Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

CHIẾN THẮNG TỐT ĐỘNG – CHÚC ĐỘNG


Trong quá trình đấu tranh chống quân Minh Xâm lược, giành lại độc lập dân tộc, trận Tốt Động – Chúc Động tháng 11 năm Bính Ngọ (1426) là một trong những  chiến thắng có ý nghĩa chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn. Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động đã đánh bại hoàn toàn cuộc phản công của gần 100.000 quân Minh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng viện binh địch, đập tan ý đồ của Tổng binh Vương Thông muốn xoay chuyển cục diện, giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường. Chiến thắng, đã mở ra một cục diện mới, đưa cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bước vào giai đoạn toàn thắng.

Đến năm 1426, sau nhiều chiến thắng liên tiếp, nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng được vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa. Lực lượng và trang bị của nghĩa quân có sự trưởng thành vượt bậc. Trong khi đó quân Minh, đang gặp nhiều khó khăn, viện binh chưa tới kịp. Tranh thủ thời cơ đó, Lê Lợi, đã quyết định mở cuộc tiến quân ra Bắc nhằm đưa cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc phát triển lên quy mô cả nước, giành những thắng lợi chiến lược và sớm kết thúc cuộc chiến tranh.

Thực hiện mục tiêu chiến lược trên, tháng 8 năm Bính Ngọ (1426), ba đạo quân Lam Sơn tiến ra Bắc theo ba hướng:

Đạo thứ nhất có 3.000 quân do tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí… chỉ huy tiến ra vùng Nho Quan (Ninh Bình), Gia Hưng (vùng Hòa Bình, Sơn La),  Quy Hóa (Hoàng Liên Sơn)… tiến đánh giải phóng miền Tây Bắc và ngăn chặn viện binh quân Minh từ Vân Nam kéo sang.

Đạo quân thứ hai do các tướng Bùi Bị,  Lưu Nhân Chú, Lê Nanh … tiến ra các lộ Trường An, Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương (thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc) chiếm lĩnh đồng bằng trù phú và chặn viện binh từ Quảng Tây kéo sang.

Đạo quân thứ ba, đạo chính giữa gồm 2.000 quân tinh nhuệ do các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí … tiến thẳng ra phía Nam thành Đông Quan để làm vang dậy khí thế”1.

Khi các đạo quân Lam Sơn tiến ra Bắc, nhân dân khắp nơi đã tích cực hưởng ứng, tạo thành một phong trào quật khởi giết giặc, cứu nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt châu, huyện phía Bắc được giải phóng. Nghĩa quân thắng lợi ở một số trận đánh lớn, tiêu diệt một bộ phận quân Minh. Đạo quân thứ nhất do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả… chỉ huy liên tiếp giành được những thắng lợi lớn ở Ninh Kiều, Nhân Mục và Xa Lộc. Hệ thống chính quyền đô hộ nhà Minh phải rút về cố thủ trong các thành lũy. Đó là những thắng lợi quan trọng tạo ra thế và lực mới để nghĩa quân sẵn sàng tiến lên đánh bại quân xâm lược. Sau những thắng lợi đó, nghĩa quân chuyển sang tiến công uy hiếp các thành lũy, chủ yếu là thành Đông Quan, sẵn sàng đón đánh viện binh quân Minh.

Sau thất bại ở Ninh Kiều (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), Tham tướng nhà Minh là Trần Trí phải rút vào thành Đông Quan cố thủ chờ viện binh, đồng thời ngầm sai người mang thư vào thành Nghệ An, yêu cầu Lý Bân và Phương Chính khẩn trương đưa quân ra ứng cứu. Nhận thư, Lý An, Phương Chính giao thành Nghệ An lại cho Đô đốc Thái Phúc chỉ huy, rồi đem đại bộ phận quân lính ở đây ra cứu Đông Quan và chuẩn bị phản công.

Phải rút bớt lực lượng thành Nghệ An ra ứng cứu cho Đông Quan, chứng tỏ trên chiến trường quân Minh đã suy yếu, đang lâm vào tình thế hết sức khó khăn, bị động. Lê Lợi nhận định: “Thế giặc ngày một suy yếu, quân ta ngày một mạnh, thời cơ đã đến mà không làm ngay sợ là mất cơ hội”2 và quyết định giao việc vây hãm thành Nghệ An cho các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng, còn mình đích thân đốc suất đại quân theo hai đường thủy, bộ đuổi theo bọn Lý An, Phương Chính.

Tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), Lý An và Phương Chính vượt qua lực lượng ngăn chặn của Lưu Nhân Chú và Bùi Bị, về hội quân với Trần Trí tại Đông Quan. Ngày 31 tháng 10 năm 1426, đạo quân viện binh nhà Minh do Vương Thông chỉ huy từ Khâu Ôn theo đường Lạng Sơn ào ạt vượt qua lực lượng chặn đường của nghĩa quân, tiến xuống Đông Quan.

Sau khi có viện binh, Vương Thông quyết định huy động 100.000 quân mở cuộc phản công quy mô lớn nhằm tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn, giải vây thành Đông Quan và giành lại thế chủ động trên chiến trường, trong đó có mục tiêu đầu tiên là tiêu diệt cánh quân Lam Sơn ở phía Tây Nam Đông Quan. Thực hiện ý đồ đó, từ Đông Quan, quân Minh chia làm ba đạo tiến ra chiếm lĩnh những vị trí bàn đạp chủ yếu: Đạo thứ nhất do Vương Thông trực tiếp chỉ huy, đóng ở bến Cổ Sở trên sông Đáy và con đường bộ từ phía Tây đến Đông Quan. Đạo thứ hai do Phương Chính, Lý An chỉ huy đóng quân ở cầu Sa Đôi trên sông Nhuệ. Đạo thứ ba do Sơn Thọ, Mã kỳ chỉ huy đóng ở cầu Thanh Oai, trên sông Đỗ Động và con đường bộ từ phía Tây Nam đến Đông Quan. Từ ba căn cứ bàn đạp Cổ Sở, Sa Đôi và Thanh Oai, ba đạo quân Minh sẽ phối hợp tiến công, tạo thành một cuộc hành quân lớn càn quét cả vùng rộng lớn phía Tây Nam Đông Quan. Mục tiêu chủ yếu của Vương Thông là tiêu diệt căn cứ Ninh Kiều, quét sạch lực lượng nghĩa quân Lam Sơn đang đóng trên vùng này, từ đó khai thông con đường trọng yếu từ Đông Quan vào phía Nam.

Lúc này, lực lượng nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở khu vực phía Tây và Tây Nam Đông Quan có khoảng 10.000 quân (bằng 10% so vưới quân Minh). Trước thế giặc mạnh, các tướng Lam Sơn chủ trương đánh chỗ mạnh của địch nhưng kiên quyết giữ vững thế chủ động, từng bước bẻ gãy các mũi tên tiến công của đối phương. Nắm chắc tình hình, các tướng Lam Sơn nhận định, trong ba đạo quân Minh thì đạo quân đóng ở bến Cổ Sở do Vương Thông chỉ huy là chủ yếu, lực lượng đông; cánh ở Sa Đôi tuy quân số không đông, nhưng lại nằm ở vị trí khó tiến công vì gần thành Đông Quan, lại nằm giữa hai đạo quân đang đóng ở Cổ Sở và Thanh Oai, nên quân Minh có thể dễ dàng chi viện; chỉ có cánh quân đóng ở Thanh Oai, vừa không đông, vừa đóng tách ra phía Tây Nam, hơi xa hai đạo kia. Các tướng Lý Triện, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả quyết định chọn đạo quân đóng ở cầu Thanh Oai làm mục tiêu tiến công trước.

Để đánh thắng trận đầu, các tướng Lam Sơn quyết định không tiến đánh quân Minh trong thành lũy mà dùng kế “điệu hổ ly sơn”, dụ đối phương ra khỏi căn cứ, dụ chúng vào sâu trong trận địa phục kích để tiêu diệt. Từ Ninh Kiều, Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy một bộ phận quân chủ lực có cả voi chiến, bí mật hành quân đến bố trí trận địa mai phục tại cánh đồng Cổ Lãm (nay là vùng Phú Lâm, Phú Cường, Văn Khê, Thanh Oai, Hà Nội). Địa hình ở đây tuy trống trải nhưng lợi hại, có thể đánh bất ngờ khi địch đã chủ quan, vận động ra ngoài căn cứ.

Sau khi bố trí xong trận địa mai phục, ngày 5 tháng 11 năm 1426, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả cho một cánh quân cơ động tiến vào trại quân của Sơn Thọ, Mã Kỳ ở cầu Thanh Oai. Sơn Thọ, Mã Kỳ thấy quân Lam Sơn không đông, tung hết quân ra đánh, quyết tiêu diệt ngay. Quân Minh đánh rất mạnh, quân Lam Sơn giả thua chạy vào cánh đồng Cổ Lãm – nơi nghĩa quân đã bày sẵn trận địa mai phục. Phục binh do Lý Triện chỉ huy, nhất loạt từ hai bên đường xông ra đánh rất mạnh mẽ, chia cắt đội hình quân Minh. Bị đánh bất ngờ, quân Minh cả người và ngựa bị sa lầy, không tài nào chống cự được, bị thiệt hại nặng. Ta tiêu diệt 1.000 địch, bắt 500 tên, số còn lại hỗn loạn tháo chạy. Thừa thắng, quân ta thọc sâu truy kích đến sát phía Tây Đông Quan, tập kích vào phía sau đạo quân Minh ở cầu Sa Đôi. Phương Chính, Lý An chỉ huy đóng ở cầu Sa Đôi thấy nguy cơ bị uy hiếp, vội vã bỏ doanh trại rút về Đông Quan.

Mặc dù phải đối mặt với quân Minh có lực lượng đông và mạnh, nhưng với truyền thống “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” (văn bia Vĩnh Lăng), lại được nhân dân địa phương đồng lòng giúp sức, nghĩa quân vẫn tin tưởng vào thắng lợi. Dựa trên những tin tức do thám và theo lời khai của tù binh, các tướng Lý Triện và Đinh Lễ đã phán đoán âm mưu giặc, chuẩn bị triển khai một thế trận lợi hại, sử dụng phối hợp hai đạo quân, quyết tâm giành thắng lợi quyết định.

Dựa vào địa hình hiểm trở hai trục đường từ Ninh Kiều đến Cao Bộ, Đinh Lễ và Lý Triện đã thiết lập hai trận địa mai phục lớn ở Tốt Động và Chúc Động. Tại Cao Bộ, nghĩa quân chỉ để lại một bộ phận nhỏ có nhiệm vụ nghi binh, còn phần lớn quân chủ lực gồm cả bộ binh  và tượng binh sẽ mai phục ở Tốt Động. Nghĩa quân lợi dụng địa thế xóm làng ở phía Nam và bờ sông Bùi, đầm Rót phái Tây Tốt Động để giấu quân, nhằm chặn đầu, khóa chặt con đường tiến quân và đánh tạt sườn đội hình quân Minh, dồn địch vào cánh đồng Tốt Động để tiêu diệt. Ở Chúc Động, nghĩa quân lợi dụng địa hình, bố trí quân mai phục hai bên đường, trong các rừng cây đoạn từ Chúc Động đến Ninh Kiều, chặn đường rút chạy của quân Minh. Trận địa mai phục ở Tốt Động nhằm đánh vào tiền quân của Vương Thông, trong khi đó, trận địa mai phục ở Chúc Động sẽ nhằm vào hậu quân của giặc, đồng thời chặn đường rút của hai cánh quân nếu chúng thất bại chạy về Đông Quan. Ngoài ra, thủy quân và dân binh của ta còn chốt chặn trên sông Hồng và cửa sông Tô Lịch, sông Nhuệ (Thanh Trì, Hà Nội ngày nay), kiên quyết không cho thủy binh địch cơ hội ứng cứu. Một trận địa liên hoàn, khép kín đã được bố trí, sằn sàng tiêu diệt quân Minh.

Đúng như dự đoán của các tướng Lam Sơn, để thực hiện ý đồ tiêu diệt nghĩa quân, Vương Thông tổ chức lực lượng thành hai cánh quân: Cánh chính binh do Vương Thông trực tiếp chỉ huy tiến dọc sông Đáy đánh chiếm Ninh Kiều và phát triển tới Tốt Động nhằm thu hút sự chú ý của nghĩa quân, tạo điều kiện cho cánh kỳ binh bí mật vượt sông Đáy đánh tập hậu, sau đó kết hợp hai cánh đánh ép nghĩa quân vào Cao Bộ (nay thuộc xã Cao Viên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Với sự chủ động, mưu trí, nghĩa quân Lam Sơn đã từng bước điều địch, tổ chức, bố trí trận địa, tạo lập thế trận mai phục vững chắc. Sáng ngày 6 tháng 11 năm 1426, một bộ phận do nghĩa quân do Lý Triện chỉ huy tập kích vào doanh trại quân Minh ở Cổ Sở để khiêu khích và nhữ địch ra khởi căn cứ, đồng thời lực lượng chủ yếu của nghĩa quân rút khởi Ninh Kiều về Cao Bộ. Cùng ngày, sau khi huy động toàn bộ lực lượng từ Cổ Sở tiến đánh Ninh Kiều nhưng không phát hiện thấy nghĩa quân, sáng ngày 7 tháng 11 năm 1426, Vương Thông tiếp tục từ Ninh Kiều tiến đánh Cao Bộ. Nghĩa quân Lam Sơn đã lừa cho quân Minh lọt vào trận địa mai phục, kiên quyết chặn đánh tại Tốt Động và chặn đường rút phía sau, quân Minh phải dạt sang cánh đồng Chúc Động. Chớp thời cơ, các trận địa mai phục của nghĩa quân Lam Sơn tập kích các đội quân của Vương Thông, chặt đứt cầu Ninh Kiều, chặn đứng đường rút qua sông Ninh Giang. Quân Minh bị dồn ứ, hỗn loạn và bị tiêu diệt.

Chiến sự vùng phía Tây Nam Đông Quan kết thúc vào ngày 10 tháng 11 năm 1426. Trong hai trận mai phục ở Tốt Động và Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn kết hợp với dân binh đã tiêu diệt trên 50.000 quân Minh, hàng nghìn tên bị bắt. Tổng binh Vương Thông bị thương do mũi tên của nghĩa quân bắn trúng sườn. Tham tán quân vụ Trần Hiệp bị nghĩa quân dùng giáo đâm trọng thương, ngã ngựa chết. Nội quan Lý Lượng cũng chết tại trận. Nghĩa quân thu được rất nhiều chiến lợi phẩm như: Ngựa, xe, quân nhu, vũ khí, vàng bạc, sổ sách… Nguyễn Trãi viết: “Lễ […] cùng với bọn Triện hợp sức đánh mạnh ở các xứ Tốt Động và Ninh Kiều, cả phá được giặc, chiếm được Trần Hiệp và Lý Lượng. Giặc bị chém hơn năm vạn tên, bị chết đuối rất nhiều, bị bắt sống hơn trăm tên. (Ta) bắt được khí giới, ngựa, vàng bạc, của cải, quân tư xe cộ không biết bao nhiêu mà kể. Bọn tướng giặc là Vương Thông, Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ chỉ chạy thoát được vào thành Đông Đô, cố thủ để chờ chết, Bọn Triện, Lễ, Bị, Xí, Khả thừa thắng tiến thẳng đến sát thành để vây”3.

Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động đã đánh sập ý đồ của Vương Thông muốn xoay chuyển cục diện, giành lại thế chủ động trên chiến trường. Sau trận đại bại này, Vương Thông tháo chạy về Đông Quan lo cố thủ. Quân địch lún sâu vào thế phòng ngự bị động.

Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết về chiến thắng Tốt Động – Chúc Động:

“Ninh Kiều máu chảy thành sông, trôi tanh muôn dặm,

Tốt Động thây phơi đầy nội, nhơ nhớp nghìn thu.

Tâm phúc giặc Trần Hiệp phải bêu đầu,

Sâu mọt dân là Lý Lượng cũng bó xác.

Vương Thông gỡ bí, rối lại rối tung,

Mã Anh đỡ đòn, giận càng giận dữ.

Giặc cùng đường kiệt sức, bó tay chờ chết đến nơi”4.

Chiến thắng Tốt động – Chúc Động đánh dấu bước trưởng thành về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của nghĩa quân Lam Sơn, với chỉ đạo chuyển hướng chiến lược, tiến quân ra Bắc, “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, mưu trí, linh hoạt trong lựa chịn mục tiêu và cách đánh. Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động đã tạo ra thế và lực mới để nghĩa quân tiến tới đánh bại hoàn toàn quân Minh, giải phóng đất nước./.

Chú thích:

  1. 1. Lịch sử Thanh Háo tập III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2002, tr.73-74
  2. 2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, Hà Nội 2013, tr.492
  3. 3. Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr.257
  4. 4. Lam Sơn thực lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2006, tr.207

Bài: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh