Khu di tích Lam Kinh
Thiêng liêng và hoành tráng lễ hội Lam Kinh
Sau thắng lợi của sự nghiệp bình Ngô, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế ở Đông Kinh- Thăng Long( Hà Nội ngày nay), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, xưng là Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại việt, mở ra thời kì thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam. Như một hệ quả tất yếu của đạo lý uống nước nhớ nguồn, việc tế lễ ở trại núi Lam xưa- nơi dòng họ của vương triều đã lập nên nghiệp đế là việc làm quan trọng của triều đình nhà Hậu Lê.
Lam Kinh là quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở những năm đầu của thế kỷ XV.
Sau thắng lợi của sự nghiệp bình Ngô, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế ở Đông Kinh- Thăng Long( Hà Nội ngày nay), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, xưng là Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại việt, mở ra thời kì thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam. Như một hệ quả tất yếu của đạo lý uống nước nhớ nguồn, việc tế lễ ở trại núi Lam xưa- nơi dòng họ của vương triều đã lập nên nghiệp đế là việc làm quan trọng của triều đình nhà Hậu Lê.
Từ khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1433) được đưa về Lam Kinh an táng, cũng từ đây Lam Kinh trở thành khu sơn lăng - nơi an táng các vị vua đầu triều Hậu Lê và Hoàng hậu, thì việc tế lễ ở đây được chú trọng. Để thuận lợi cho việc nghĩ ngơi mỗi lần các vua, quần thần về quê bái yết sơn lăng và tôn kính tổ tiên, nhà Lê Sơ đã cho xây dựng nhiều công trình như điện, miếu thờ, hành cung... Lam Kinh được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau Thăng Long - Đông Đô.
Lễ hội Lam Kinh bắt đầu từ khi vua Lê Thái Tổ băng hà được đưa về an táng tại Lam Kinh năm 1433. Từ đó, các đời vua sau và con cháu của ngài hàng năm vào ngày huý kị (21, 22 tháng 8 âm lịch) đều về Lam Kinh làm giỗ.
Lễ hội Lam Kinh chính là lễ kỷ niệm ngày mất của vua Lê Thái Tổ. Hàng năm cứ đến ngày này, từ vua chúa đến con cháu trong hoàng tộc luôn ghi nhớ điều căn dặn của vua Lê Thái Tổ nói khi trao áo bào cho Lê Lai đóng giả Lê Lợi xông ra chiến trận: Sau này khi ta chết nhớ làm giỗ Lê Lai trước ta một ngày. Từ đó, câu ca "hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi" đã in đậm trong tâm thức mỗi người con đất Việt từ đời này qua đời khác. Đây chính là nét đẹp truyền thống, là đạo lý nhân văn ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Theo thông lệ, sáng ngày 21 tháng 8 âm lịch hàng năm làm giỗ Trung Túc Vương Lê Lai tại đền thờ ngài ở làng Tép - xã Kiên Thọ - huyện Ngọc Lặc, buổi chiều rước thánh vị, kiệu về đền thờ Lê Thái Tổ ở xã Xuân Lam, đến sáng ngày 22 rước ngài vào dự lễ chính kị đức vua Lê Thái Tổ tại Chính Điện Lam Kinh.
Lễ hội Lam Kinh gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội
Phần lễ:
Phần Đại lễ của lễ hội Lam Kinh diễn ra tại sân Rồng vào ngày 22 tháng 8 âm lịch. Trong không khí tôn nghiêm, thành kính bởi âm thanh của trống, chiêng, đoàn rước kiệu vua Lê Thái Tổ và kiệu Lê Lai cùng quân kiệu, quân cờ xuất phát từ đền thờ vua Lê Thái Tổ theo đúng nghi thức cổ truyền về sân Rồng Lam Kinh để hành lễ.
Đội tế gồm có 49 người thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh của 3 đội: làng Cham, làng Tép và xã Xuân Lam phối hợp thực hiện bài tế.
Đội rước kiệu có 2 đội: Đội rước kiệu vua Lê Thái Tổ, đội rước kiệu Lê Lai gôm có 16 đến 18 người, với trang phục áo đỏ, thắt lưng đỏ, quần vàng, khăn vàng ngay ngắn khênh kiệu của vua Lê Thái Tổ, kiệu của Trung túc vương Lê Lai được đặt trước sân rồng, Thánh vị đặt lên hương án và nghi thức tế lễ chính thức bắt đầu.
Chủ tế đọc chúc văn, nêu lên công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và vương triều Hậu Lê trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Sau bài chúc văn, các đại biểu cũng như du khách thập phương dâng hương tại hương án Chính Điện, chín toà Thái Miếu và lăng mộ vua Lê Thái Tổ.
Sau ngày Đại lễ đoàn rước kiệu sẽ rước kiệu về đền thờ vua Lê Thái Tổ và đền thờ Lê Lai để làm lễ yên vị.
Nhìn chung, đây chính là nét đẹp truyền thống về văn hoá tâm linh mà chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong lễ hội Lam Kinh.
Phần hội:
Phần hội được tiếp nối sau phần Đại lễ với các chương trình tái hiện lại các sự kiện: "Hội thề Lũng Nhai", Dòng suối " Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần", "Lê Lai cứu chúa", "Giải phóng thành Đông Quan", hay "vua Lê Thái Tổ đăng quang"... Tiếp đến là các trò diền dân gian đặc trưng của xứ thanh như: Trò Xuân Phả, trò chiềng, múa Rồng, Trống hội; Dân ca dân vũ Đông Anh;Trò Bình Ngô... Bên cạnh đó, còn tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian như: Ném còn, bắn nỏ, múa Pồn Pông...
Có thể nói, lễ hội Lam Kinh là di sản văn hoá có vị trí đặc biệt quan trọng trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Đến với lễ hội Lam Kinh là tìm về cọi nguồn để mà tự hào, để mà tri ân bằng tất cả lòng thành kính tôn vinh và sự biết ơn vô hạn về sự nghiệp lẫy lừng mà tổ tiên ông cha ta đã bền bĩ tạo dựng, gìn giữ và truyền lại cho con cháu muôn đời sau. Hi vọng rằng, Lam Kinh- vùng đất " địa linh nhân kiệt" sẽ mãi mãi là điểm hẹn văn hoá, lịch sử lý tưởng cho du khách thập phương, bạn bè quốc tế viếng thăm, là điểm hẹn tâm linh, nơi đi về cho những người con xứ Thanh và nhân dân trên mọi miền tổ quốc mỗi lần tri ân nhớ về tiên tổ.
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh