Khu di tích Lam Kinh
LÀNG PHỤNG DƯỠNG GẮN VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN
Tại vùng đất của xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Lê Lợi đã chọn vị thế hiểm trở này làm nơi dưỡng thương cho nghĩa quân mỗi khi có nghĩa quân bị thương và đau ốm. Theo tư liệu dân gian cho biết: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra (1418), Lê Lợi và nghĩa quân chiến đấu anh dũng, chống lại giặc Minh xâm lược, từ trên làng Mé (Lũng Mi), Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn di dời xuống vùng đất Phụng Dưỡng lập trại để chữa trị cho những binh lính bị thương và điều dưỡng nghỉ ngơi. Nhân dân trong làng đã tận tụy giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn về lương thực và bảo vệ an toàn cho nghĩa quân. Để nhớ ơn nhân dân đã có công lao che chở, giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi đặt đã tên là làng Phụng Dưỡng.
Đặc biệt, trên địa bàn xã Ngọc Phụng hiện còn tồn tại một khu mộ cổ, được đánh dấu bằng những phiến đá to nhỏ xẻ dọc và cắm thẳng xuống đất. Khu mộ nằm cách chân dãy Pù Mé khoảng 800m, rộng chừng 11.300m2. Truyền thuyết kể lại rằng, đây là khu mộ chôn những nghĩa quân Lam Sơn hy sinh trong các trận đánh quanh vùng này. Các nhà nghiên cứu sau này đưa ra giả thuyết, sở dĩ ngôi làng kế bên làng Mé mang tên Phụng Dưỡng là bởi rất có thể đấy là nơi cứu chữa, chăm sóc những nghĩa quân Lam Sơn bị thương và khu mộ cổ chính là nơi chôn cất những nghĩa quân đã hy sinh. Cùng với đó, người dân ở đây còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như làng Phụng Dưỡng, Hòn mài mực, suối Khao, chòm Nhân, hòn Ngồi, cánh đồng Chó...
Trải qua thời gian cùng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi về mặt địa danh hành chính cho nên tên làng Phụng Dưỡng đã được đổi thành thôn Xuân Thắng, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, cách di tích lịch sử Lam Kinh khoảng 10km.
Hiện nay, thôn Xuân Thắng có một trạm y tế xã đặt tên là “Trạm y tế Phụng Dưỡng".
Bài: Trình Thị Luận
Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh