Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Giá trị Lịch sử, văn hóa


Lam Sơn- quê hương mang lại sự giàu có cho gia tộc Lê Lợi, tạo cơ sở vật chất ban đầu cho cuộc khởi nghĩa. Văn bia Vĩnh lăng, do Nguyễn Trãi soạn ghi rõ: Cụ nội của Lê Lợi là Lê Hối nhận thấy Lam Sơn là đất tốt, rồi dời nhà đên đây, trải qua ba năm đã thành sản nghiệp. Sách Đại Nam nhất thống chí (tập 2) ghi cụ thể hơn: Cụ nội Lê Lợi là Lê Hối dời nhà từ làng Như Áng (nay thuộc xã Kiên Thọ- Ngọc Lặc) đến ở dưới chân núi Dầu.

Kết quả khai quật khảo cổ học năm 2004 cho thấy, diễn biến và kết cấu hạ tầng văn hoá sân Rồng và Điện chính: Xuống độ sâu 1,85m là sinh thổ có tầng văn hoá mầu tro than dày 0,2m- 0,5m; Tiếp đến là tầng văn hoá dày từ 1m - 1,2m đất màu nâu pha cát vàng, sót lại những mảng lát nền là lớp gia cố trước khi lát gạch, lớp trên cùng màu nâu xám bị xáo trộn lẫn vật liệu kiến trúc, mảnh gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XV-XVII. Đối chiếu tầng văn hoá sớm nhất (dưới cùng) với những dòng sử liệu trên , phải chăng khu vực sân rồng, Điện chính Lam Kinh là nền nhà cụ Lê Hối.

Đến đời cụ Lê Đinh, ông nội của Lê Lợi, gia sản đã lớn lắm, trong nhà có đến hơn nghìn người làm, họ là những tá điền chuyên cày cấy và trông coi việc chăn thả ở các ao hồ và gia súc.

Cụ Lê Khoáng thân sinh ra Lê Lợi, nối nghiệp nhà, việc là ăn càng hưng vượng. Lịch sử phát triển kinh tế trong hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam là nông nghiệp trồng cây lúa. Hơn 90% dân số sống bằng nghề nông. Sản lượng nông nghiệp quyết định mức sống và sự ổn định xã hội. Vì vậy, ruộng đất, ao hồ là tư liệu sản xuất quan trọng nhất là tiêu chí đánh giá sự giàu có. Gia tộc Lê Lợi bắt đầu từ cụ Lê Hối đến Lê Lợi qua bốn đời đã dốc tâm sức khai phá đất hoang hoá, tận dụng nguồn nước tưới tiêu, khiến cho gia tộc có trong tay ruộng đất, ao hồ rất lớn.

          Nguyễn Trãi nhận xét về thổ nhưỡng huyện Thuỵ Nguyên (Thọ Xuân): "Vùng đất này vào loại đất bở nước sắc đen, ruộng thì vào loại thượng trung, cây cao rườm rà... Da quan có da hổ báo" (Sách Dư địa chí - phần viết về Thanh Hoá).

Địa hình Lam Sơn, nơi gia tộc Lê Lợi cư trú có nhiều quả gò đồi núi thấp, tạo thành các thung lũng hẹp uốn lượn, xưa kia được cây cối che phủ. Sông Chu chảy từ miền Tây Thanh Hoá qua địa phận Lam Sơn xuôi về ngã ba Bông, hợp lưu với sông Mã. Tây hồ rộng hàng chục mẫu liền kề núi Dầu và sông Ngọc, nhận nước từ sông Chu chảy vào các thung lũng, quanh các đồi gò là điều kiện thuận lợi cho canh tác. Gia tộc Lê Lợi khởi đầu từ cụ Lê Hối đã cải tạo các thung lũng quanh co trở thành ruộng canh tác, nơi sâu ngập nước trở thành ao hồ, mang lại nguồn thực phẩm dồi dào do tự nhiên. Những cánh rừng thưa nguyên sơ che phủ chống sói mòn, lá cây rụng tạo thành lớp mùn mầu mỡ mang lại năng suất cho việc cây trồng.

          Rừng cho gỗ làm nhà, bắc cầu, cho thịt thú rừng, đất phì nhiêu, diện tích ao hồ rộng lớn được các thế hệ trong gia tộc Lê Lợi khai thác, mang lại nhiều của cải, tạo cơ sở vật chất ban đầu cho việc chuẩn bị khởi nghĩa.

Lam Sơn- nơi hội tụ của tinh thần yêu nước

Gia tộc Lê Lợi thuộc lớp người bình dân, nhưng đều có học chữ, giỏi tổ chức công việc và sử dụng con người. Sách Hoàng Lê Ngọc Phả chép: Cụ Lê Hối làm nghề dạy học "giỏi dạy bảo", Lê Đinh ông nội của Lê Lợi là người kế tục, phát triển trang trại rất trù phú. Thân sinh ra Lê Lợi là Lê Khoáng "tính tình vui vẻ hoà nhã và hiền lành, thích làm điều thiện, hay tiếp đãi tân khách, dân vùng lân cận đều coi như cùng một nhà. Vì thế, không ai là không cảm ơn mà phục nghĩa" (văn bia Vĩnh lăng).

          Sự giàu có về của cải, lối sống nhân hậu phóng thoáng là những yếu tố cố kết lòng người từ họ nội, ngoại đến các dòng họ xung quanh trong trại Lam Sơn

 Trại chủ Lam Sơn - Lê Lợi không an phận với cuộc sống giàu có, ông nuôi chí lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu nước, cứu dân. Lê Lợi âm thầm chuẩn bị các điều kiện cho ngày khởi nghĩa.

Ông là tấm gương sáng về tinh thần tự rèn luyện, tự học tập để trau dồi cho bản thân những tri thức, sự hiểu biết về chính trị, quân sự, mà người lãnh tụ của một phong trào khởi nghĩa cần phải có: "Tuy gặp thời loạn mà chí càng thêm bền, ẩn náu trong núi rừng, chăm nghề cày cấy. Vì giận giặc tàn bạo lấn hiếp nên càng chuyên tâm vào sách lược thao" (văn bia Vĩnh lăng).

Sự giàu có của trang trại Lam Sơn không còn là của cải riêng của gia tộc Lê Lợi, mà Lê Lợi sử dụng vào việc nuôi dưỡng các nghĩa sĩ, những người yêu nước ở khắp nơi từ miền ngược đến miền xuôi trong tỉnh, tìm về đất Lam Sơn tụ nghĩa "...dốc hết của nhà hậu đãi tân khách"

Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu bước chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đã căn bản hoàn thành trên đất Lam Sơn. Vào một ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín đã bí mật mở Hội thề Lũng Nhai, thuộc hương Lam Sơn, chính thức đảm nhận trọng trách là minh chủ cho cuộc khởi nghĩa và những người dự hội thề lập thành bộ tham mưu.

Tin Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa lan rộng khắp nơi, nhiều anh hùng hào kiệt từ nhiều miền đất nước tìm vào Lam Sơn, trong đó có Nguyễn Trãi, một người học rộng tài cao đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dưới dự lãnh đạo của lãnh tụ Lê Lợi.

Lam Sơn là nơi tụ hợp biết bao những con người không có tên tuổi trong sử sách, nhưng đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ nghĩa quân, chiến đấu hi sinh thân mình, đó là những người nông dân cày ruộng, người làm nghề chài lưới, người tiều phu, người lái đò từ miền ngược, người Kinh, người Thái, người Mường.. đều chung một ý chí đánh giặc cứu nước. Đất Lam Sơn và uy tín ảnh hưởng to lớn của Lê Lợi đã trở thành niềm hy vọng của cả dân tộc.

Lam Kinh- nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhà Lê.

Trong hai thập kỷ đô hộ nước ta, nhà Minh thực thi chính sách huỷ diệt nền văn hoá Đại Việt. Mồ mả tổ tiên Lê Lợi bị chúng quật phá. Xây dựng Lam Kinh xưa trong dáng vẻ tôn nghiêm, còn nhằm mục đích chính trị, tạo hình ảnh một nhà nước Lê Sơ hùng mạnh, là ý tưởng của vua Lê Thái Tổ. Thờ cúng tổ tiên trong từng gia đình dòng họ của cả nước đã có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Phan kế Bính- Tác gải cuốn sách "Việt Nam phong tục", xuất bản năm 1917 nhận xét: "Tục phụng sự tổ tiên của ta là thành kính, ấy cùng là một lòng bất vong bản cũng là nghĩa cử của người", nghĩa là tục thờ cúng tổ tiên là nhu cầu tình cảm tự nhiên, có tác dụng gìn giữ bản chất tốt đẹp của người Việt Nam. Như vây, tục thờ cúng tổ tiên là nếp sống văn hoá tín ngưỡng của dân tộc ta.

 Vong linh tổ tiên có tác động đến đời sống dương gian, cắt nghĩa những nguyên nhân làm nên chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cao:  "Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy". Thờ cúng tổ tiên đồng nghĩa với việc coi trọng mồ mả "sống về mồ về mả, chả sống về cả bát cơm". Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, gặp gỡ quản lý của Nho giáo, Nho giáo cho rằng: "Phụ tử, tử chi thiên dã", nghĩa là cha chính là trời của con. Nho giáo đề cao chữ hiếu coi đây là cái gốc của đạo đức con người- quan niệm đạo đức này mãi đúng ở mọi thời đại. Triều Lê Sơ đã biết lựa chọn những yếu tố tương đồng trong tư tưởng Nho giáo với tín ngưỡng trong văn hoá dân tộc để áp dụng vào xây dựng khu Lam Kinh.

Lam Kinh thực chất là khu lăng mộ, điện miếu để thờ cúng Lê Thái Tổ và tổ tiên ông, cùng một số vua và Hoàng hậu triều Lê.

Tiếp thu thuyết phong thuỷ có chọn lọc trong đồ án xây dựng Lam Kinh để chuyển tải tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tư tưởng chủ đạo.

Kiến trúc ở Lam Kinh vừa đảm bảo phong cách kiến trúc cung đình, vừa thể hiện tính dân tộc qua không gian mở. Triều Lê Sơ đã giải quyết thành công, thoả mãn cả hai yêu cầu tưởng như trái ngược nhau. Tiếp thu tư tưởng Nho giáo trong lối kiến trúc cung đình, thể hiện cách lựa chọn thế đất, chọn  hướng, các công trình bố cục tạo chiều sâu trong không gian, mang lại cảm nhận về sự thâm nghiêm của khu điện miếu Lam Kinh, khẳng định vị thế uy quyền của Thiên tử, của vương triều Lê với dân chúng, với nước láng giềng. Nhưng mặt khác kiến trúc cũng phải đạt được ý tưởng không quá xa cách, tách biệt với thế giới xung quanh. Các khu lăng mộ ở Lam Kinh ẩn mình dưới tán cây rừng gần nguồn nước không có tường cao, cổng lớn bao quanh, là văn hoá cư trú của dân tộc Việt Nam, để thích ứng với khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao.

Lam Kinh- nơi kế thừa phong cách nghệ thuật hình rồng thời Lý- Trần, bảo tồn quan niệm tín ngưỡng cổ xưa về kích thước các tượng ở lăng mộ Lam Kinh.

Kế thừa phong cách nghệ thuật hình rồng thời Lý- Trần. Triều Lê Sơ được thiết lập sau 10 năm tiến hành cuộc chiến đấu hi sinh gian khổ, đất nước mới dành được độc lập, bộn bề với biết bao khó khăn, Lê Thái Tổ ở ngôi được 6 năm thì ông qua đời do bệnh tật, triều đình đưa thi hài về an táng ở chân núi Dầu, mảnh đất rất gần gũi gắn bó với gia tộc họ Lê. Bia Vĩnh lăng và khu lăng mộ được xây dựng ngay sau ngày nhà vua mất. Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng luôn gắn với nghệ thuật điêu khắc, ngoài việc làm đẹp, còn thể hiện sự linh thiêng, quyền năng của đối tượng được tôn thờ. Lăng mộ vua Lê Thái Tổ và các vị vua , Hoàng hậu ở Lam Kinh là nơi linh thiêng nhất, do vậy việc chạm khắc trang trí rất được coi trọng. Trang trí trên bia Vĩnh lăng, vị vua sáng lập ra một triều đại không thể là kết quả cảm hứng của người nghệ sĩ mà chắc chắn còn phải được vua và triều thần suy xét cẩn thận. Nhà nước Đại Việt mới được hồi sinh thời gian chưa đủ để hình thành một phong cách nghệ thuật mới, do vậy việc tiếp thu hình rồng của triều đại trước trang trí bia Vĩnh lăng là tất yếu. Hình rồng chạm quanh 3 cạnh diềm bia Vĩnh lăng trừ chóp bia là hình ảnh cuối cùng về rồng thời Lý- Trần được tái hiện ở Lam Kinh. tiếp thu phong cách rồng thời Lý- Trần thì đương nhiên hoa lá đều phải có, bởi vì đạo phật giữ vị trí lớn ở thời này.

Bảo tồn quan niệm tín ngưỡng cổ xưa về kích thước các tượng ở các lăng mộ Lam Kinh.

Trước phần mộ các vua và Hoàng hậu có hai hàng tượng, gồm tượng 2 quan hầu và các con tượng với kích thước khá nhỏ bé. Tại sao lại là như vậy? Không phải vì khả năng tài chính khó khăn, bởi vì năm 1433 vua Lê Thái Tổ mất, triều đình Lê Sơ đã tiến hành xây dựng điện chính hình chữ Công (I), với diện tích hàng nghìn m2 để thờ nhà vua. Bậc thềm trước chính điện gồm 2 đôi rồng đá có kích thước lớn đó sao? Cũng không phải vì khả năng kỹ thuật không khai thác được những khối đá lớn làm nguyên liệu. Giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc điêu khắc cổ, hoàn toàn có lý khi ông cho rằng: "Triều đình Lê Sơ chịu ảnh hưởng tư tưởng rất cổ xưa, không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Đó là các tượng làm ra để canh gác mộ, tức là canh gác vong linh người chết, có ý nghĩa như vị thần sứ mệnh gìn giữ nơi yên nghỉ cuối cùng của con người, nên chỉ làm kích thước nhỏ tránh điều lấn át vong linh. Song thế kỷ sau (Lê- Trịnh) quan niệm cổ xưa này lùi vào quên lãng, thay vào đó tượng người, tượng thú ở một số lăng mộ vua quan đều thi nhau làm to, nhằm thể hiện thanh thế, uy quyền trong bối cảnh chế độ phong kiến lâm vào khủng khoảng.


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh