Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

THÁI SƯ CƯƠNG QUỐC CÔNG NGUYỄN XÍ DANH TƯỚNG, DANH THẦN KIỆT XUẤT THỜI HẬU LÊ


Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí không chỉ là võ tướng tài ba mà còn là một danh thần kiệt xuất dưới triều Hậu Lê.

          Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc), tỉnh Ngệ An. Cha ông là Nguyễn Hợp, mẹ là Vũ Thị Hạch sinh được 2 người con trai là Nguyễn Biện và Nguyễn Xí.

          Năm lên 9 tuổi, Nguyễn Xí mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông theo anh trai đến đất Lam Sơn, Thanh Hóa làm người nhà của Lê Lợi. Lớn lên Nguyễn Xí tỏ ra vũ dũng hơn người, được Lê Lợi quý như con cháu trong nhà.

          Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định Vương phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, 2 anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí cùng tham gia, lúc đó ông 22 tuổi. Ông thường theo hầu hạ Lê Lợi những lúc hiểm nghèo ở núi Chí Linh, 2 anh em Nguyễn Xí và các chiến hữu đã lập công đầu trong các trận đánh ở Lạc Thủy, Mường Thôi... thuộc các vùng thượng lưu sông Chu.

          Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía đông bắc, Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

       Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động, Nguyễn Xí bắt được thám tử của Vương Thông, ông biết Thông định chia đường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước, mặt sau cùng đánh úp Lê triện. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ bèn tương kế, tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào. Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

          Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan, Nguyễn Xí được lệnh cùng Đinh Lễ mang quân vây phía nam thành.

          Tháng 2 năm 1427, tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê Triện ở Từ Liêm, Triện bị tử trận. Tháng 3, Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở tây Phù Liệt. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động, hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng bị giết, còn Nguyễn Xí nhân một đêm mưa gió dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về. Lê Lợi thấy ông về mừng rỡ.

          Sau đó, Nguyễn Xí lại cầm quân tham gia trận chiến Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ là đạo viện binh sót lại sau khi Liễu Thăng bị chém. Đó là trận thắng lợi kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn, đất nước hoàn toàn giải phóng sau 20 năm chìm đắm dưới ách thống trị của giặc Minh.

        Năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi lấy niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất, Nguyễn Xí trở thành một trong số đệ nhất khai quốc công thần và được nhà vua thăng chức" Long hổ thượng tướng quân, suy trung bảo chính công thần" và được ban quốc tính họ Lê gọi là Lê Xí.

        Năm 1429, khi khắc biển công thần, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5, được phong làm huyện hầu.

       Năm 1437, đời vua Lê Thái Tông, ông làm chức quan "tham tri chính sự kiên trị từ tụng".

       Năm 1442, vua Lê Thái tông mất, Nguyễn Xí cùng Trịnh Khả, Lê Thụ nhận di chiếu phò vua Lê Nhân tông.

       Năm 1445, Nguyễn Xí làm Nhập nội đô đốc, năm 1448, ông được phong chức Thiếu bảo, coi việc quân dân.

        Trong Vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí là người giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước và củng cố chế độ nhà Lê. Đặc biệt, khi Vương triều nhà Lê bị lâm vào cảnh lục đục (1459), Nguyễn Xí đã lập mưu giả vờ mù để diệt trừ bọn phản loạn. Ông nén lòng dẫm chết đứa con trai chưa đầy 1 tuổi của mình để dẹp bỏ mối nghi ngờ của bọn phản nghịch, làm nên việc lớn, ông đưa Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông) lên ngôi. Từ đó, triều đại nhà Lê bước sang một trang sử mới, được sử sách đánh giá đây là vương triều toàn diện nhất trong chế độ phong kiến nước ta.

        Năm 1460, Nguyễn Xí được phong làm: Khai phủ nghi đồng tam ti, Nhập nội kiểm hiệu thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, Á hầu phụ chính. Tháng 10 năm đó ông được phong làm Sái quận công.

        Năm 1462, Nguyễn Xí được phong chức Nhập nội hữu tướng quốc. Năm 1463 lại được phong chức Thái úy.

          Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều vua Lê suốt 37 năm liên tục (1428 -1465), Nguyễn Xí không chỉ là một võ tướng tài ba mà còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại thời kỳ đó. Trong lịch sử phong kiến nước nhà hiếm có một bề tôi nào lại được nhà vua tôn trọng, quan tâm chu đáo đến tận những ngày cuối đời như ông. Lê Thánh Tông còn viết bài Chế dụ dành tặng cho Nguyễn Xí với lời lẽ hết sức trân trọng:"..... Xét Nguyễn Xí đây, khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò tiên tri khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập ra vào hết chức phận tướng văn, tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chảng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh...".

      Tháng 10 năm Ất Dậu, niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1465), Nguyễn Xí qua đời, hưởng thọ 69 tuổi. Vua Lê Thánh Tông được tin vô cùng thương tiếc, bỏ 3 ngày không ngự triều mà than răng: "từ khi khai quốc đến nay, chẳng ai được như ngươi", cho quản thi hài tại điện Kính Thiên, cho tổ chức nghi lễ quốc tang có các quan văn, võ đại thần cùng hội tế. Sau đó đưa linh cữu về táng tại quê nhà Thượng Xá, tức Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay. Hết tang, năm 1467 lại cho dựng đền thờ theo chế độ quốc tạo, quốc tế và lệnh cho Trạng nguyên Nguyễn Trung Trực viết văn bia phong thần là: " Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt Trung trinh đại vương". Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) còn truy phong là: Thái sư Cương Quốc Công.

        Nguyễn Xí có 16 người con trai và 8 người con gái, trong số 16 người con trai của ông có 8 người giữ các chức vụ trọng yếu trong nước.

         Với những cống hiến lớn lao cho dân tộc Đại Viêt, Nguyễn Xí đã được tôn vinh không chỉ lúc sinh thời với những chức tước trọng yếu khác nhau, mà sau khi qua đời công lao của ông vẫn được tỏa sáng. Đền thờ Nguyễn Xí được trùng tu quy mô nhất vào những năm 20 của thế kỷ XX. Hiện đây là khu di tích được xếp vào loại nguy nga nhất trên đất Nghệ An, được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1990. Không những thế, ở Thanh Hóa - TT Lam Sơn, huyện Thọ Xuân cũng có đền thờ Nguyễn Xí và các tướng có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tuy không bề thế nhưng đây chính là tấm lòng của người hậu thế " Uống nước nhớ nguồn" đối với  Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh