Qua khảo sát thực địa và được nghe bác Liên - Trưởng phòng Văn hoá huyện Lang Chánh kể lại: Bác thường được nghe các cụ kể rằng, từ những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khi nghĩa quân còn non yếu phải dựa vào nhân dân và núi rừng hiểm trở miền Tây Thanh Hoá để làm nơi ẩn náu và hoạt động. Trong thời gian này địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn chủ yếu là vùng núi thuộc địa phận huyện Lang Chánh. Một lần Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đi từ làng Oi sang làng Năng Cát bây giờ, có dừng chân nghĩ lại nấu cơm ăn. Họ mang nồi ra khe để vo gạo, múc nước. Vì quân đông, khe lại cạn phải gạn lấy nước nên nồi cơm nấu cho Lê Lợi ăn cũng có cát đọng dưới đáy nồi. Lê Lợi mới đặt cho vùng ấy là Năng Cát. Tên làng Năng Cát có từ đấy và tồn tại cho đến mãi ngày nay nhân dân địa phương vẫn còn dùng. Sau khi Lê Lợi mất, dân bản nhớ ơn ông nên đã lập đền thờ tại làng để thờ cúng.
Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của thiên nhiên, của con người nên đền thờ bị huỷ hoại nghiêm trọng và trở thành phế tích, khu vực đền thờ đã trở thành đồng ruộng của nhân dân địa phương.
Đến năm 2007, khi UBND tỉnh Thanh Hoá ký quyết định công nhận Thác Ma Hao là khu danh lam thắng cảnh, đền thờ mới được phục dựng lại trên nền móng cũ để làm nơi tâm linh, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.
Kiến trúc đền thờ hiện nay được làm theo kiểu đơn giản, nhà có một gian hình vuông với chiều dài 5m, chiều rộng 5m, gồm có 4 cột quân và một cột cái. Không có vách bao quanh, nhà để trống. Kiến trúc phần trên có hai vì kèo luồng, rải đều đòn tay và rui mè, trên mái lợp bằng kè.
Giữa nhà được đặt một bàn nhỏ bằng gỗ, trên bàn đặt bát hương bằng sứ.
Có thể nói, đền thờ Lê Lợi ở làng Năng Cát, xã Trí Nang mới được xây dựng lại, hiện tại đang còn khiêm tốn. Hi vọng trong tương lai đền thờ vua Lê Lợi sẽ được chính quyền địa phương, cùng nguồn xã hội hoá để di tích này ngày được bổ sung để đền khang trang hơn, là nơi hoạt động văn hoá tâm linh của làng bản, đáp ứng được phần nào ý nguyện của người dân địa phương.