Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh từ khi thành lập theo quyết định số: 3728/QĐ-UBND, ngày 20/ 10/ 2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trực thuộc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch. Là đơn vị sự nghiệp có thu, có nhiệm vụ quyền hạn: Quản lý, bảo vệ phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, sưu tầm, nghiên cứu, tôn tạo, phục hồi giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan tới triều đại Hậu Lê tại khu di tích lịch sử Lam Kinh. Tổ chức quản lý bảo vệ rừng và phục hồi rừng trong khu di tích lịch sử Lam Kinh, xây dựng phương án quản lý bảo vệ an ninh trật tự phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường khu di tích, tổ chức tuyên truyền quảng bá và khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch quản lý xử dụng các nguồn thu đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư xây dựng và tu bổ, tôn tạo, phục hồi nhằm phát triển khu di tích lịch sử Lam Kinh trở thành trung tâm văn hóa du lịch lớn của xứ Thanh.
Ngọ môn - Giếng cổ
Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan, khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Thực hiện Quyết định số: 609 QĐ- TTg của Thủ tướng Chính Phủ, ngày 22 /10/ 1994 phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi tôn tạo tổng thể khu di tích lịch sử Lam Kinh. Để phát huy giá trị khu di tích, hàng loạt các công trình, dự án đã và đang được tỉnh Thanh Hóa và các ngành có liên quan tích cực triển khai, tạo cho khu di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh có một diện mạo mới.
Hiện nay, khu di tích Lam Kinh đã bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục công trình kiến trúc, cảnh quan: La thành, cầu Bạch, giếng cổ, Ngọ môn, sân Rồng, 6 Khu lăng mộ, nhà che bia, các tòa Thái Miếu, Chính điện, hồ Tây, sông Ngọc, đập nhà Lê, hệ thống đường tham quan di tích. Cắm mốc xác định phạm vi giới hạn trồng hàng rào cây xanh bảo vệ di tích ...
9 tòa Thái miếu
Trong những năm qua, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đi vào hoạt động ổn định, cán bộ Lãnh đạo, viên chức người lao động trong Ban một lòng đoàn kết không ngừng tích cực học tập, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những thành quả đáng trân trọng:
Công tác tổ chức đón phục vụ khách tham quan năm 2012 - 2014 đạt 95 nghìn lượt khách/ năm, nhưng đến năm 2020 - 2023 đạt hơn 290 nghìn lượt khách/ năm.
Ngoài công tác tuyên truyền giới thiệu hướng dẫn khách đến thăm quan di tích. Ban còn tổ chức phối hợp với các trường Phổ thông Trung học, Trung học cơ sở các xã, thị trấn giáp danh với di tích (Trường PTTH Lê Lai, PTTH Lam Kinh, Thọ Xuân 5, Trường THCS Lam Sơn, trường THCS Xuân Lam ...), để giảng bài tuyên truyền với học sinh về công tác gìn giữ bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh trong giáo dục nhà trường.
Công tác phục dựng gắn chắp chỉnh lý vào sổ kho hiện vật từ 300 hiện vật, đến nay đã tăng lên 600 - 700 hiện vật/ năm.
Trong thời gian gần đây là thời gian khu di tích lịch sử Lam Kinh được đổi mới phát triển toàn diện, di tích ngày một khang trang, cảnh quan được chăm sóc đã tôn thêm vẻ đẹp cho di tích. Khách đến di tích năm sau cao hơn năm trước tăng từ 10 -15% năm. Hầu hết các đoàn khách đến di tích đều được phục vụ hướng dẫn tham quan tận tình chu đáo.
Chính điện Lam Kinh
Ngoài việc thực hiện công tác trùng tu tôn tạo di tích, công tác tuyên truyền phát huy giá trị cũng được chú trọng, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương ... trang Webs ditichlamkinh.vn nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Để xứng với tiềm năng di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, là điểm đến hấp dẫn của du khách, giá trị của di tích được tôn vinh, đội ngũ cán bộ viên chức người lao động trong cơ quan đang nỗ lực phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng nghiên cứu độc lập, đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học về di tích Lam Kinh làm phong phú thêm giá trị di tích.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, quản lý rừng đặc dụng Lam Sơn. Tăng cường công tác bảo vệ an toàn trong di tích, chống lấn chiếm trái phép đất đai thuộc di tích quản lý, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường để di tích ngày càng xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch tại di tích.
Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ và quản lý bảo vệ phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xây dựng thương hiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch di tích. Từng bước đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, tập trung chú trọng đến công tác thuyết minh và giới thiệu tuyên truyền. Nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích bằng cách tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại di tích để đạt yêu cầu cao về trình độ, ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách. Tổ chức việc đón tiếp khách, giới thiệu, trưng bày tuyên truyền di tích. Làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan di tích nhiệt tình, chu đáo. Phối hợp chặt chẽ liên ngành trong việc tuyên truyền quảng bá tổ chức khai thác phát triển khu du lịch Lam Kinh.
Tăng cường viết bài, viết sách, đăng tin mới, cập nhật về di tích trên Trang thông tin điện tử Website của đơn vị phấn đấu hơn 100 nghìn lượt người truy cập/ngày. Vận hành trình chiếu các trò chơi trò diễn dân gian, lễ hội giới thiệu toàn cảnh các hạng mục di tích cho những du khách nhu cầu thăm quan di tích tại chỗ.
Lễ hội Lam Kinh
Xây dựng phòng đọc, tra cứu tư liệu về thân thế sự nghiệp của từng vị vua, và các câu truyện truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng văn hóa Lam Sơn, các tài liệu, tư liệu liên quan đến triều đại hậu Lê.
Đặc biệt cần có sự liên kết du lịch giữa các điểm di tích để thu hút khách như: Xây dựng tour, tuyến tham quan phù hợp với du khách, ưu tiên tuyến tham quan khu trung tâm gồm điện miếu và lăng mộ các vua và Hoàng Thái hậu và còn kết hợp đưa khách đến tham quan các di tích vùng phụ cận, liên quan đến di tích như: Lam Kinh- Chùa Đầm, Lam Kinh- Chùa Linh Cảnh, Lam Kinh- Đền thờ Trịnh Thị Ngọc Lữ…. Các tua du lịch trong tỉnh như: Lam Kinh- Suối cá thần Cẩm Lương, Lam Kinh- Sầm Sơn, Lam Kinh- Thành Nhà Hồ...
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh ngày càng được quan tâm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và đang trở thành kho tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa của tỉnh Thanh. Quản lý, bảo vệ bền vững lâu dài các giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là vinh dự và trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc hôm nay để lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Cán bộ viên chức, người lao động Ban quản lý lịch sử Lam Kinh không ngừng học tập và phấn đấu để cơ quan ngày càng phát triển lớn mạnh, trở một trong những thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế./.
Bài: Trình Thị Luận
PT phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK