Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn - quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào mùa xuân 1418, nơi hội tụ những anh hùng hào kiệt, chiêu tập quân sỹ khắp bốn phương dựng cờ khởi nghĩa. Sau 10 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, với bao nhiêu chiến công thắng lợi lẫy lừng. Ngày 15 tháng Giêng năm Mậu Thân (1428), Lê lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh (Thăng Long) đặt tên nước là Đại Việt, lấy niên hiệu là Thuận Thiên và ông có chủ trương xây dựng ở Lam Sơn là kinh đô thứ 2 của nước Đại Việt sau Đông Kinh (Thăng Long). Từ đó Lam Kinh trở thành vùng đất "căn bản" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhà Lê, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm, nơi thờ cúng tổ tiên và các Hoàng đế, Hoàng Thái hậu nhà Lê, nơi cử hành những nghi lễ mỗi khi các vua Lê về bái yết Sơn Lăng.
Trải qua hàng ngàn đời nay, di tích lịch sử Lam Kinh được nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ các vua Lê và Hoàng Thái hậu đã trở thành sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, kiến trúc của dân tộc, ngày 28 tháng 4 năm 1962 Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có Quyết định số: 313/QĐ-VH xếp hạng di tích lịch sử Lam Kinh là DTLS cấp quốc gia.
Kể từ khi thành lập khu di tích lịch sử Lam Kinh đến nay đã hơn nửa thế kỷ, di tích lịch sử Lam Kinh đã không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ một bộ phận công tác với số lượng chỉ có khoảng dưới 10 người với nhiệm vụ chủ yếu là trông coi, bảo vệ và đón tiếp khách về thăm viếng và thắp hương, tri ân công đức tổ tiên đến khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc UBND tỉnh rồi thuộc Ban quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa, đội ngũ cán bộ chỉ có hơn 20 người.
Năm 2009, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh được thành lập thuộc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa đến nay đội ngũ cán bộ đã có gần 40 cán bộ CC- VC- NLĐ. Việc nâng cấp tổ chức bộ máy, bổ sung các chức năng, nhiệm vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong tình mới. Đồng thời,
được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa, di tích lịch sử Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt ngày 27 tháng 9 năm 2012.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ VC - NLĐ trong Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh luôn đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ: Bảo vệ an toàn PCCC rừng, nhà bảo tàng, kho hiện vật, các công trình kiến trúc của di tích Lam Kinh, tổ chức đón tiếp chu đáo, bảo vệ an toàn các đại biểu của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, khách quốc tế và đông đảo nhân dân về thăm viếng vua Lê - Hoàng thái hậu tại khu di tích Lam Kinh. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tham gia tổ chức Lễ hội Lam Kinh hàng năm. Triển khai thực hiện nhiều bài viết giới thiệu về di tích lịch sử Lam Kinh. Phối hợp thực hiện các phóng sự với Đài phát thanh truyền hình Trung Ương, tỉnh Thanh Hóa, các báo và tạp chí để tuyên truyền, giới thiêụ với du khách trong và ngoài nước về di tích lịch sử Lam Kinh. Thực hiện tốt việc sưu tầm văn hóa phi vật thể liên quan đến nhà Lê và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phục vụ trạm ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể.
Thực hiện theo Quyết định số 609TTg ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị Khu di tích Lam Kinh và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị di tích theo Quyết định 2016/QĐ-UB ngày 19 tháng 6 năm 2002 bao gồm các phân khu: khu thành cổ vành đai I bảo vệ nguyên trạng, khu vành đai II là hệ thống hạ tầng gồm: bãi đỗ xe, đường điện các loại dịch vụ khác, khu dân cư và cảnh quan cần cải tạo để tôn tạo thêm giá trị di tích. Từ khi có quy hoạch đến nay, công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được thực hiện bài bản, tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nhiều hạng mục công trình đã được trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp. Hệ thống đường đi lối lại trong di tích đã và đang tiếp tục được đầu tư, đặc biệt là việc trùng tu tôn tạo Chính điện đang khẩn trương gấp rút hoàn thành nhằm phục vụ nhân dân về dâng hương tưởng niệm các vua Triều Lê, Hoàng Thái hậu và thăm di tích Lam Kinh, lượng khácđến di tích ngày càng đông, khách đến Lam Kinh mỗi năm tăng 20 - 30 %.
Ban quản lý di tích lịch sử lam Kinh cũng đã tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, du lịch phục vụ khách đến tham quan di tích, góp phần ổn định trật tự và tạo môi trường kinh doanh dịch vụ, du lịch văn minh trong khu di tích, quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, chăm sóc cây cảnh ở các khu lăng mộ, đường đi lối lại của di tích góp phần giữ gìn môi trường di tích luôn xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh còn thực hiên tốt công tác tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa nhằm quản lý tốt các hoạt động tại khu di tích như các dự án chỉnh trang cảnh quan di tích, đồ thờ nội thất của các tòa Thái miếu, quy hoạch phát triển rừng Lam Sơn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt việc quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, không xâm hại đến di tích.
Trong những năm qua, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh, chăm lo đến đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động. Nhiều năm qua, Đảng bộ ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh được xếp loại trong sạch vững mạnh, Chi đoàn thanh niên được Đoàn khối các cơ quan tỉnh tặng giấy khen trong 2 năm liên tục năm 2011 và 2012.
Với những thành tích đã đạt được cán bộ, viên chức và người lao động trong cơ quan hôm nay luôn tự hào là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị di tích tồn tại lâu dài mãi mãi với thời gian. Tập thể Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh luôn luôn đoàn kết phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xây dựng di tích ngày càng lớn mạnh và phát triển, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đã được tỉnh và Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thanh Hóa giao. Góp phần xây dựng di tích lịch sử lam Kinh xứng tầm là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, là trung tâm văn hóa - trung tâm lễ hội đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân xứ Thanh.