Khu di tích Lam Kinh
HỘI THỀ LŨNG NHAI
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi khởi xứng và lãnh đạo đã giành thắng lợi vào năm Mậu Tuất (1428), mở ra một triều đại mới – triều đại Hậu Lê tồn tại 360 năm trong lịch sử dân tộc. Có thể nói, ngòi nổ có tính bản lề đặt nền móng cho cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược là Hội thề năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 18 hào kiệt đã thề cùng sông núi trên một địa điểm gọi là Lũng Nhai. Viện sử học – Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân huyện Thường Xuân đã tổ chức hội thảo khoa học “Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn”, tổ chức tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ngày 20 tháng 7 năm 2013, các nhà khoa học đã đưa ra thống nhất “Hội thề Lũng Nhai” diễn ra lại làng Lũng Nhai (tức Lũng Mi còn gọi là làng Mé nay thuộc xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân ngày nay) làm lễ cáo trời đất, kết nghĩa anh em quyết tâm đánh giặc cứu nước.
Làng Lũng Nhai, thuộc hương Lam Sơn xưa, là địa điểm kín đáo, ẩn sâu trong rừng núi có Sông Âm bên hữu ngạn và tả ngạn sông Lương, cách Lam Sơn khoảng 10 km về phía Tây. Trong Hội thề, trước thần linh sông núi và 18 người yêu nước cùng Lê Lợi tuyên đọc lời thề:
Niên hiệu Thiên Khánh thứ nhất, năm Bính Thân, tháng 2 qua ngày Kỷ Mão là ngày sóc, đến ngày 12 là Canh Dần.
Phụ đạo lộ Khả Lam nước A Nam là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lộ, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Tiến (in bản đầu đọc là Trãi, theo Lam Sơn thực lục Nguyễn Diên Niên trang 100), Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo thiên Thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi ở các xứ nước ta.
Cúi xin chứng giám cho:
Rằng có bạn ở phương xa đến, kết giao vui vẻ, cùng giữ lòng tin. Vì thế phải có lễ tấu cáo.
Nay ở trong nước, tôi là phụ đạo Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người. Tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành.
Phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình như cùng một họ.
[Có kẻ] bằng đảng xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại, nên Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước cho xóm làng được yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt.
Tôi cúi xin trời đất và các vị thần linh chứng dám, ban cho trăm phúc, đến thân mình, nhà mình, con cháu trong họ hàng đều được yên vui hưởng lộc trời.
Nếu như Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến sinh lòng này khác, cầu ơn hiện tại, núp bóng quân thù, không cùng một lòng, quên lời thề ước. Chúng tôi nguyện trời đất và các vị thần linh giáng trăm tai ương trị mình cho đến họ hàng, con cháu đều bị tru diệt, chịu hết hình phạt của trời.
Kính xin có lời thề”1.
Chính lòng yêu nước và chí căm thù quân giặc Minh đã khiến những con người có thân phận khác nhau ấy gặp gỡ rồi trước trời đất họ cùng nhau nắm tay thề kết nghĩa anh em: “kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành, mong có tình như cùng chung một họ”. Tất cả để chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn mà 19 con người này sẽ là những hạt nhân để làm nên thắng lợi cho cuộc chiến tranh giải phóng trường kỳ gian khổ.
Tài liệu tham khảo :
- Trích “Khởi nghĩa Lam Sơn” Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr 131 – 132.
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh