Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

LƯU NHÂN CHÚ VÀ CHIẾN THẮNG THÀNH XƯƠNG GIANG


Danh tướng Lưu Nhân Chú là một trong những khai quốc công thần của Nhà Lê, có nhiều đóng góp trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh thắng giặc Minh giải phóng dân tộc. Quê ông ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Khi Lê Lợi chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung đã hăng hái đến hưởng ứng. Năm 1416, Lưu Nhân Chú là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, là thành viên đầu tiên của Bộ chỉ huy Lam Sơn được giao chức Phó Chỉ Huy vệ kị binh trong đội quân Thiết Đột. Suốt 10 năm kháng chiến (1418 - 1427), Lưu Nhân Chú có mặt ở hầu hết các mặt trận, tham gia chỉ huy và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch quan trọng như: trận Khả Lưu - Bồ Ải (1424), cầm quân vây hãm thành Tây Đô (1425), vây hãm thành Đông Quan...đặc biệt, ông chính là vị tướng lập công xuất sắc trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang diễn ra năm 1427.

Đầu năm 1426, theo kế hoạch tiến quân ra Bắc của Bộ chỉ huy Lam Sơn, Lưu Nhân Chú được giao nhiệm vụ cùng các tướng Bùi Bị, Lê Sát, Lê Ninh, Lê Khuyển chỉ huy đạo quân thứ hai tấn công ra vùng tạm bị quân Minh chiếm đóng để hoạt động và tìm cách uy hiếp thành Đông Quan. Đạo quân này lúc đầu chỉ có hơn 2.000 quân và một thớt voi, nhưng về sau được Bình Định Vương Lê Lợi phái thêm 2.000 quân và một thớt voi. Vì vậy, có thể xem đây là đạo quân có lực lượng hùng mạnh nhất. Đạo quân của Lưu Nhân Chú thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là ráo riết hoạt động ở vùng hạ lưu sông Hồng và tham gia uy hiếp thành Đông Quan; thứ hai là sẵn sàng chặn đánh bọn giặc rất có thể sẽ bỏ các thành Nghệ An, Diễn Châu và Tây Đô để chạy ra Bắc. Với sự có mặt của Lưu Nhân Chú và các tướng Lam Sơn, cùng với hơn 4000 quân sỹ đã khiến cho giặc Minh thực sự bối rối và ứng phó một cách lúng túng. Chính sự lúng túng này của quân Minh là cơ hội thuận lợi để đạo quân thứ nhất có thể tổ chức thành công những trận đánh lớn, buộc viện tướng đi cứu viện của giặc là Vương Thông phải rút hết lực lượng về cố thủ trong thành Đông Quan. Lúc này tương quan thế và lực giữa đôi bên có sự thay đổi theo xu hướng ngày càng có lợi cho nghĩa quân Lam Sơn.

Về phía quân địch, ngày càng rơi vào thế cùng quẩn. Sách "Lam Sơn thực lục" mô tả: "Bọn Vương Thông, Sơn Thọ nhà Minh hễ đánh là thua, chán nản, lo sợ, miêu kế đã cùng, viện binh không có, tình thế ngày một khốn quẫn". Tháng 1 năm 1427, triều đình nhà Minh quyết định cử viện binh giải nguy cho Vương Thông. Viện binh được chia làm hai đạo với những viên tướng chỉ huy thuộc loại dày dặn kinh nghiệm nhất trên chiến trường, theo 2 đường tiến vào nước ta. Đạo thứ nhất gồm 5 vạn quân, 1 vạn ngựa do Mộc Thạnh tiến sang. Đạo thứ hai gồm 10 vạn quân, 2 vạn ngựa do Liễu Thăng chỉ huy tiến sang. Đến đầu tháng 10 năm 1427, cả hai đạo quân viện binh của địch đã áp sát biên giới nước ta. Lúc này, vua họp với các tướng bàn rằng:"Giặc vốn khinh thường ta, cho rằng nước ta từ lâu sợ uy thế giặc, nghe tin đại quân đến thì tất sợ hãi. Huống chi lấy mạnh đánh yếu, lấy nhiều đánh ít là sự bình thường. Nhưng trong binh pháp có nói là 500 dặm mà xu lợi thì chết thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường xá xa xôi, quân mệt nhọc, ta lấy quân nhàn hạ để đón quân mệt nhọc thì tất phải thắng". Vua sai Lưu Nhân Chú cùng với một số tướng lĩnh khác đem một vạn tinh binh và năm thớt voi chiến lên ải Chi Lăng để đợi quân tiếp viện.

Tại ải Chi Lăng, nhờ sự khéo léo kết hợp với lực lượng của Trần Lựu, Lưu Nhân Chú và các tướng đã dồn Liễu Thăng vào ổ mai phục ở núi Mã Yên và giết chết viên chủ tướng hung hăng này cùng với khoảng 1 vạn quân giặc.

Mặc dù bị thất bại nặng nề tại núi Mã Yên, nhưng các tướng cao cấp của nhà Minh vẫn quyết định tiếp tục thực hiện kế hoạch đi cứu nguy cho Vương Thông. Thay thế Tổng binh Liễu Thăng chỉ huy lực lượng quân Minh còn lại lúc này là viên Phó tổng binh Lương Minh. Để đối phó với đội quân đi cứu nguy cho Vương Thông, Lưu Nhân Chú được Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh này. Với tài năng của mình, chỉ trong vòng 1 ngày, nghĩa quân của Lưu Nhân Chú tiêu diệt gần 2 vạn quân Minh, chém được đầu của Lương Minh. Sau trận thắng này, Lưu Nhân Chú cùng với các tướng lĩnh khác gấp rút kéo quân về Xương Giang để chuẩn bị cho cuộc tập kết mới.

Ngày 3/11/1427, một cuộc tập kích có quy mô lớn chưa từng thấy của nghĩa quân Lam Sơn vào Xương Giang. Lưu Nhân Chú là người được Lê Lợi tin tưởng, giao cho chỉ huy cuộc tập kích đó. Ông cùng với Lê Sát đã anh dũng xông pha đánh thẳng vào nơi cư trú của giặc và giành chiến thắng. Nói về chiến thắng ở Xương Giang, sách Danh tướng Việt Nam ghi "Tất cả các tướng lĩnh chỉ huy của quân Minh tại đây, từ đô đốc Thôi Tụ đến Hoàng Phúc và các binh lính đều bị bắt sống và bị giết, duy nhất chỉ có 1 tên sống sót và chạy được về nước".

Mặc dù thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang là thắng lợi chung của Bộ chỉ huy và toàn thể nghĩa sĩ Lam Sơn, nhưng trong đó, đóng góp của Lưu Nhân Chú rất đáng kể. Ông luôn là người đi tiên phong trong các trận chiến và đều lập công xuất sắc.

Sau 10 năm kháng chiến, đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối. Ông được vua Lê Thái Tổ phong tặng Suy Trung Tán Trị, Hiệp Mưu Dương Vũ công thần, Nhập Nội Kiểm Hiệu, Bình Chương Quân Quốc Sự và được ban quốc tính.

Để ghi nhớ công lao của ông, Nhà nước và Nhân dân đã lập đền thờ Lưu Nhân Chú tại quê nhà An Thuận (nay là xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Hằng năm cứ vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch, con cháu dòng họ Lưu cũng như người dân khắp nơi lại nô nức trở về nơi đây thắp nén hương thơm thành kính dâng lên tưởng nhớ công lao, ân đức của ông. Ngôi đền Xương Giang được xây dựng trong khu di tích thành Xương Giang để thờ các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn, trong đó có danh tướng Lưu Nhân Chú./.

Tài liệu tham khảo:                                      

1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993, dịch giả Viên sử học Việt Nam.

2. Lê Quý Đôn (1977), Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

3. Lam Sơn thực lục, Nhà xuất bản Tân Việt, 1956, Dịch giả Mạc Bảo Thần.

4. Danh tướng Việt Nam tập 2, Danh tướng Lam Sơn, Nhà xuất bản giáo dục.

5. 35 vị khai quốc công thần Lam Sơn, Nhà xuất bản Thanh Hóa, 2017.

Bài: Trịnh Phương

Cán bộ Phòng Nghiệp vụ, BQL DTLS Lam Kinh


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh