Là vị tướng trưởng thành trong cuộc chiến tranh Lê - Mạc (1527 -1592), Hoàng Đình Ái đã giành nhiều chiến thắng trong các trận đụng độ với quân Mạc. Bằng tài năng quân sự của mình, ông đã góp phần trong việc đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, nối lại sự nghiệp trị quốc của vương triều Hậu Lê.
Hoàng Đình Ái sinh năm 1527, quê ở huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc). Ông là con cháu bên ngoại của Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm. Sinh ra trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, khi lớn lên ông theo về với nhà Lê ở đất Thanh Hóa. Với tài năng của mình. Hoàng Đình Ái nhanh chóng được vua Lê và Thái sư Trịnh Kiểm trọng dụng giao cho cầm quân đánh trận.
Dưới niên hiệu Thuận Bình (1549 - 1556), Hoàng Đình Ái cùng với Phạm Đốc đã sử dụng chiến thuật mai phục chặn đứng đường tiến công của quân đội nhà Mạc tại phía Bắc sông Mã. Quân đội nhà Lê đã giành chiến thắng trong trận chiến này.
Năm 1559, Thái sư Trịnh Kiểm đem quân tiến ra Bắc, Hoàng Đình Ái được giao vị trí tiên phong cầm quân mở đường. Đội quân từ vùng đất nay thuộc huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) tiến lên vùng thượng lộ Sơn Tây, rồi vượt sông Hồng đánh các xứ Thái Nguyên, Kinh Bắc, Lạng Sơn. Quân đội nhà Lê nhanh chóng chiếm được các vùng ở phía Tây thành Thăng Long. Năm 1560, Trịnh Kiểm cử ông đem quân trấn giữ vùng đất Lạng Sơn.
Năm 1561, trong khi đại quân của nhà Lê đang đi đánh quân ở các nơi khác, Mạc Kính Điển đã cho quân theo đường biển vào cướp. Hoàng Đình Ái được Lượng quốc công Trịnh Kiểm sai trấn thủ Thanh Hóa, giữ vùng đất căn bản. Khi Mạc Kính Điển đem quân từ biển vào cướp phá, ông đã giữ vững đất Tây Đô cùng với một số tướng lĩnh khác.
Năm 1570, Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm mất, nội bộ họ Trịnh lục đục. Nhân thời cơ đó, nhà Mạc cho quân vào đánh phá. Thấy thế giặc mạnh, con trưởng Trịnh Kiểm là Trịnh Cối đem thuộc hạ cùng gia quyến đầu hàng giặc. Các tướng lĩnh trung với nhà Lê trong đó có Hoàng Đình Ái đã họp lại với nhau, đưa con thứ là Trịnh Tùng lên nắm giữ binh quyền đối phó với nhà Mạc Nhờ thế ổn định tình hình, đánh lui quân Mạc về bắc.
Đầu năm Gia Thái thứ 3 đời vua Lê Thế Tông (1575), nhà Mạc sai Mạc Kính Điển đem quân đánh vào Thanh Hoa. Tiết chế Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái cùng với các tướng Nghĩa quận công Đỗ Diễn, Thạch quận công, Hùng quận công Phan Văn Khoái đem quân đến các huyện Lôi Dương, Nông Cống đánh bại cuộc tấn công của giặc.
Niên hiệu Quang Hưng thứ 4 (1581), quan Phụ chính nhà Mạc là Ứng vương Mạc Đôn Nhượng đem quân tấn công vào Thanh Hoa. Chúng vượt biển tiến vào huyện Quảng Xương, đóng ở núi Đường Nang. Hoàng Đình Ái được vua sai đem quân đánh chặn. Ông chia quân làm ba đạo, lấy Nguyễn Hữu Liêu làm tiên phong, các tướng Trịnh Đồng, Trịnh Ninh làm hậu đội, còn ông dẫn đạo chính binh. Trận chiến diễn ra ác liệt, quân Nhà Lê thế mạnh, chém được mấy trăm thủ cấp. Cuối cùng, quân Mạc đại bại phải rút về.
Năm 1591, Tiết chế Trịnh Tùng dẫn đại quân nhà Lê tiến ra phía bắc, Hoàng Đình Ái lĩnh đội thứ hai quân Hữu khu chạm trán quân Mạc ở Phấn Thượng (nay thuộc các huyện phía Tây Hà Nội). Trong trận chiến này, đội quân nhà Lê dưới sự chỉ huy của ông với khí thế dũng mãnh đã đánh tan quân nhà Mạc, truy đuổi theo một quãng đường dài.
Đầu năm 1592, đại quân Lê tiến ra Thăng Long, Hoàng Đình Ái được lệnh dẫn quân hữu dinh tiến theo đường Cầu Dền đến khu vực cửa Nam Giao. Tại khu vực này, quân của ông đánh bại được đạo quân của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, bắt được Quyện.
Cũng vào cuối năm này, theo lệnh Tiết chế Trịnh Tùng, Hoàng Đình Ái cùng các tướng Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh tiến đánh quân của Mạc Kính Chỉ. Sau một thời gian giằng co, đầu năm 1593, quân Lê đánh tan đạo quân của Mạc Kính Chỉ, chấm dứt cuộc chiến tranh hơn 60 năm giữa nhà Lê và nhà Mạc
Với những công lao đã lập được trong cuộc chiến tranh với nhà Mạc, sau khi nhà Lê đã yên ổn tại Thăng Long, Hoàng Đình Ái đã được phong là Thái úy, tước Vinh quốc công.
Đến năm 1593, về cơ bản nhà Lê đã yên vị ở Thăng Long, tuy nhiên tình hình đất nước vẫn chưa được ổn định hoàn toàn. Nhiều nơi vẫn còn xảy ra các cuộc nổi loạn, tàn dư nhà Mạc ở đất Cao Bằng cũng có nhiều hoạt động gây rối. Nhận mệnh vua, Hoàng Đình Ái đã nhiều lần đem quân đi dẹp loạn.
Hơn 60 năm làm quan, làm tướng, Hoàng Đình Ái đã lập được nhiều công lao, giúp nhà Lê khôi phục lại sự nghiệp trị quốc. Năm thứ 8 niên hiệu Hoằng Định đời vua Lê Thế Tông (1608), ông mất, thọ 81. Hoàng Đình Ái là hình mẫu của một vị đại quan có tài cả văn lẫn võ, giúp vua trị nước./.
Tài liệu tham khảo :
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Huấn
Cán bộ phòng Nghiệp vụ BQLDTLK