Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

BIA CHIÊU LĂNG VÀ BÀI THƠ CỦA VUA LÊ HIẾN TÔNG


Lê Thánh Tông húy là Tư Thành, con trai thứ tư của Thái Tông, mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Vua sinh ngày 20 tháng 7 năm đại Bảo thứ 3 (1442). Hoàng tử Tư Thành có “Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ ngoài tuấn tú, nhân hậu rạng rỡ, nghiêm trang, thật là bậc thông minh, xứng đáng làm vua, bậc trí dũng để giữ nước”1. Vua là người rất chăm học, thông minh, ít nói, khiêm tốn, có sức thu phục, cảm hóa mọi người.

Năm Thái Hòa thứ 3 (1445) được phong làm Bình Nguyên Vương. Ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) vua lên ngôi ở điện Tường Quang, xưng là Nam thiên Động Chủ, lấy ngày sinh nhật là Sùng thiên thánh tiết. Đổi niên hiệu hai lần: Quang thuận 11 năm và Hồng Đức 28 năm.

Bia Chiêu Lăng (bia Lê Thánh Tông) là một trong sáu tấm bia hiện còn ở khu di tích Lam Kinh. Bia Chiêu Lăng dựng ở trên quả đồi thoai thoải mang tên Gò Đình. Bia Chiêu Lăng nay còn nguyên vẹn, đặt trên lưng rùa và đây là tấm bia có nhiều chữ nhất trong số bia ở Lam Kinh. Theo “bản chữ Hán và bản dịch của tác giả Lê Kim Ngân trong Tổ chức chính quyền Trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Sài Gòn, Bộ Quốc gia Giáo dục, 1963, thì hầu như không có chữ nào bị mất cả”2.

Bia được làm bằng một tấm đá nguyên khối dựng trên một con rùa đá, cao 2,76m, rộng 1,94m, dầy 0,28m. Rùa tạc thân dài ngẩng đầu cao, tư thế vươn về phía trước, thân rùa 2,68m, rộng 1,84m, chiều cao đến lưng rùa 0,05m. Rùa có 4 chân, mỗi chân 5 móng lộ rõ, lưng rùa chạm hoa văn đơn giãn.

Bia dựng hướng Nam, trán tạo hình vòng cung, trang trí ba con rồng. Giữa là rồng lớn, hai bên rồng nhỏ hơn tư thế chầu vào. Một con miệng há đang vươn tới ngậm hạt trân châu, con khác miệng há to phun rửa. Rồng được chạm thân hình uốn khúc bay lượn.

Diềm bia tính từ đỉnh xuống trang trí 6 con rồng. Rồng có tư thế uốn lượn hình yên ngựa, miệng há to phun ra các đao lử tư thế bay lên. Diềm bia trang trí tương xứng 4 con rồng, mỗi bên 2 con chầu vào, phong cách rồng tạo giống diềm bên thân bia. Ở hai bên hông bia trang trí mỗi bên một con rồng lớn tư thế vút cao, đầu chạm hình các đao lửa, đuôi uốn lượn tạo hình tam sơn.

Bia có tên “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi” tên bia được khắc chữ Triện trên đường diềm ngăn cách giữa bia và thân bia từ phải qua trái.

Bia dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời Lê Hiến Tông. Bề tôi vâng soạn văn bia gồm ba vị là thân Nhân Trung, chức Quang kiến đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sỉ kiêm Quốc Tử giám Tế tửu, Chính trị khanh.

Đàm Văn Lễ, chức Thượng thư bộ Lễ, Gia hạnh đại phu kiêm Đông các Đại học sĩ, Khuông mỹ doãn.

Lưu Hưng Hiếu chức Đạt tín đại phu, Đông các Đại học sĩ, tu thiện Thiếu doãn.

Bề tôi vâng viết chữ là Nguyễn Đức Tuyên, chức Mậu lâm lang Trung thư giám Trung thư xá nhân.

Bề tôi vâng viết chữ Triện trên trán bia là Phạm Bảo, chức Cẩn sự tá lang Ngự dụng giám san thư cục Cục chính.

Toàn văn bia khắc kiểu chữ Khải chân, mặt trước khoảng 58 dòng hơn 3.000 chữ, nhiều chữ mờ. Mặt sau chạm mặt sau có tên “Thánh tông Sùng Thiên quảng vận, Cao minh quang chính, Chí Đức đại công, thánh văn thần vũ, đại hiến thần hoàng đế vãn thi” khắc một bài thơ do vua Lê Hiến tông đề, khổ rộng 0,40m, dài 0,80m. Xung quanh bài thơ tạo một đường viền có rồng chầu. Phía dưới có 35 bài thơ của các công thần họa vần (Toàn văn bài minh ca ngợi Hoàng đế Lê Thánh Tông trong sự nghiệp dựng nước).

            "Thiên khai Đại Việt                                 

           Thánh tổ triệu bang                                   

           Thái tông khẳng cấu                                  

           Nhân tông khẳng đường                            

           Thiện kế thiện thuật                                   

           Bất khiên bất vương (vong)                       

           Trùng hy lũy hiệp                                       

           Trị chỉ bình khang                                      

           Lạng Sơn tác nghiệt                                   

           Biến khởi tiêu tường                                  

           Cửu châu tứ hải                                          

           Võng bất tận thương                                   

           Thuế phiệt huân thần                                  

           Đồng tâm xướng nghĩa                               

           Chiến túc cung vi                                        

           Tái an thần khí                                            

           Chưng tai Thánh tông                                 

           Tiên hoàng chi tự                                        

           Tư bẩm thông minh                                    

           Đức toàn dũng trí                                        

           Lịch số tại cung                                           

           Thần dân hề chí                                           

           Ác phù xiển trân  

           Ngưng mệnh chúng vị

           Ân đàm tác giải

           Đạo điệu thể càn

           Kinh luân nhập kỉ

           Tổng lãm hóa quyền.

           Chấp trung kiến cực

           Pháp tổ hiến thiên

           Nhân hoằng dụ hậu

           Hiếu đốc phụng tiên

           Văn chiêu Khuê Bích

           Học tạo uyên nguyên

           Đôn điển sùng lễ

           Viễn nịnh thân hiền.

           Vĩ vĩ tuy du

           Ưu ưu phát chính

           Vị quốc cửa kinh

           Ngự thần bát kính.

           Doãn ly bách công            

           Sủng tuy triệu tính

           Văn giáo đản phu

           Võ công kỳ định

           Sơn Lạo độn tông

           Bồn Man quy mệnh

           Đại úy tiểu hoài                                            

           Khuynh phong ngưỡng kính                        

           Duy bỉ Chiêm khấu                                      

           Lũy thế vi cừu                                              

           Nhiễu ngã Nam bỉ                                         

           Xâm bỉ tứ châu                                              

           Thân đề hổ lữ                                                 

           Cao quá long chu                                           

           Đồ Bàn mạo liệu                                             

           Thi Nại huyết lưu                                            

           Trà Toàn thụ thủ                                              

           Thanh miếu hiến tù                                          

           Vạn lý tịch địa                                                

           Thiên cổ phục thù                                           

           Xuẩn xuẩn Lão Qua                                        

           Ngạnh ngô thanh giáo                                      

           Uyên tẩu bô đào                                              

           Tùng hoàng kiệt ngạo                                      

           Đế hách tư nộ                                                  

           Hưng suy trí thảo                                             

           Bạch mao nhất huy                                          

           Tiền qua tận đảo                                              

           Trúc phá khôi phi 

            Đình lê huyệt tảo                                              

           Tam thùy tức phân                                             

           Cửu Di thông đạo                                               

           Thế đăng Hiên tự                                                

           Tục vãn Ngu Chu                                                

           Thâm nhân hậu trạch                                            

           Thùy tứ thập thu.                                                 

           Đỉnh hồ đan thục

           Thừa vận thượng du  

           Bát âm át mật   

           Vạn tính bi ưu  

           Trừ hoàng kế thống   

           Nhân vọng túc phu

           Tam niên tang chế

           Hiếu trị đốc tu

           Nhân sơn hữu kỳ

           Đồng quỹ tất chí

           Tố mạc di tuần

           Lam Sơn lệ chỉ

           Cung kiến y quan

           Vu tư vĩnh bí

           Liệt thánh viên lăng

           Đông hồi tây nhĩ

           Viết thược viết từ

           Tuế thời hưởng tự

           Lai yến lai ninh

           Tỷ hưu tôn tử

           Đế chi linh sảng

           Rắc giáng tại đình

           Đế chi huân đức

           Cổ kim mạc kinh

           Càn khôn đồng đại

           Nhật nguyệt tịnh minh

           Nguy nguy đãng đãng

           Bút trát nan danh

           Kính thuật ngạnh khái

           Vĩnh lặc kiên trinh

           Thiên trường địa cửu

           Đột ngột nham quỳnh”3.

Con trưởng Hoàng đế Lê Thánh Tông là Hoàng Thái tử Lê Tranh, lại có tên là Huy, lên kế nghiệp, là tác giả bài thơ viếng cha (được khắc mặt sau của bia).

“Mọi loài đều bước lên cõi thọ

Dấy hưng triều đại ba mươi tám năm hết sức cao đẹp.

Đạo thánh sáng rực soi thủa trước ngàn năm nắm vững vận nước

Võ đã ổn định biên thùy phái Nam, công lao muôn đời.

Cung nữ gần gũi buông rủ mành trúc sông Tương

Các bậc công thần từ xa ngưỡng trông Cung nỏ hồ Đình.

Bậc con hiếu vừa lên nối ngôi cao cả.

Đau thấu tới trười xanh khôn cùng tả xiết”4.

Bia Chiêu Lăng là một trong 5 tấm bia được thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận bảo vật quốc gia tại Lam Kinh: Bia Vĩnh Lăng (bia vua Lê Thái Tổ) công nhận năm 2013, bia Khôn Nguyên Chí Đức (Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao) năm 2015, bia Chiêu Lăng (bia vua Lê Thánh Tông) công nhận năm 2016, bia Dụ Lăng (bia vua Lê Hiến Tông) năm 2017, bia Kính Lăng (bia vua Lê Túc Tông) năm 2020./.

Chú thích:

  1. 1. Đại việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb khoa học xã hội nhân văn, 1998, tr.393.
  2. 2. Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 2, 2013, tr.37
  3. 3. Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 2, 2013, tr.58,59,60,61,62,63.
  4. 4. Di sản văn hoá xứ Thanh, Nxb Thanh Niên, 2003, tr.87,88.

Bài: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

 

 

 

 

 

 


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh