Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

CHÍ LINH VỚI KHỞI NGHĨA LAM SƠN


          Trong thiên anh hùng ca chống giặc ngoại xâm của dân tộc - Lam Sơn mảnh đất thiêng, quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi được ghi vào sử sách như một dấu son chói lọi. Lam Sơn là căn cứ đầu tiên của một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại ách đô hộ phong kiến nhà Minh kéo dài mười năm (1418 - 1427), giành thắng lợi, mở ra thời kỳ độc lập thịnh trị lâu dài cho nước nhà.

          Nếu núi là tấm áo giáp che chở cho nghĩa quân Lam Sơn thì sông ngoài ở đây là mạch máu giao thông quan trọng của nghĩa quân, nổi lên một dải đồng bằng phì nhiêu vùng châu thổ sông Mã, sông Chu với miền núi giàu có của Thanh Hóa.

          Xét trên địa bàn rộng của miền núi Thanh Hóa, Lam Sơn giữ vị trí cửa ngõ. Tháng 2 năm 1416 rừng núi Lam Sơn đã chứng kiến sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại đó là hội thề Lũng Nhai (tức Lũng Mi còn gọi là làng Mé nay thuộc xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân) Lê Lợi cùng 18 vị tướng thân cận làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em quyết tâm đánh giặc cứu nước.

          Ngoài Lam Sơn là trung tâm chính của những tháng năm chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Lợi đã quyết chọn địa bàn miền núi Thanh Hóa làm cơ sở cho cuộc khởi nghĩa buổi ban đầu. Việc Lê Lợi chọn căn cứ Chí Linh thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của vị thủ lĩnh. Có thể nói Lê Lợi đã bỏ nhiều công sức để Chí Linh trở thành căn cứ đảm bảo sự sống còn của cuộc khởi nghĩa. Địa hình ở đây hiểm trở, núi non trùng điệp làm cơ sở cho nghĩa quân “lúc thủ lúc công” đều thuận tiện, Lê Lợi còn đặc biệt lưu tâm thu phục được các thủ lĩnh, đồng bào các dân tộc Mường - Thái ở quanh vùng ven triền núi Chí Linh.

          Ngày 2 tháng 1 năm Mậu Tuất (7/2/1418) trong không khí thiêng liêng ngày tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, trước non Lam sông Lương xứ Thanh, đất trời nước Việt, Lê Lợi cùng toàn thể nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa. Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương và truyền hịch kêu gọi nhân dân khắp nơi cùng đứng lên giết giặc cứu nước. Từ núi rừng Lam Sơn, ngọn cờ khởi nghĩa do Lê Lợi phất cao đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu cho truyền thống yêu nước bất khuất và chính nghĩa, trở thành ngọn cờ tập hợp đoàn kết của toàn dân tộc cùng đứng lên giành độc lập.

          Trong suốt 10 năm “nếm mật nằm gai” đánh đuổi giặc Minh với trận đánh nổi tiếng như: Trận Đa Căng, trận Thành Tây Đô, trận Tụy Động, trận Chi Lăng… và trong suốt những năm khởi nghĩa không ít lần quân ta bị quân Minh tấn công bao vây, quân ta đành ẩn nấp vào rừng núi hiểm trở và căn cứ mà Lê Lợi chọn ẩn nấp nhiều nhất có lẽ là núi Chí Linh. Trong suốt những năm giao chiến với giặc Lê Lợi đã ba lần rút về núi Chí Linh để quân lính ẩn náu quân giặc:

          Được tin chính thức Lê Lợi không chịu “hàng phục” đã dấy nghĩa ngay mảnh đất Lam Sơn, quân Minh lập tức tập trung lực lượng đàn áp hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân ngay từ buổi ban đầu thành lập.

Chỉ ít ngày sau khi “dấy cờ khởi nghĩa” đã diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là nghĩa quân Lam Sơn mới thành lập con thiếu thốn mọi bề, với một bên quân xâm lược Minh hùng hậu và thiện chiến.

Trước tình thế đó, theo “Lịch sử Thanh Hóa”, Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng nghĩa quân từ Mường Mọt tiến sâu hơn nữa vào rừng núi Chí Linh. Núi Chí Linh là một vùng núi hiểm trở ở miền thượng lưu sông Lương, xưa là Mường Giao Lão và Yên Nhân, nay thuộc xã Giao An huyện Lang Chánh. Vào thế kỷ 15 châu Lang Chánh là một châu của Thanh Hóa giáp ranh với Ai Lao. Núi Chí Linh thuộc dãy Pù Rinh gồm nhiều ngọn núi cao trên dưới 1000 mét thuộc phía Tây Thanh Hóa, kéo dài và chiếm một khu vực khá rộng thuộc hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân. Nhà thơ Lý Tử Tấn đã viết nơi đây:

          “Rồng thiêng ở đó có thể tàng hình dấu vết

          Thánh nhân ở đó có thể ẩn kín thời cơ”.

          Quân Minh biết rõ Lê Lợi và nghĩa quân đã rút về Chí Linh. Vì vậy chúng càng quyết tâm bao vây tiêu diệt. Mọi ngả đường ra vào từ Chí Linh đều bị khóa chặt, ngày đêm quân thù lùng sục khắp hang cùng ngõ hẽm… nghĩa quân Lam Sơn ở vào thế vô cùng hiểm nghèo “lương thực ít, tuyệt đường đi về Linh Sơn, Mường Cốc… Quân lính chịu khổ, đói rét vất vả hàng mười ngày liền, phải đào củ nâu ăn cầm hơi, tìm mật ong làm nước uống, người ngựa đều đói khốn”.

          Ở Chí Linh, Lê Lợi và nghĩa quân khốn khó trăm bề. Quân số ngày càng ít lại thiếu thốn lương thực, bênh tật bắt đầu hoành hành, chí khí quân lính có phần bị nao núng. Còn ở Lam Sơn mồ mả của cha ông Lê Lợi cùng vợ con bị đào bới, bị giặc bắt hoặc phiêu tán… Trước tình hình nguy cấp, sự tồn vong của nghĩa quân Lam Sơn đang “ngàn cân treo sợi tóc”, Lê Lợi cùng các “đồng chí” của ông từ “Hội thề Lũng Nhai” đồng lòng “dấy nghĩa” đã cùng nhau bàn kế sách để giải nguy bảo toàn lực lượng. “Vua hỏi ai là kẻ tận trung, hết lòng lo việc nước”, “Ai có thể mặc áo hoàng bào thay ta đem trăm quân và hai thớ voi đi đánh thành Tây Đô, thấy giặc ra đánh thì tự xưng “ta là chúa Lam Sơn”, để cho quân giặc bắt được, cho ta có thể ẩn náu nghỉ binh, thu nhặt binh sĩ mưu cử sự về sau?”.

          Trước tình thế yêu cầu người dám chiến đấu hy sinh vì sự tồn vong của cả sự nghiệp “cứu dân, cứu nước” Lê Lai người làng Dựng Tú huyện Lương Giang (nay làng Tép xã Kiên Thọ huyện Ngọc Lạc) “tính cương quyết nghiên nghị và thẳng thắn, diện mạo khác thường, sức khỏe và chí khí hơn người” khảng khái nói : “Tôi tự nguyện đổi áo, ngày sau Bệ hạ nên nghiệp đế, có thiên hạ, nhớ đến công lao của tôi, cùng con cháu tôi muôn đời được chịu ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi vậy”.

          Xúc động trước cử chỉ cao đẹp của Lê Lai, Lê Lợi khấn vái trời đất thề rằng : “Lê Lai có công đổi áo, mai sau Trẫm và con cháu Trẫm, con cháu các công thần tước tá, nếu không nhớ công ơn ấy thì nguyền điện cỏ này hóa thành rừng núi, ấn báu này hóa thành cục đồng, lưỡi gươm thần này hóa thành đao mác thường”.

          Lê Lai cải trang thành “Chúa Lam Sơn” lĩnh 500 quân và hai voi chiến xông ra tập kích quân Minh. Quân giặc thấy “chúa Lam Sơn” xung trận liền tập trung lực lượng quyết bắt bằng được “thủ lĩnh” của nghĩa quân. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Đội nghĩa quân cảm tử cùng Lê Lai chiến đấu đến phút cuối cùng Lê Lai rơi vào tay giặc. Giặc Minh bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi bèn rút quân về và sau đó xử Lê Lai bằng những hình phạt cực kỳ tàn ác.

          Sau khi bắt được Lê Lai, quân Minh rút toàn bộ lực lượng bao vây Chí Linh và Lam Sơn về Thành Tây Đô. Nhờ cơ hội đó Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây và tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục chiến đấu chống quân Minh.

          Sự hy sinh cao cả của Lê Lai và đội ngũ quân sĩ cùng ông chiến đấu được các thế hệ muôn đời ghi nhớ. Bởi chính có sự hy sinh đó mà cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngay buổi đầu “trứng nước” thoát khỏi tình thế bị tiêu diệt, bảo vệ cho Lê Lợi và đội ngũ tướng sĩ của nghĩa quân được an toàn.

          Tranh thủ thời gian quân Minh rút về Tây Đô, Lê Lợi sau một thời gian thăm dò tình hình quân thù đã tập hợp lại lực lượng. Ngày 9 tháng 5 năm 1418 (tức ngày mùng 4 tháng 4 năm Mậu Tuất) nghĩa quân trở về căn cứ Lam Sơn.

          Việc Lê Lợi và nghĩa quân trở về Lam Sơn không thoát được sự phát hiện của quân Minh. Tức tối vì mắc mưu Lê Lợi, ngay lập tức ngày 14 tháng 5 năm 1418 (tức ngày mùng 9 tháng 4 năm Mậu Tuất), quân Minh kéo đại quân tấn công Lam Sơn : “Năm Mậu Tuất, tháng 4 mùng 9, lúc ấy giặc đem đại binh đánh ép Trẫm ở Lam Sơn”.

          Sau khi lực lượng chủ yếu của nghĩa quân cùng Lê Lợi rút khỏi Lam Sơn, ở đây chỉ còn một bộ phận nhỏ nghĩa quân bảo vệ căn cứ và gia đình Lê Lợi. Quân Minh và tay sai đã tàn phá và giết hại tất cả những gì và những ai mà chúng bắt gặp ở Lam Sơn.

          Sự khủng bố, tàn sát dã man của quân Minh ở căn cứ Lam Sơn đã chặn đứng và cắt đứt nguồn tiếp tế cho nghĩa quân. Quân Minh quyết tâm truy đuổi Lê Lợi và nghĩa quân đến cùng. Tình thế của nghĩa quân và Lê Lợi vô cùng cấp bách “quân ta khí thế cùn nhụt, không còn ý chí chiến đấu, thật là cùng quẫn nguy khốn”.

          Không còn đường nào khác để bảo đảm toàn lực lượng, tránh cuộc càn quét khốc liệt của quân Minh, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn rút về Chí Linh lần thứ 2.

          Một lần nữa Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cùng với núi Chí Linh trở thành hình tượng cao đẹp của tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc :

          “Vua ta dấu vết ở núi này, đành nín hơi để náu nương, vợ con lưu ly, quân sĩ tan tác.

          Tuy khốn đón mà lại hay, vì có điều sắp vẻ vang.

          May giáp trụ để che thân, lấy củ rau để làm lương.

          Chí hăm hở lo toan, lòng căm tức chẳng hề quên…”

          Lê Lợi cùng các tướng lĩnh thân tín như : Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Xí, Lê Bí, Trương Lôi… và nghĩa quân ẩn náu ở Chí Linh. Trãi gần 3 tháng tuyệt lương đạo quân “Tướng sĩ một lòng phụ tử” vẫn kiên trì giữ vững chí khí, quyết vượt gian nguy. Sự cưu mang của đồng bào các dân tộc cùng Chí Linh cùng với sự tần tảo của bà Chiêu Nghi “khi ở núi Linh Sơn, lương thực gian nan từng nhờ lo chạy. Buổi ở trại Lẫm Lộ, áo xiêm rách rưới vẫn cậy khâu may”, sự tháo vát của tướng Nguyễn Nhữ Lãm và bà con ngư dân phường Đa Mỹ đã giúp Lê Lợi và nghĩa quân vượt qua được những tháng ngày gian khổ, thoát khỏi vây quét, lùng sục của quân Minh để tồn tại và phát triển.

          Rời Chí Linh trở lại Lam Sơn trong hàng ngũ tướng lĩnh của Lê Lợi chỉ còn hơn 100 người. Nghĩa quân đã bị tổn thất nặng. Nhưng trở lại Lam Sơn lần này Lê Lợi và nghĩa quân đã giành được một thắng lợi vô cùng lớn lao, đó là nhân dân các dân tộc ở những nơi nghĩa quân từng đi qua đã hết lòng thương yêu, đùm bọc và sẵn sàng đi theo “ngọn cờ Lam Sơn” cứu nước.

          Do đó chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân Lam Sơn lại phục hồi nhanh chóng cả về tinh thần và sức lực.

          Thực hiện tư tưởng chiến lược : “Dùng mai phục, lấy ít địch nhiều” tận dụng thế hiểm trở của núi rừng để ngăn và đánh giặc, Lê Lợi và nghĩa quân chủ động lui về Mường Mọt, bố trí mai phục đón đánh quân Minh. Chiến thắng Mường Mọt cuối năm 1418 của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã đánh dấu một bước trưởng thành về thế và lực của Lê Lợi sau gần một năm dựng cờ khởi nghĩa.

          Nối tiếp đó là trận thắng ở Hà Đá và Mỹ Canh (nay thuộc vùng Yên Tâm, Yên Lâm huyện Yên Định), bị đánh bất ngờ, quân giặc đại bại “bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao và chém hơn ba nghìn đầu giặc”. Đây là chiến thắng vang dội nhất của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn sau hai năm dựng cờ khởi nghĩa.

          Liên tiếp bị thất bại, tháng 6 năm 1419, đô chỉ huy Sư Hậu kéo quân từ Đông Quan về Tây Đô đánh phá căn cứ Lam Sơn. Trong trận chiến đấu không cân sức này tướng Nguyễn Cá Lập bị sa vào tay giặc Minh.

          Chiếm được căn cứ Lam Sơn, quân Minh do Hoàng Thành và Chu Quảng chỉ huy chia quân lính chiếm giữ, phong tỏa mọi nẻo đường đến và về Lam Sơn.

          Trước ý đồ chiếm đóng lâu dài của quân Minh, Lê Lợi đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để tiêu diệt địch. Với tài “dụng binh như thần” Lê Lợi đã lừa quân Minh đến khu vực Mường Chính và tiêu diệt chúng tại đây. Chiến thắng Mường Chính đã khẳng định nghĩa quân Lam Sơn chủ động tiến hành đánh thắng địch theo cách của mình.

          Nhưng với chiến thắng ở Mường Chính chưa đủ thế và lực đẩy lùi giặc, trong khi đó quân Minh càng tăng lực lượng chiếm đóng Lam Sơn.

          Lê Lợi tranh thủ sự giúp đỡ của Ai Lao đã mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn ra khắp miền Tây Bắc Thanh Hóa.

          Thắng 9 năm 1419, nghĩa quân Lam Sơn tiến hành các hoạt động ở vùng Lỗi Giang (gồm các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, và một phần phía Đông Nam huyện Quan Hóa ngày nay). Với hình thức hoạt động này khiến cho quân Minh không thể dò biết được nơi nào là địa điểm tập trung lực lượng của nghĩa quân lam Sơn.

           Sau nhiều lần không xác định rõ căn cứ chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn, tháng 11 năm 1420, quân Minh do Phương Chính chỉ huy mở rộng cuộc tiến công vào những khu vực có hoạt động của nghĩa quân. Nhưng chúng đã bị nghĩa quân mai phục và chặn đánh. Quân Minh lại một lần bị thất bại trươc sự tài tình cầm quân của Lê Lợi.

          Ngày 14 tháng 12 năm 1421 (tức ngày 20 tháng 10 năm Tân Sửu), Lý Bân phái Tham chính Trần Trí điều động một lực lượng lớn gồm quân Minh ở các vệ Giao Châu cùng với thổ quân ồ ạt tiến công căn cứ nghĩa quân ở sách Ba Lẫm.

          Biết rõ ý đồ của quân Minh, Lê Lợi bình tĩnh, chủ động đối phó. Với tư tưởng chỉ đạo sáng suốt, Lê Lợi tập trung lực lượng nghĩa quân tấn công ngay vào quân Minh khi chúng vừa lập trại Kình Lộng. Quân Minh ở Kình Lộng bị nghĩa quân Lam Sơn đánh úp.

          Sau thất bại, quân Minh do Trần Trí chỉ huy lại chuẩn bị các điều kiện đặc biệt là liên kết với các tù trưởng Ai Lao để phối hợp tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn.

          Ngày 5 tháng 2 năm 1422 (tức ngày 24 tháng 12 năm Nhâm Dần) quân Minh do Mã Kỳ chỉ huy hẹn với các tù trưởng Ai Lao tiến đánh doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn ở Quan Du.

          Vừa mới đến sách Khôi được 7 ngày, nghĩa quân Lam Sơn lại bị quân Minh và Ai Lao bao vây. Tình hình nghĩa quân vô cùng nguy cấp “Giặc bốn mặt bổ vây, ta muốn đi mà không biết đi đường nào, đúng như binh pháp gọi là tử địa. Đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết”.

          Với tinh thần dũng khí đó, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã “liều chết đánh giặc”. Trong trận chiến đấu oanh liệt này, nghĩa quân Lam Sơn đã giết chết tướng giặc Phùng Quý, chém hơn nghìn đầu giặc, bắt hơn trăm ngựa. Mã Kỳ, Trần Trí phải bỏ chạy về Đông Quan, quân Ai Lao phải rút về nước.

          Chiến thắng ở sách Khôi đã thể hiện tinh thần quật khởi, sức mạnh của ý chí và quyết tâm chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn. Nhưng nhận thấy thế và lực của nghĩa quân chưa đủ mạnh để tiếp tục đối phó với quân Minh khi bị chúng tập trung lực lượng bao vây, Lê Lợi và nghĩa quân một lần nữa “tính kế lâu dài” rút toàn bộ lực lượng trở về Chí Linh để bảo tồn lực lượng.

          Nhớ về những năm tháng gian lao khổ sở nuôi chí phục quốc năm xưa, Nguyễn Trãi trong một lần đến thăm đã cảm tác làm nên bài thơ “Chí Linh sơn phú” còn lưu truyền đến ngày hôm nay :

          “ …Núi Lam phất cờ, núi Chí Linh đặt nền tảng;

          Như Cối Kê, như Mang Đãng, trước sau chói lọi ánh sáng.”

Chí Linh sơn như ngọn núi thiêng đã 3 lần che chắn cho đoàn nghĩa quân, cho Đức Lê Thái Tổ được an toàn trước giặc hung ác. Dù 3 lần trải qua gian lao và vất vả, nhưng cuối cùng đại nghiệp phục quốc cũng thành, đó có chăng cũng nhờ những lần ẩn mình dưới ngọn núi thiêng.

Trải gần 10 năm chiến đấu gian khổ, nghĩa quân ca khúc khải hoàn năm 1427 bằng sự kiện nhân nghĩa đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dựng nước của ông cha ta Lê Thái Tổ tha chết cho 10 vạn hàng binh nhà Minh được an toàn về nước.

Thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn là thắng lợi của một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mang tính chất nhân dân rộng rãi, là một biểu hiện rực rỡ của sự đoàn kết toàn dân và truyền thống anh hùng của dân tộc, là thắng lợi của trí tuệ và tài năng lỗi lạc về chính trị và quân sự của dân tộc ta.

                                                                                                                                                                                Lê Thị Dịu

                      Tài liệu tham khảo :

1. Đại Việt sử ký toàn thư – Đào Duy Anh

2. Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim.

3. Lam Sơn thực lục – Nguyễn Diên Niên.

4. Lịch sử Thanh Hóa – Ban nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa.

5. Đại Việt thông Sử - Lê Quý Đôn.

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh