Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

HIỂN KHÁNH VƯƠNG ĐINH LỄ


Đinh Lễ hay còn gọi là Lê Lễ (được ban quốc tính mang họ Vua). Là người sách Thúy Cối (Lam Sơn -Thanh Hóa), ông là cháu ngoại gọi Vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) bằng cậu(1). Hiện nay chưa rõ ông sinh vào năm nào, chỉ biết khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ba anh em Đinh Lễ (2) là những người hăng hái hưởng ứng đầu tiên.

Là người có tính cương nghị và quả cảm, giàu mưu lược và có võ nghệ cao cường, công việc đầu tiên mà Đinh Lễ được giao là luôn đi hộ vệ và hầu cận Lê Lợi. Trải qua nhiều năm vào sinh ra tử. Ông cùng vua náu mình ở núi Chí Linh, nếm đủ mùi gian khổ, Đinh Lễ được phong dần tới chức Tư Không. Ông là một trong những vị tướng dày dặn kinh nghiệm trận mạc và liên tiếp lập được nhiều công lao.

Theo sách Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn có viết: “Năm Giáp Thìn (1424) Vua đánh nhau với quân Minh ở Khả Lưu, ông cùng tướng Lê Sát xông tới kìm hãm trận địa giặc, tạo điều kiện cho quân sĩ ào ạt tiến lên. Giặc thua to, ta bắt được tướng giặc là Chu Kiệt và chém tướng Hoàng Thành, đuổi cho bọn Trần Trí, Sơn Thọ phải chạy dài. Ta bắt được sĩ tốt của giặc không biết bao nhiêu mà kể. Nhờ công ấy, ông được phong là Tư Không.

Mùa xuân năm Ất Tị (1425), Vua cho vây bọn Lý An và Phương Chính ở  thành Nghệ An. Tháng 5 của năm này, ông được sai đi tuần ở Diễn Châu. Khi ấy ông cho quân mai phục ở phía ngoài thành, giặc không hề hay biết. Thế rồi viên Đô Ti của nhà Minh là Trương Hùng, dẫn hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ thành Đông Quan tới. Quân giặc trong thành Diễn Châu mừng rỡ, liền mở cửa ra đón. Bất ngờ, Đinh Lễ cho quân mai phục trỗi dậy đánh quyết liệt. Ta chém được viên Thiên Hộ họ Tưởng và hơn ba trăm quân lính của gặc, Trương Hùng phải bỏ chạy Ông thu được hết thuyền lương và nhân đà thắng lợi, đuổi dài bọn chúng đến tận

Tây Đô. Vua nghe  tin sai các tướng Lê Sát và Lý Triện đem quân gấp rút theo đường tắt đến tiếp ứng. Ta chém thêm được 500 tên, khiến giặc phải hốt hoảng mà chạy vào thành. Ông phủ dụ dân cư, đồng thời thu nạp những người khỏe mạnh để vây thành”(3).

Tháng 9 năm 1426, nhà Vua chia quân ra các vùng tạm bị quân giặc chiếm đóng, Đinh Lễ được Lê Lợi sai cầm quân tinh nhuệ đi sau để sẵn sàng tiếp ứng. Và Đinh Lễ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Tháng 11 năm 1426, Đinh Lễ vinh dự tham gia vào trận quyết chiến chiến lược với quân Minh tại Tốt Động - Chúc Động. Bấy giờ Đinh Lễ cùng với Trương Chiến và Nguyễn Xí đem quân mai phục ở Thanh Đàm để bí mật đón đánh Vương Thông khi hắn dẫn đại binh đến đấy. Tại đây, chính ông là một trong những người đã bắt được khá nhiều quân do thám, và nhờ khéo khai thác, ông đã nắm được toàn bộ mưu đồ của Vương Thông.

Sau trận Tốt Động - Chúc Động, Đinh Lễ liền viết thư báo tin đại thắng cho Lê Lợi, đồng thời hăng hái cùng các tướng tổ chức bao vây thành Đông Quan.

Tháng 3 năm 1427, Vương Thông đem hết quân tinh nhuệ trong thành Đông quan ra đánh nhau với quân Lam Sơn tại tây Phù Liệt do thái giám là Lê Nguyễn chỉ huy. Cuộc tấn công bất ngờ này khiến cho Lê Nguyễn rất lúng túng, buộc phải cố thủ để chờ viện binh. Lê Lợi lập tức sai Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân thiết đột tới cứu. Vương Thông thua to. Đinh Lễ và Nguyễn Xí lập tức cho quân truy đuổi.

Giặc chạy đến My Động thì thấy quân Lam Sơn không nhiều bèn quay lại dốc sức mà đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng vì quân ít,

voi lại chẳng may bị sa lầy, nên cả hai đều bị bắt. Đinh Lễ bị kẻ thù giết hại.

Có thể nói, nhìn xuyên suốt quá trình ông tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thì những cống hiến và đóng góp của ông cho sự toàn thắng của cuộc khởi nghĩa không phải là nhỏ. Sách Đại Việt sử kí toàn thư có ghi nhận rằng “Tướng giỏi thời ấy thì Lễ và Triện là người xứng đáng đứng đầu”(4).

Khi đất nước khải hoàn, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lập ra vương triều mới. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), trong biển luận công ban thưởng Lê Thái Tổ đã phong tặng ông là Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Vua Lê Thánh Tông gia tặng ông là Thái sư Bân quốc công, sau đó phong là Hiển Khánh vương(5).

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã cách xa gần 6 thế kỷ nhưng tên tuổi của ông vẫn được lưu truyền trong sử sách. Hiện nay, tại các thành phố lớn có nhiều đường phố mang tên ông (Phố Đinh Lễ - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội; Đường Đinh Lễ - Q4 - TP Hồ Chí Minh)./.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.     Đại Việt sử kí toàn thư

2.     Đại Việt Thông sử

3.     Danh tướng Lam Sơn

(1)Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)

 (2)Ba anh em của Đinh Lễ là: Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt. Tuy nhiên sách Đại Nam nhất thống chí thì chỉ chép có hai người là Đinh Lễ và Đinh Liệt.

(3)Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)

(4)Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 10, tờ 30-b.

(5)Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh