Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

BỐN VỊ KHAI QUỐC CÔNG THẦN THỜI LÊ TRÊN ĐẤT TỨ TRỤ


Tứ Trụ là vùng đất thuộc làng Thịnh Mỹ xưa, nay thuộc xã Thọ Diên, tỉnh Thanh Hoá. Thời hậu Lê, Thịnh Mỹ thuộc huyện Lương Giang, phủ Thanh Hoá. Thời Nguyễn, nơi đây thuộc huyện Lôi Dương, tổng Diên Hào.

  Tứ Trụ (Thịnh Mỹ) là một vùng quê có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời. Đây chính là đất " địa linh nhân kiệt" đã sinh ra nhiều nhân tài, tướng giỏi cho đất nước và tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu TK XV (1418) như: Nguyễn Nhữ Lãm, Đỗ Đại, Trần Vận, Lê Trinh....

            Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (1428), lập ra một nhà nước Đại Việt độc lập, tự chủ và ban tước cho các khai quốc công thần tham gia cuôc khởi nghĩa Lam Sơn. Thịnh Mỹ (Tứ Trụ ) có bốn vị khai quốc được ban tước và giữ chức vị cao trong triều đình: Nguyễn Nhữ Lãm (Lê Nhữ Lãm), Đỗ Đại (Đỗ Khuyển), Trần Vận, Lê Trinh. Đây chính là Tứ Trụ triều đình (Đất Tứ Trụ có bốn vị khai quốc làm quan trong triều đình), họ là những người có công lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa đất nước Đại Việt phát triển bền vững và hưng thịnh. Không những thế, Thịnh Mỹ còn là nơi sinh ra Cung từ Quốc Thái mẫu Trần Thị Ngọc Trần (vợ vua Lê Thái Tổ, mẹ vua Lê Thái Tông) và cũng là quê hương của Linh từ Quốc thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung (bà là chính phi của Tây vương Trịnh Tạc). Một vùng đất văn hoá lâu đời, nhiều nơi không thể có được:

                   " Cảnh quan di tích một làng quê

                     Thịnh Mỹ hậu Lê sự tích đề

                     Bia đá lịch sử vang vọng mãi

                     Lịch truyền văn hoá nét son phê".

1. Nguyễn Nhữ Lãm (Lê Nhữ Lãm 1378- 1437)

            Nguyễn Nhữ Lãm sinh năm 1378 chính quán xã Văn Xá, huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam. Theo gia phả họ Nguyễn thì thân sinh của Nguyễn Nhữ Lãm tên là Công Thân làm quan cuối thời Trần, vì cảnh đời nhiễu nhương nên ông đã từ quan về quê, mẹ là Lê Thị Lịch một người phụ nữ hiền thục được nhiều người quý mến. Khi Lãm lớn lên dáng người cao đen, học giỏi, có tài biện luận, gặp lúc vận suy, quân Minh xâm lược đất nước, muốn tìm nơi ẩn thân dấu tiếng, Nhữ Lãm bí mật đem cả gia quyến đến dựng nhà, mở trại tại Thịnh Mỹ, huyện Cổ Lôi. Ông xin nhập tịch làm dân địa phương và bỏ tiền giúp đỡ dân nghèo, những người gặp cảnh khó khăn, cơ nhỡ vùng Lương Giang không kể dân cày hay chài lưới đều được nương nhờ họ Nguyễn Nhữ. Được ít lâu, Nhữ Lãm mới tìm đến Lam Sơn cầu thân Lê Lợi, ông  gia nhập lực lượng nghĩa quân và dự hội thề Lũng Nhai. Năm 1418, ông trong số những người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cùng Lê Lợi từ những ngày đầu, phụ trách việc rèn vũ khí và quân lương cho nghĩa quân.

           Ngày mùng 2 tháng giêng năm Mậu Tuất (1428) Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Nhữ Lãm là một trong những người được phong chức đại tướng và thừa tướng chia nhau đốc xuất quân Thiết Đột ra đối địch với quân Minh. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Nhữ Lãm từng làm sứ giả tới các nước Ai Lao, Chiêm Thành vận động vua nước làng giềng giúp voi, ngựa và lương thực. Nhờ tài ngoại giao của ông, các  nước đã đồng tình giúp đỡ.

           Lê Thái Tổ lên ngôi lấy niên hiệu là Thuận Thiên năm thứ nhất (1428). Ngày mùng 3 tháng 5 năm Thuận Thiện thứ hai (1429) Lê Lợi xét công, ban thưởng cho các tướng lĩnh. Nguyễn Nhữ Lãm, được ban quốc tính lấy họ vua (Lê Nhữ Lãm) Vinh thăng Suy trung phụ quốc công thần nhập nội thượng thư lệnh, Kiểm giáo Thái bảo Đình thượng hầu.

Năm Thuận Thiên thứ 4 (1431) vì có công lớn trong chuyến đi sứ nhà Minh nên ông được phong chức Hữu Bộc Xạ.

          Tháng 9 năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) Ông được vua Lê Thái Tông sai về trông coi việc dựng miếu thờ Thái mẫu ở Lam Sơn (tức Trần Thị Ngọc Trần - mẹ vua Lê Thái Tông).

Năm Thiệu Bình thứ hai (1435) ông được phong chức: Thượng thư lệnh, tham tri chính sự, tri bắc đạo quân dân bạ tịch sự, tước Đình thượng hầu.

          Ngày 25 tháng 5 niên hiệu Thiệu Bình thứ 4 (1437) Nguyễn Nhữ Lãm mất và được truy tặng: Nhập nội Thái bảo, thuỵ Trung Tĩnh (ĐVSKTT).

          Năm Hồng Đức thứ 15 được tặng Khang tế hầu, con trai là Lê Lỗi được tặng là Thái phó Thanh quận công.

2. Đỗ Đại (Lê Khuyển 1399- 1459)

          Đỗ Đại còn có tên là Đỗ Khuyển hay Lê Khuyển người xã Diên Hào, huyện Lôi Dương nay thuộc làng Diên Hào, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Cha của ông là Đỗ Lỗi làm quan cuối thời Trần, mẹ ông là bà Lê Thị, người làng Thịnh Mỹ, xã Đa Mỹ cùng huyện. Thân phụ ông hy sinh trong trận chiến chồng giặc Minh thời Hồ tại Giao Thuỷ. Sớm ý thức được thù nhà nợ nước. Đỗ Đại đã tìm đến Lam Sơn xin làm gia thần cho Lê Lợi.

          Tháng Giêng năm Mâu Tuất (1418) Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xưng là Bình Định Vương dùng Đỗ Đại làm vệ sỹ. Buổi đầu khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn, khốn đốn, dù ở Khôi Huyện hay Chí Linh sơn Đỗ Đại không rời chủ tướng nửa  bước.

          Tháng Giêng năm Bình Ngọ (1426), Đỗ Đại cùng Trần Nguyên Hãn, Lê Thiệt phục binh tại cầu Giát nhử quân giặc ở thành Diễn Châu kéo ra càn quét. Nghĩa quân nổi dậy bất ngờ chém đầu tường giặc Minh là Vĩ Phượng và tướng Nguỵ Nguyễn Vinh.

          Tháng 8 năm ấy Lê Lợi cho là quân tinh nhuệ của giặc đều ở thành Nghệ An cả, các xứ Tây Đô tất quân ít sức yếu bèn chia quân tuần tiễu đất Bắc để gây thanh thế. Thái giám Đỗ Đại cùng thiếu uý Đỗ Bí đem 2.000 quân và một con voi đi tuần tiễu các xứ: Khoái Châu, Bắc Kạn, Lạng Giang để chận viện binh ở Lưỡng Quảng sang. Trong khi đó, khu mật sứ Phạm Văn Xảo, Thái uý Lý Triện, Thái Giám Trịnh Khả, Á hầu Lê Nhữ Huân đem 3.000 quân và một voi đi tuần các xứ Thiên Quan, Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hoá, Đà Giang, Tam Đái, Tuyêng Quang để ngăn chặn viện binh ở Vân Nam sang. Tư không Đinh Lễ và tư không Nguyễn Xí đem tinh binh tiến sau để phô trương thanh thế. Nghĩa quân đi đến đâu cũng không phạm mảy may đến của cải của dân nên nhân dân các địa phương đều đem trâu, dê, cơm rượu đến để khao quân và hưởng ứng nghĩa quân vây thành lũy giặc. Bởi thế quân Minh chỉ còn cách đóng chặt cửa thành cố thủ đợi quân ngoài đến cứu viện.

          Đến tháng 12, Lê Lợi sai Trịnh Khả, Đỗ Đại đánh vào Tam Giang, Lê Sát, Lê Thụ, Nguyễn Lý, Lê lãnh, Lý Triện đánh thành Xương Giang, Bùi Quốc Hưng đánh thành Diên Hào, Thị Cầu.

          Đầu tháng giêng năm Đinh Mùi (1427), sau khi hạ thành Tam Giang, Trịnh Khả và Đỗ Đại đóng giữ ở bên ngoài cửa Đông thành Đông Quan cùng Đinh Lễ ở cửa Nam, Lê Chửng, Nghi Phúc cửa Tây, Lý Triện ở cửa Bắc phối hợp vây hãm thành Đông Quan. Đến tháng 9 năm Đinh Mùi (1427) viện binh của quân Minh chia làm 2 đường kéo sang nước ta. Trong khi đạo quân của Liễu Thăng đánh vào cửa ải Pha Luỹ đạo quân của Mộc Thạch đánh vào cửa ải Lê Hoa. Kiềm quốc Công Mộc Thạch, tham tướng Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung cùng 5 vạn binh và một vạn voi ngựa bị nghĩa quân các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Trung, Đỗ Đại chặn đánh ngay tại cửa ải Chi Hoa. Lúc này Lê Lợi gửi mật thư bảo Trịnh Khả, Đỗ Đại chỉ cốt cầm cự, chớ dốc toàn lực, hãy dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều tạo thế bất ngờ là chắc thắng. Đúng như Bình Định Vương Lê Lợi dự đoán. Kiềm quốc Công Mộc Thạch tuổi già, từng trải công việc nhiều lần nên không khinh tiến mà có ý chờ xem phía đạo quân của An viễn hầu Liễu Thăng tình hình ra sao rồi mới quyết định. Lê Lợi cho một tên chỉ huy và 3 tên thiên hộ của giặc bị bắt trong trận Chi Lăng mang ấn, sắc, thư, binh phù của Liễu Thăng đưa đến dinh của quân Mộc Thạch, Mộc Thạch và tướng sỹ trông thấy liền hoang mang, lo sợ. Đang khi mai phục quân ta trỗi dậy, Đỗ Đại cùng Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo dẫn đầu xông tới đánh đuổi quân giặc, thu được thắng lớn ở ngòi Nước Lạnh và Đan Xá, chém được hơn 1 vạn thủ cấp, bắt được người và ngựa đều trên 1.000, số bị chết đuối ở khe suối thì không kể hết. Mộc Thạch một mình một ngựa chạy thoát. Nghĩa quân bắt được khí giới, của báu, xe lương nhiều hơn so với trận thắng ở Xương Giang đánh bại đạo quân của thôi Tụ và Hoàng Phúc.

           Tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Tháng 8, vua ban cho Đỗ Đại chức Đồng Tổng tri coi quân ngự tiền thiết đột, điều khiển các vị binh.

           Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) vua ban biểu ngạch cho 93 vị công thần, Đỗ Đại thuộc 14 người được phong tước huyện hầu. Tháng 11 năm ấy, vua ngự về Tây Đô bái yết Sơn Lăng. Hôm vua trở về Đông Đô đã khuya, khi có lệnh mở cổng thành đón ngự giá. Đỗ Đại lúc này coi giữ các vệ cấm binh đứng trên cổng thành nói vọng xuống: Đêm tối khó phân biệt không dám vâng theo chiếu. Vua bèn sai quân cầm đuốc sáng soi cao cho tỏ, Đỗ Đại nhận rõ đích xác là vua nên mới cho mở cổng thành hộ thánh giá vào cung.

           Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) Đỗ Đại được tiến phong là tổng quản, ban kim phù vẫn trông coi quân cấm về.

           Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đời vua Lê Thái Tông, Đỗ Đại được phong chức: Nhập nội thiếu uý tham tri hải tây đạo chủ vệ quân sự kiêm thái giám như cũ.

           Tháng 7 năm Đinh Tỵ (1437) ông được phong làm tham tri chính sự  lại gia thêm bổng thánh tráng sĩ vệ tổng quản thiếu uý tham tri chính sự. Đến tháng 8 cùng năm lại được phong làm tri từ tụng sự coi việc các vụ kiện hình sự. Đỗ Đại kiêm chức này trong thời gian có mấy viên quan bị bãi chức.

           Năm 1441, Đỗ Đại hộ giá vua đi đánh nghịch Nghiễm ở châu Thuận Mỗi bắt sống tướng Ai Lao là Đạo mông và vợ con ở Động La. Phe đảng của Nghịch Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng cũng bị bắt, Nghiễm thế cùng phải ra hàng. Vua đem quân về dâng tù cáo thắng trận ở Thái miếu, ban cho Đỗ Đại chức nhập nội tư mã.

           Năm Thái Hoà thứ nhất (Tức Quý Hợi 1433) nhà Minh sai chánh sớ là Quang Lộc Tự Thiếu Khanh Tống Kiệt , phó sứ là Bình Khoa đô cấp sự Trung Tiết Khiêm sang phong vua làm An Nam Quốc Vương. Tiết Khiêm thấy Đỗ Đại luôn luôn chầu hầu ở bên hữu vua bèn hỏi viên quan ấy là ai? Quan lễ tân đáp đấy là Đỗ thái phó: Tiết Khiêm nói: Ỷ thác được người lắm.

           Tháng Giêng năm Kỷ Mão (1459) Nhập nội Kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc công trọng sự Đỗ Đại bị bệnh nặng. Nhà vua ban cấp tiền, sai quan ngự y tới trị bệnh, do bệnh tình quá nặng nên không chữa khỏi, vua thân hành đến thăm, hồi lâu ông mất. Đó là ngày 17 tháng giêng năm Diên Ninh thứ 6. Vua truyền lệnh nghỉ chầu 3 ngày, tặng chức Thái phó cho Đỗ Đại, lại sai đại thần chủ trì  tế lễ và giao cho bảng nhãn Nguyễn Nhữ Đỗ soạn văn bia. Về sau, Đỗ Đại được tặng chức Thái sư Định quốc công.

3. Trần Vận.

          Ông là người Lôi Dương, xã Thịnh Mỹ. Thuận Thiên năm thứ nhất (1428) được phong là: Vi Ngân Thanh vinh lộc đại phu, Tả xa kỵ vệ tướng quân kiêm Sơn Lăng Tứ kim đại xa kỵ đô úy quan nội hầu. Thiệu Bình thứ 5 hoăng (tức Trần Vận mất vào năm Thiệu Bình thứ 5). Sinh thời quan chi đô tri Hồng Đức tặng, thập ngũ niên tặng Thái bảo phù hưng hầu.

4.Lê Trinh

          Ông là người huyện lôi Dương, xã Thịnh Mỹ. Thuận Thiên nguyên niên, vi  tổng.... Quy Hóa, Gia Hưng nhị trấn vệ chư hầu quân sự. Đại Tam Bảo niên hoăng (băng hà). Sinh thời quan chi quan nội hầu, Hồng Đức ngũ niên tặng Lương võ hầu.

           Với bốn vị khai quốc công thần thời Lê (thời Lê Sơ): Nguyễn Nhữ Lãm, Đỗ Đại, Trần Vận, Lê Trinh là những vị quan trong triều đình thường được gọi là "Tứ trụ tiều đình" thì Thịnh Mỹ đã đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài, trí lực. Vì vậy, thịnh Mỹ còn có tên gọi là Tứ Trụ.

Ngày nay, địa danh Thịnh Mỹ - Tứ trụ vẫn còn tồn tại, nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm, lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung, đền thờ Trần thị Ngọc Trần, đền thờ Lê Văn An...đã được nhà nước công nhận và xếp hạng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc ./.


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh