thìn), nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công đồn Đa Căng. Trận đánh diễn ra ác liệt, các tướng sĩ Lam Sơn chiến đấu quyết liệt và đánh giết được hơn 1000 quân Minh, đồn Đa Căng bị tiêu diệt, Tham chính Lương Nhữ Hốt và đám tàn quân rút về thành Tây Đô, ta thu được rất nhiều khí giới và lương thực, trại lũy đều bị đốt. Lúc này, viện quân của địch do Đô chỉ huy sứ Nguyễn Hoa Anh dẫn đầu tới cứu viện nhưng đồn đã mất, đang trên đà hưng phấn nghĩa quân Lam Sơn đánh bại đội quân cứu viện, Hoa Anh phải bỏ quân rút về lại thành Tây Đô. Nghĩa quân bắt giữ tù binh là vợ con Hoa Anh, Lê Lợi đều tha cho về.
Với thắng lợi trong trận đánh đồn Đa Căng, nghĩa quân Lam Sơn không chỉ phá hủy được một đồn trú của địch mà còn thu được một lượng lớn khí giới và lương thực, cùng với đó, lớp bao vậy của quân Minh ở gần căn cứ Lam Sơn không còn, con đường liên lạc của nghĩa quân sang các vùng khác được thông suốt. Sau trận này, nghĩa quân Lam Sơn chỉnh đốn lại, bắt đầu tiến quân vào châu Trà Long (nay thuộc hai huyện Con Cuông và Tương Dương của Nghệ An).
Trận đánh đồn Đa Căng tuy chỉ mang tính chất là một trận đánh chiến thuật nhưng vẫn có một ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của nghĩa quân Lam Sơn. Thắng lợi của trận đánh đồn Đa Căng cổ vũ tinh thần chiến đấu đang lên rất cao của tướng sĩ Lam Sơn giữ vững một niềm tin về tương lai chiến thắng. Chiến thắng Đa Căng đã đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho nghĩa quân Lam Sơn thuận lợi xuất phát tiến vào đất Nghệ An./.
Bài; Nguyễn Văn Huấn
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK