Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

CÔNG TÁC KIỂM KÊ BẢO QUẢN HIỆN VẬT TẠI BAN QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ LAM KINH


Kiểm kê, bảo quản là một công việc mang tính chất liên tục, nhằm duy trì hiện trạng và kéo dài tuổi thọ, hạn chế đến mức thấp nhất sự hư hỏng đối với hiện vật, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

Kho bảo quản hiện vật của Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh được xây dựng năm 2000 với tổng diện tích 190m2 .  Kho hiện vật gồm 2 Kho: Kho cơ sở và kho tư liệu. Kho cơ sở được chia thành 2 phòng: phòng kho vật liệu kiến trúc và phòng kho gốm. Kho cơ sở tại di tích hiện đang lưu giữ hơn 20 nghìn hiện vật, phong phú về loại hình (khai quật, sưu tầm, mua, hiến tặng,…) và đa dạng về chất liệu, có niên đại từ thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Các hiệt vật đều được ghi chép đầy đủ những dữ liệu về hiện vật như kích thước, màu sắc, hình dáng, chất liệu. Và điều quan trọng nhất là đánh số cho hiện vật để mỗi hiện vật có một số ký hiệu riêng biệt.

Hiện vật kho gốm

Hiện vật kho kiến trúc

Hiện vật mới được sưu tầm về khi có đầy đủ hồ sơ và sau khi thông qua hội đồng khoa học xét chọn hiện vật sẽ được nhập kho. Sau khi nhập kho bộ phận kiểm kê sẽ tiến hành đánh số, đăng ký hiện vật vào sổ kiểm kê bước đầu. Sau đó sẽ tiến hành đăng ký vào sổ phân loại theo chất liệu khác nhau. Hệ thống các loại sổ như: Sổ kiểm kê, sổ phân loại, sổ bảo quản theo chất liệu có ghi chép đầy đủ, rõ ràng đủ nội dung. Hiện tại, hiện vật của di tích bao gồm các loại chất liệu: đồ gốm sứ (các hiện vật làm từ đất nung, sành sứ, gốm...); hiện vật đồ đá; đồ kim loại (các hiện vật làm từ sắt, đồng, chì,...); Đồ mộc (các hiện vật được làm từ gỗ,...)...Tất cả các hiện vật trên đều được đánh số theo mẫu chung của Cục di sản hướng dẫn. Trên mỗi hiện vật có ký hiệu tên cơ quan, số kiểm kê và số phân loại. Việc đánh số và ghi ký hiệu kiểm kê cho các hiện vật có một vị trí quan trọng trong công tác kiểm kê của bảo tàng nói riêng, cũng như mọi hoạt động của các khâu công tác khác nói chung.

Lập phiếu hiện vật: Trong phiếu hiện vật ghi đầy đủ thông tin về hiện vật từ kích thước, hình dáng, màu sắc, chất liệu, tình trạng hiện vật. Và quan trọng hơn hết là việc mô tả chi tiết về hiện vật, việc này giúp làm sáng tỏ ý nghĩa, công dụng của hiện vật trong đời sống hằng ngày. Công tác này nhằm giúp công tác kiểm kê, bảo quản, di chuyển hiện vật được khoa học, thuận lợi và phục vụ đắc lực công việc nghiên cứu, trưng bày.

Ngoài việc lập danh mục hiện vật theo loại hình hiện vật, bộ phận kho còn lập danh mục hiện vật theo từng chất liệu để thuận tiện theo dõi. Hồ sơ hiện vật đều được lưu giữ đầy đủ, khoa học giúp cho việc tìm kiếm thông tin hiện vật nhanh chóng.

Song song với công tác kiểm kê thì công tác bảo quản hiện vật cũng có vai trò hết sức quan trọng. Công tác bảo quản thường xuyên là công tác mang tính chất cần thiết, nhằm loại bỏ những tác nhân gây hại như là bụi bẩn, côn trùng, nấm mốc, nhằm kéo dài tuổi thọ, phòng tránh xuống cấp cho hiện vật. Với môi trường, nhiệt độ mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa như nước ta, nếu không tiến hành công tác bảo quản thường xuyên, hiện vật sẽ bị xuống cấp nhanh chóng và khó có thể khắc phục được.

Công tác bảo quản hiện vật

Từ năm 2009 đến nay, công tác bảo quản hiện vật được Lãnh đạo ban quan tâm chú trọng. Lãnh đạo luôn tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện bảo quản nâng cao trình độ chuyên môn thực hiện công tác bảo quản hiện vật bằng cách tham gia lớp tập huấn do Cục Di sản văn hoá tổ chức. Cán bộ làm công tác bảo quản hiện vật không ngừng hoàn thiện và học tập nâng cao trình độ chuyên môn áp dụng công nghệ bảo quản mới phục vụ công tác bảo quản hiện vật.

Các hiện vật mới, được sưu tầm từ các nguồn khác nhau: qua khai quật khảo cổ, mua, hiến tặng…Tất cả các hiện vật trước khi nhập về kho chưa được bảo quản trị liệu. Vì vậy, nếu không được bảo quản kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hiện vật bị hư hại, xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến tuổi thọ hiện vật.

Đối với những hiện vật mới sưu tầm về, cán bộ làm công tác bảo quản phải khảo sát, nghiên cứu, hiện vật phải được đánh giá đúng tình trạng, chất liệu hiện vật, xác định đúng các loại hóa chất dự kiến sử dụng bảo quản, đưa ra phương pháp bảo quản phù hợp, lập danh mục và tiến hành các bước bảo quản đảm bảo đúng quy trình, khoa học... Trước tiên làm vệ sinh cơ học, nếu các hiện vật dễ bị oxi hoá như hiện vật chất liệu sắt, sẽ được tiến hành thêm các bước quyét hóa chất tẩy rỉ không sơn, rồi mới đặt lên giá, tủ để tránh oxy hóa, vi khuẩn, nấm mốc lây lan từ bên ngoài xâm lấn đến hiện vật đã được bảo quản.

Tiến hành các biện pháp bảo quản với hiện vật đã nhập kho. Việc thực hiện bảo quản hiện vật có sử dụng dung môi, hoá chất tác động trực tiếp vào hiện vật đã được lên phương án chi tiết. Tất cả hiện vật đã được bảo quản phải đạt những tiêu chí: Hiện vật được làm vệ sinh sạch sẽ, kéo dài được tuổi thọ. Hiện vật sau khi bảo quản xong phải được lưu giữ trong môi trường ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn khoa học. Với môi trường, nhiệt độ khí hậu nhiệt đới gió mùa như nước ta, công tác bảo quản hiện vật phải được tiến hành thường xuyên, nếu không hiện vật sẽ bị xuống cấp nhanh chóng, khó có thể khắc phục được.

Công tác bảo quản hiện vật tại di tích trong những năm gần đây đã được đầu tư quan tâm, nhưng do nguồn kinh phí cấp hàng năm cho công tác bảo quản có hạn, số lượng hiện vật nhiều nên việc tiến hành bảo quản chưa được đồng bộ cho tất cả các hiện vật mà phải lựa chọn, ưu tiên bảo quản trước những hiện vật đang trong tình trạng hư hỏng trầm trọng. Bên cạnh đó hệ thống kho bảo quản chật trội, trang thiết bị còn hạn chế, hư hỏng.

Trong thời gian tới để công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật ngày một được nâng cao về chất lượng cũng như việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo quản nhằm lưu giữ và kéo dài tuổi thọ cho hiện vật phục vụ tốt công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị, cần:

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để bảo quản hiện vật.

- Cải tạo kho hiện vật đủ diện tích, đủ điều kiện về môi trường và trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu bảo quản đối với từng loại chất liệu hiện vật, tư liệu.

- Hàng năm đề nghị cấp nguồn kinh phí cho công tác bảo quản hiện vật.

- Xây dựng phần mềm quản lý hiện vật khoa học, đầy đủ dữ liệu.

- Làm tốt công tác bảo quản phòng ngừa, triển khai bảo quản trị liệu rộng hơn để kéo dài tuổi thọ cho hiện vật.

- Từng bước triển khai số hóa, tư liệu hóa đối với các hiện vật, tư liệu hiện vật để lưu trữ, bảo tồn thông tin về hiện vật. Phục vụ tốt việc khai thác thông tin áp dụng trong công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền

- Tạo điều kiện cho nhân viên làm công tác bảo quản được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Hoạt động kiểm kê bảo quản của Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản dân tộc. Hướng tới tương lai, chúng tôi mong muốn kho bảo quản hiện vật không đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ di sản văn hóa, mà sẽ trở thành trung tâm thông tin tư liệu về lịch sử văn hóa của tỉnh, phục vụ đắc lực truyền thông, nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh./.

Bài và ảnh: Trịnh Thị Phương

Cán bộ phòng Nghiệp vụ BQLDTLK


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh