Khu di tích Lam Kinh
Đặt phiên bản Bia Lê Lợi tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh
Chiều ngày 16/9, UBND tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Lai Châu vừa phối hợp tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận phiên bản Bia Lê Lợi huyện Sìn Hồ tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh.
Phiên bản Bia Lê Lợi được làm bằng đá gốc nơi bia cũ trên đỉnh Pú Huổi Chõ (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Văn bia được viết bằng chữ Hán gồm 132 chữ, tạc trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,2m x 0,8m.
Bia Lê Lợi ở huyện Sìn Hồ là bút tích của Thái Tổ Cao Hoàng Đế ở nơi xa nhất của Tổ quốc. Trong đó có 3 câu thơ: "Núi sông ta vào một bản đồ/ Khắc trên đá núi bài thơ/Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng"... đã giúp chúng ta hiểu thêm công lao của vua Lê Thái Tổ về tư tưởng khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững biên cương, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người anh hùng đất Lam Sơn.
Các vị lãnh đạo hai tỉnh bên phiên bản Bia Lê Lợi tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh
Đây là món quà của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu tặng đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nhân dịp lễ kỷ niệm 578 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi - Thái Tổ Cao Hoàng Đế.
Được biết, Bia Lê Lợi ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1981. Bia Lê Lợi được làm thành 3 phiên bản: Một bản được tỉnh Lai Châu đặt tại Đền thờ Lê Lợi, một bản tặng di tích Tượng đài Lê Thái Tổ tại Hà Nội và một bản tặng tỉnh Thanh Hóa.
Lễ bàn giao đã diễn ra trang nghiêm thành kính tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Phiên bản Bia Lê Lợi được đặt long trọng ngay trong khuôn viên Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân , tỉnh Thanh Hóa.
BÀI THƠ KHẮC TRÊN ĐÁ CỦA ĐỨC THÁI TỔ CAO HOÀNG ĐẾ LÊ LỢI.
Anh hùng dân tộc Lê Lợi( Lê Thái Tổ; Bình Định Vương; Ngọc Hoa Động Chủ), người đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt tiến hành cuộc kháng chiến 10 năm chống lại ách đô hộ của nhà Minh ( năm 1418 - 1428), giành lại độc lập cho dân tộc. Khai mở ra triều Hậu Lê, triều đại phát triển rực rỡ nhất của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, ông lên ngôi Hoàng đế và tiến hành ổn định tình hình trong nước. Mùa Đông năm 1431, ông dẫn đại binh ngược dòng sông Đà lên Tây Bắc dẹp loạn Đèo Cát Hãn, một tù trưởng đã nổi loạn chống lại triều đình từ thời nhà Hồ, thu giang sơn về một mối. Lịch sử Tây Bắc ghi nhận ông là vị Hoàng Đế đầu tiên và duy nhất trực tiếp lên Tây Bắc ổn định nơi phên dậu phía tây của đất nước. Từ lâu, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã thờ ông làm thành hoàng. Chuyến Tây chinh của ông và đoàn quân Tây tiến, đã được truyền tụng bằng những câu chuyện đẫm chất huyền thoại và lãng mạn giữa nhà Vua và bà Chúa Thác bờ. Đặc biệt là tại nơi đầu nguồn sông Đà, nơi giáp với biên giới. Đức Vua đã cho khắc bài thơ của ông vào vách đá ngọn núi PuHuổiChổ bên bờ sông( nay là xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Đây là một áng hùng văn, nói lên sức mạnh và ý chí của vị Vua anh minh. Đại diện cho ý chí độc lập tự cường của người dân nước Việt. Trải qua gần 600 năm, bài thơ vẫn tồn tại trấn giữ phía Tây Bắc của đất nước.
Thời gian gần đây, do nhà nước xây công trình thuỷ điện Sơn La. Nên khi ngăn dòng, quả núi nơi khắc bài thơ sẽ nằm trong lòng hồ và bị ngập sâu trong nước. Nhà nước đã cho di dời tấm bia lên vị trí cao gần nơi nó đã tồn tại gần 600 năm. Với mong muốn đem đến cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến một áng thiên cổ hùng văn của vị Hoàng đế lỗi lạc. Công ty cổ phần Pusamcap và gia đình ông Lê Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT công ty, đã tiến hành khai thác phiến đá từ chính phần thân của bia Lê Lợi để lập nên phiên bản bài thơ từ nguyên gốc. Với sự giúp đỡ của các Giáo sư, chuyên gia của viện Hán - Nôm. Ba phiên bản bia đã được hoàn thành, phiên bản đầu tiên đã gửi tặng nhân dân Thủ đô đúng vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những phiên bản còn lại, được tiếp tục gửi tặng cho tỉnh Lai Châu và đặc biệt là dâng tặng khu di tích lịch sử văn hoá Lam Kinh nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nơi thờ đức Thái Tổ Lê Lợi và các Hoàng đế nhà Lê.
Dưới đây là phiên âm và bản dịch của bài thơ do nhà thơ Trần Lê Văn dịch. PGS, TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán - Nôm) sưu tầm bổ sung:
Phiên âm:
Di địch chi vi biên hoạn tự cổ hữu chi, Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết, ngã Tây Việt chi mường Lễ chư man thị dã. Khoảnh do Trần, Hồ suy chính, phiên thần bạt hỗ, Cát Hãn nữu ư cựu tập, phụ cố phất tuẫn, dư kim suất vãng chinh thủy lục tịnh tiến, nhất cử tựu binh, nhân tả nhất luật, khắc chi vu thạch, dĩ giới hậu thế man tù chi ngạnh hóa giả, vân:
Cuồng tặc cảm bô chu,
Biên manh cửu hễ tô.
Bạn thần tòng cổ hữu,
Hiểm địa tự kim vô.
Thảo mộc kinh phong hạc,
Sơn xuyên nhập bản đồ,
Đề thi khắc nham thạch,
Trấn ngã Việt Tây ngu.
Tân Hợi quý đông cát nhật
Ngọc Hoa Động Chủ đề.
Dịch nghĩa:
Dân di địch là mối họa ở vùng biên giới, từ cổ đã có, như Hung Nô đời Hán, Đột Quyết đời Đường và các tộc người man ở miền Tây nước Việt ta. Ít lâu do chính sự cuối đời Trần, Hồ suy yếu, bọn phiên thần hung hăng táo tợn, Cát Hãn khư khư giữ tật cũ, ngoan cố không sửa đổi. Nay ta đem quân tiến đánh, hai quân thủy bộ cùng tiến. Đánh một trận là dẹp yên ngay. Nhân làm một bài thơ luật, khắc vào đá núi để răn các tù trưởng đời sau ngang ngạnh phải tuân theo đức hóa.
Thơ rằng:
Giặc điên cuồng tránh sao khỏi sự trừng phạt,
Dân biên thùy từ lâu mong đợi được cứu sống.
Bề tôi làm phản từ xưa vẫn có
Đất hiểm trở từ nay chẳng còn
Gió thổi, hạc kêu, cũng làm cho giặc sợ hãi
Sông núi đất này vào chung một bản đồ.
Đề thơ khắc vào đá núi
Trấn giữ miền Tây nước Việt ta.
Ngày lành tháng cuối đông năm Tân Hợi (1/1432)
Ngọc Hoa Động Chủ đề
Dịch thơ:
Bọn giặc dữ tránh sao trừng phạt
Dân biên thùy khao khát chờ ta
Lạ chi thói kẻ gian tà
Từ nay đất hiểm hóa ra yên lành
Tiếng gió, hạc đủ kinh hồn giặc
Núi sông ta vào một bản đồ
Khắc trên đá núi bài thơ
Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng.
Ngày lành, tháng 1 năm 1432
Ngọc Hoa Động Chủ đề
TIN TỨC KHÁC
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh