Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Cảnh quan và sinh thái đặc biệt ở Lam Kinh phù hợp với du lịch tâm linh và trải nghiệm


Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 200 ha nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) và xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc), tỉnh Thanh Hóa. Với lợi thế về mặt cảnh quan với hệ thống rừng đặc dụng, sông, hồ bao bọc lấy các công trình điện, miếu trung tâm và lăng mộ của các vị vua, hoàng thái hậu, Khu di tích Lam Kinh rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch tâm linh và trải nghiệm.

Để đến với Khu di tích Lam Kinh, từ Hà Nội có hai con đường đi vào: đường phía Đông đi theo cao tốc CT01 đến xã Đông Minh (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) rồi rẽ phải theo Quốc lộ 47 khoảng 25 km là đến Lam Kinh; phía Tây đi theo đường Hồ Chí Minh khoảng 150 km. Từ Thành phố Thanh Hóa đi đường Quốc lộ 47 khoảng 50 km là đến di tích. Từ phía Nam lên đến khu vực huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) thì có hai đường, một đường là theo cao tốc CT01 lên xã Đông Minh (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) rồi theo Quốc lộ 47, đường thứ hai là đường cao tốc CT02 (Quốc lộ 16).

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh nằm trên địa bàn của hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, đây là một vị trí vô cùng đẹp. Từ Khu di tích Lam Kinh đi lên phía bắc sẽ là điểm du lịch Suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cầm Thủy), đi sang phía đông là di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), xuống phía nam là điểm du lịch tâm linh Ngàn Nưa - Am Tiên (huyện Triệu Sơn), phía Tây là Đền Cửa Đạt (huyện Thường Xuân). Với hai tuyến đường lớn là Quốc lộ 47 và đường Hồ Chí Minh đi qua giúp cho Khu di tích Lam Kinh dễ dàng kết nối với các địa điểm du lịch khác.

Theo nhiều ý kiến về phong thủy, nơi đặt lăng mộ vua Lê Thái tổ là huyệt đạo hội tụ linh khí đất trời của vùng đất Lam Sơn. Chính vì vậy mà xuất phát từ Lăng mộ vua Thái Tổ, một tòa thành đã được xây dựng nhằm bảo vệ khí vận của triều Lê. Lấy lăng mộ vua Lê Thái Tổ làm trung tâm và mở rộng ra thành Lam Kinh, có thể thấy Lam Kinh nằm tựa lưng vào chân núi Dầu (núi Lam Sơn). Nhìn sang hai bên, tả có núi Bạch Hổ, hữu có núi Thanh Long tạo nên thế long chầu hổ phục. Ở phía Tây Nam có núi Mục, phía Đông Nam có núi Chủ, hai ngọn núi này là tiền án bảo vệ cho Lam Kinh. Từ phía Tây, sông Chu cùng với nhánh con là sông Ngọc tạo thế tụ thủy với minh đường lớn trước mặt khu di tích.

Bao quanh các công trình kiến trúc của kinh thành Lam Kinh là một màu xanh của hệ thống rừng đặc dụng rộng lớn gồm hàng trăm loài thực vật như cây cối, thảo dược... tạo nên một môi trường sinh thái đặc biệt. Trong đó, rừng cây nguyên sinh có hàng trăm cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm được bảo vệ nghiêm ngặt như lim xanh, đa, duối, sồi... xen kẽ với đó là các cánh rừng tre, luồng. Sự đa dạng của rừng cây Lam Kinh đã thu hút nhiều loài động vật đến đây cư trú như sóc, chồn, rùa, đặc biệt là các loài chim với nhiều chủng loại như họa mi, khứu, chích chòe... Hiện nay, rừng Lam Kinh đã có 18 cây cổ thụ độ tuổi từ 300 - 700 năm. Diện tích rừng rộng lớn cùng sự đa dạng về động thực vật làm phong phú hơn hoạt động tại khu di tích Lam Kinh như khám phá rừng nguyên sinh … Từ đó nâng tầm giá trị của Khu di tích Lam Kinh không chỉ văn hóa mà còn cả về môi trường tự nhiên.

0Để phục vụ cho việc thăm quan Khu di tích cũng như thuận tiện cho công tác bảo vệ rừng, một hệ thống đường đã được xây mới bằng bê tông và được lát đá ở các đường nhánh. Hệ thống đường gồm một đường vành đai chạy xung quanh chân núi Dầu (núi Lam Sơn) và nhiều đường nhánh nối các khu vực chính điện trung tâm với các lăng mộ của hoàng đế, thái hậu, lăng mộ bà hàng Dầu. Hệ thống đường thăm quan được xây mới đã đáp ứng nhu cầu trong việc thăm quan Khu di tích bằng xe điện. Ngoài ra, người dân, du khách có thể thực hiện một số hoạt động thể thao đơn giản như đi bộ, chạy bộ thông qua hệ thống đường.

Giữa màu xanh của rừng núi Lam Sơn, quần thể công trình điện miếu, lăng tẩm nổi lên với màu đỏ của gạch, ngói và lối kiến trúc mang đậm màu sắc Á Đông.

Theo tuyến đường đi bộ từ ngoài vào trong, điểm thăm quan đầu tiên là cầu Bạch bắc qua sông Ngọc, Cầu Bạch (hay còn gọi là Tiên Loan kiều) trước kia được làm bằng gỗ và theo lối “thượng gia hạ kiều”. Cách cầu Bạch không xa là Giếng cổ có từ thời ông cố của vua Thái Tổ là cụ Lê Hối đến Lam Sơn lập làng. Qua cầu Bạch đi theo đường thần đạo là đến Nghi môn (Ngọ môn), Nghi môn có ba cổng với cổng chính cho vua đi, hai cổng bên dành cho văn võ bá quan đi, có một quy tắc khi đến các công trình đình, đền, miếu là đi vào lối bên tả theo hướng nhìn của công trình. Bước qua Nghi môn sẽ là sân Rồng, đây là sân chầu của các quan khi về Lam Kinh, sân Rồng có diện tích lên đến 3600m2, hai bên là dấu tích của hai nhà Tả vu, Hữu vu, ở góc sân Rồng gần Nghi môn là Cây Đa thị có tuổi đời hơn 300 năm.

Bước qua sân Rồng rộng lớn là Khu Chính điện Lam Kinh - công trình quan trọng và bề thế nằm giữa khu trung tâm di tích. Chính điện Lam Kinh được cho là lớn hơn điện Thái Hòa của Kinh thành Huế. Điện được xây dựng theo lối chữ Công (工), gồm Tiền điện (điện Quang Đức), Trung điện (điện Sùng Hiếu) và Hậu điện (điện Diên Khánh). Phía sau Chính điện là khu Thái miếu, khu Thái miếu là nơi thờ các vị vua của nhà Hậu Lê xếp theo hình cánh cung bao bọc Chính điện.

Phần thứ hai khi thăm quan Khu di tích là Lăng mộ của các vị hoàng đế và thái hậu triều Lê Sơ, bắt đầu từ Lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Lăng vua Lê Thái Tổ tọa lạc trên huyệt đạo của vùng đất Lam Sơn, nơi giao hòa của âm dương đất trời, cho nên cây cối trong lăng cũng mang chút linh tính mà tiêu biểu là cây ổi cười. Phía sau lăng vua Thái Tổ, trên đỉnh núi Dầu là lăng mộ bà hàng Dầu - người phụ nữ bán dầu cho nghĩa quân Lam Sơn. Đi về phía tây lăng mộ vua Lê Thái Tổ là lăng mộ vua Lê Hiến Tông, còn ở phía đông là lăng mộ của các vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, và Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Đến với Lam Kinh, thứ tồn tại ở đây không chỉ là các công trình kiến trúc điện miếu, lăng tẩm mà còn là các câu chuyện mang yếu tố tâm linh, kì bí gắn liền với chúng. Không thể không nói tới chính là câu chuyện Cây lim hiến thân để xây dựng tôn tạo Chính điện, câu chuyện về cây ổi cười trong lăng vua Thái Tổ, hay chuyện tình cây Đa - Thị. Những câu chuyện ấy góp phần khoác cho Lam Kinh một chiếc áo mang đầy màu sắc cổ xưa, lại thêm phần huyền ảo.

Hội tụ đầy đủ các yếu tố về mặt sinh thái, cảnh quan cùng quần thể công trình điện miếu, lăng tẩm chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống về tín ngưỡng, nghệ thuật, Khu di tích Lam Kinh rất có tiềm năng trong việc khai thác loại hình du lịch tâm linh và trải nghiệm, trở thành điểm du lịch hấp dẫn quanh năm./.

Cầu Bạch bắc qua sông Ngọc

 

Đường vào Ngọ Môn - Giếng cổ

 

Giếng cổ 

 

Toàn cảnh trung tâm điện miếu

Bài: Nguyễn Văn Huấn

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh