Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

ĐỀN THỜ LÊ KHẢ LÃNG


Theo thần phả của làng Hương Nhượng xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá thì đình làng Hương Nhượng chính là nơi thờ vị phúc thần thành hoàng làng là Thái uý từ quốc công Lê Khả Lãng.

 Lê Khả Lãng quê ở thôn Dao Xá, hương Lam Sơn, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoá. Ông đã từng theo nhà Hâụ Trần dấy quân đánh đuổi giặc Minh, đến khi nhà Hậu Trần mất Ông trở về làng Dao Xá, năm 1418 cùngvới 2 người con trai lớn là Lê Ngang và Lê Liệt, Lê Khả Lãng đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh dưới trướng của Bình Định Vương Lê Lợi.

           Năm 1428 khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, Lê Khả Lãng được xét công ban thưởng và được phong Thái bảo, tước từ quận công, giữ chức đồng tổng quản Thương Nam sách, phong tặng thái phó từ quận công.Ông là 1 trong số 35 vị công thần do chính tay Lê Lợi " ngự danh" và phong là "Vi tích lộc hầu, tước từ quận công. Do ứng quố sự"(1)

           Đến năm 1429 ông được phong tước Hầu(2). Năm 1484 vua Lê Thánh Tông truy phong ông là Thái phó từ quốc công và Kiểm hiệu nhập thị kinh diên, Binh bộ thượng thư - đô uý thái sư tả Thánh văn vương.(3)

           Lê Khả Lãng mất ngày 25 tháng 1 năm Nhâm Tuất (1442), được phong thần và được thờ ở nhiều nơi. Tuy nhiên nơi thờ chính ở tịa đình làng Hương Nhượng, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

           Đình Hương Nhượng là di tích lịch sử văn hoá, là công trình điêu khắc gỗ triều Nguyễn (thế kỷ XIX). Ban đầu đình được xây dựng ở ven sông Chu, lợp bằng tranh, nên đến mùa mưa bão thường bị đe doạ. Vì vậy nhân dân ở đây đã dời đình vào giữa làng xây dựng trên một khu đất rộng cao và bằng phẳng. Đình nhìn về hướng Nam có chiều dài 64m, chiều rộng 50m, tổng diện tích hơn 3.200m2.

          Để vảo được bên trong đình, chúng ta phải đi qua cổng tam quan gồm có 4 trụ, 2 trụ lớn cao hơn 4m, 2 trụ nhỏ cao hơn 2m. Tiếp đến là sân đình được lát bằng gạch bát vuông có kích cỡ 30 x 30cm. Đình được làm theo kiểu hình chữ Đinh (J) với chiều dài 22,58m,; rộng 8,32m, toàn bộ kiến trúc được làm bằng gỗ lim. Đình được chia làm 2 phần tiền đường và hậu cung.

          Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, gian giữa rộng nhất rồi đến các gian bên thu hẹp dần. các chân tảng cột được làm bằng đá kích cỡ như nhau: 0,55x 0,55m. Vì kèo ở đây kết cấu theo kiểu chồng rường kẻ bẩy, gồm 3 cặp vì đối xứng, được trang trí và chạm khắc tương đối giống nhau. Trang trí ở đình chủ yếu tập trung vào các đề tài như: Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), Tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai) và Rồng xen lẫn vân mây, hoa lá.

           Đặc biệt toàn bộ xà hoành được bào nhẵn. Thượng lương có chữ nho ghi lại quá trình xây dựng đình sau khi chuyển từ ven sông vào làng với nội dung: "Duy tân ngũ niên thập nhất nguyệt tuế thứ Tân Hợi nhị thập bát nhật thụ trụ thống" (Duy Tân năm thứ 5 Tân Hợi tháng 11 ngày 28)

          " Khải Định tuế thứ nhị niên tại Đinh Tỵ thập nhị nguyệt nhị thập nhật thượng lương" (Khải Định năm thứ 2 tức Đinh Tỵ tháng 12 ngày 20).

          Mái đình ban đầu được lợp bằng ngói mũi hài. Sau này do sự huỷ hoại của thiên nhiên và những biến động lịch sử đến nay đình được lợp bằng ngói giộp (ngói tây), xen lẫn ngói mũi hài.

          Tiền đường đặt 3 gian thờ, ban giữa thờ hội đồng, hai bên thờ các quan

          Hậu cung của đình ban đầu gồm 3 gian, sau này khi chuyển vào làng Hương Nhượng thì Hậu cung thu hẹp còn lại 2 gian. Mỗi gian có chiều sâu 4,1m và chiều rộng là 3,5m. Đây chính là nơi thờ Thái phó từ quốc công Lê Khả Lãng. Bên trong hậu cung ở phía trên còn bức đại tự ghi: "Thánh cung vạn tuế" (Đức thánh muôn năm), một bộ long ngai, bộ chân nến gỗ, bộ ống cắm hương, bộ đài rượu và một đôi lục bình bàng gốm. Ngoài ra ở đây cò có các câu đối ở 2 bên:

                                         Phong vũ lôi đình chỉ xích thiên

                                         Y quan lễ nhạc thanh dnah địa

            Dịch nghĩa:

                                   Mưa, gió, sấm chớp một thước đến trời

                                   Lễ nhạc, áo mũ quan lại một vùng nổi tiếng

           Đình làng Hương Nhượng là di tích lịch sử văn hóa, một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của truyền thống dân tộc. Nơi đây là nơi tôn vinh, thờ tự vị Khai quốc công thần triều Lê, Thái phó từ quốc công Lê Khả Lãng. Về thăm đình làng Hương Nhượng du khách thêm một lần được sống lại với khí thế hào hùng của cha ông một thời oanh liệt và cũng là thời điểm lắng hồn mình với nét đẹp riêng có của một vùng quê trên địa bàn huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá./.


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh