Khu di tích Lam Kinh

Loading...

Danh tướng Lê Khôi và đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương

       Lê Khôi người làng Lam Sơn, huyện Thuỵ Nguyên, tỉnh Thanh Hoá (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Ông là con trai của Lê Trừ (anh trai của Lê Lợi) gọi Lê Lợi bằng chú, là người tiên phong dưới lá cờ Khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỉ XV (1418). Lê Khôi là người có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh góp phần bình định yên cương của nước Đại Việt từ Thạch Lâm thuộc Thái Nguyên đến Châu Hoá giáp Chiêm Thành và phần biển rộng lớn từ miền Trung trở vào phía nam nước ta. Ông làm quan suốt 3 đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông.

       Năm 1427 trong trận Xương Giang, ông đã cùng tướng Phạm Vấn cầm quân chi viện cho Lê Sát, Trần Nguyên Hãn đánh tan quân giặc, bắt sống đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tù binh giặc, góp phần giải phóng Đông đô. Nhờ những công lao ấy, năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Lê Khôi được ban chức Kỳ Lân Hổ Vệ Thượng Tướng Quân, Tổng quản hành quân Nhập nội Thiếu uý, sau lại thăng Tư Mã và thưởng Kim phù, áo bào.

       Năm 1430, Lê Khôi được trao trấn thủ Hóa Châu. Bấy giờ, Hóa Châu là vùng giáp giới với Chiêm Thành. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: "Vua thấy nước nhà mới định, người Man chưa hoàn toàn thuận theo, mà đất Hóa Châu lại giáp với Chiêm Thành, cho nên, muốn sai một chức quan lớn đi làm Trấn Thủ. Ông đến nơi, bãi bỏ trạm gác và sự xét hỏi nghiêm ngặt, chỉ lo đi chiêu mộ dân lưu tán về làm ăn, khuyên bảo dân chăm làm ruộng, trồng dâu, huấn luyện sĩ tốt để giữ yên bờ cõi. Ông xử việc nghiêm trang và giữ chữ tin nên được dân rất yêu kính".

       Năm 1437, Lê Thái Tông lại tiến phong Nhập nội Tư mã tham tri chính sự, coi việc quân các vệ Tây đạo, sau lại phong Nhập nội Đô đốc, tham dự triều chính. Năm 1443, vua Chiêm đem quân sang cướp thành Châu Hoá, thành An Dương phía Nam nước Đại Việt, Vua liền cử ông thống lĩnh đại quân đi dẹp giặc. Sau khi thắng giặc, ông được vua Lê Nhân Tông tiến phong ông Nhập nội, tham dự triều chính, vẫn lưu ở Nghệ An. Chỉ vài năm làm công bộc chăm dân ở đây, ông đã nổi tiếng bởi sự công minh, chính trực, chú trọng phát triển nông nghiệp, lo cuộc sống cho dân "nhà nhà ấm no, không lo trộm cướp".

        Năm 1446, ông phụng mệnh vua Lê Nhân Tông cầm quân cùng các tướng Nguyễn Chích, Nguyễn Xí đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa bắt được chúa Chiêm là Bí Cai. Trên đường thắng trận trở về, ông bị bệnh nặng rồi mất ở chân núi Long Ngâm, cửa biển Nam Giới (cửa Sót) thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Thương tiếc vị tướng tài - đức song toàn, binh sĩ kêu gào dậy sóng một vùng Cửa Sót. Vua quan thương xót vô hạn, vua Lê Nhân Tông đã cho để quốc tang ông trong 3 ngày. Người dân biển cửa Sót cùng các tướng lĩnh đã chôn cất và lập đền thờ ông trên đỉnh núi Long Ngâm, hàng năm tổ chức tế giỗ trang trọng, uy nghiêm.

       Năm Quang Thuận thứ 4 (1463) vua Lê Thánh Tông ngự giá thăm đền, viếng mộ, ngự chế bài thơ Quốc âm đề vịnh, sắc cho Đô úy Bảng nhãn Nguyễn Như Đồ soạn văn bia để khắc ghi công trạng của ông nơi đền thờ tại biển Nam Giới (cửa Sót). Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) phong tặng "Chiêu Trưng Đại Vương".

Toàn cảnh  đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương (Lê Khôi)

        Đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương thuộc xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay được xem là 1 trong 4 ngôi đền linh thiêng tại vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh. Đền thờ được xây dựng xong năm Đinh Mão (1447), một năm sau khi Lê Khôi mất. Kết cấu đền gồm 3 tòa và lăng mộ (tiền miếu hậu lăng). Nếu đi đường thủy, sau khi rời bến thuyền ngoặt vào núi Long Ngâm, du khách bước qua 23 bậc đá để lên đền. Trước đền là cổng Tam quan, cột nanh có Nghê chầu, sau là Nhị hầu. Phía đông là nhà đặt bia khắc bài thơ nôm của vua Lê Thánh Tông đề tặng năm Đinh Mão (1447). Đền Chiêu Trưng Vương không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng mà còn nổi bật ở giá trị kiến trúc.

       Nghệ thuật điêu khắc ở đền Chiêu Trưng, đặc biệt ở trung điện hết sức tinh tế, công phu, điêu luyện. Ngoài các hình tượng bát tiên quả sơn, bát tiên quá hải, tứ linh, bát bảo quen thuộc của nhiều ngôi đền ở Việt Nam, thì tại đây còn có nhiều hình tượng khác mang đậm nét văn hóa dân gian như: nữ công đánh đàn Nguyệt, nữ công thổi sáo, vũ nữ, lưỡng long chầu nguyệt, phượng hàm thư, tiên đánh cờ, tiên cưỡi hạc; các hình giống như voi, hươu..., đặc biệt là tạc tượng 2 võ sĩ Chàm.

Đường vào cổng Tam quan đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương (Lê Khôi)

       Đền Trung có 3 gian điện thờ. Thượng điện treo tấm biển của vua Lê Thánh Tông ban: "Nam thiên tuấn vọng". Trên hương án sơn son thiếp vàng là bức tượng Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi cao gần 1m, bằng gỗ trầm hương, nét chạm đẹp, vẻ mặt trang nghiêm mà phúc hậu. Dưới bệ tượng thờ là hòm đựng 21 sắc phong của nhiều đời vua ban cho ngôi đền. Sắc phong sớm nhất có niên đại Cảnh Hưng thứ 4 (1783). Nội dung các sắc phong đều ghi Lê Khôi được phong là "Thượng Thượng Thượng đẳng thần tối linh".

       Lăng mộ của Đại vương ở phía sau thượng điện trang trọng, uy nghiêm. Sau hương án là lối vào có hai hổ chầu hai bên. Ở hai cột nanh có khắc đôi câu đối: "Yên chức hào kiệt/Chiến tích anh hùng".

      Đối với ngư dân vùng biển cửa Sót, việc cúng giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi không chỉ là một nét văn hóa tâm linh mà còn thể hiện lòng thành kính, tri ân của hậu thế đối với vị tướng tài ba, lỗi lạc đã trở thành vị thần trấn giữ cửa biển, bảo vệ bình an cho cuộc sống của bà con nơi đây. Lễ hội đền Lê Khôi hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa dân gian đặc trưng, gắn bó mật thiết, truyền từ đời này qua đời khác của ngư dân Hà Tĩnh. Thông qua lễ hôi, bà con cầu mong một năm đi biển mưa thuận gió hòa, bình an, hải sản đầy thuyền...

        Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi thường có 3 kỳ lễ chính:

        Lễ Thưởng Xuân (còn gọi là Khai Ân) diễn ra ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch;

        Lễ hội chính tưởng niệm ngày mất của Lê Khôi, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch;

        Lễ Hạp Ấn diễn ra ngày 25 tháng 12 âm lịch, là lễ báo ân, báo đáp của nhân dân lên Đức Thánh sau một năm làm ăn gặp nhiều may mắn.

       Vào kỳ lễ chính hàng năm được tổ chức ở chân núi Long Ngâm, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh chia thành 2 phần: phần lễ và phần hội.

Nghi thức rước kiệu lễ hội đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương (Lê Khôi)

       Phần lễ được thực hiện bằng nghi thức rước kiệu. Lễ rước kiệu được chuẩn bị công phu, mỗi đoàn rước có hơn 100 người, đi bằng 5-7 thuyền mỗi đoàn. Trong đoàn rước, nữ mặc áo dài, đầu đội khăn xếp, nam mặc quần áo binh lính, màu vàng có chỉ nẹp dải đỏ, đội nón gõ sơn, mang kiếm, đao, chùy, giáo đi đầu đoàn rước. Đoàn rước kiệu còn có phường bát âm nhạc lễ, tàn, lọng, cờ, đồ tế khí...

       Phần hội diễn ra sôi nổi bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao như thi bơi thuyền, đi cà kheo, cầu kiều, đánh cờ thẻ, cờ người và bóng chuyền bãi biển.

      Trải qua bao thế sự trầm luân, song với những đóng góp to lớn của Chiêu Trưng Đại vương, ngôi đền vẫn sừng sững, uy nghi và người đời còn vang vọng mãi câu thơ: "Đức dày tiếng thơm ghi sử sách Phúc yên lưu dấu thấm nhân dân"./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2

2. Danh tướng Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần, tập 2

3. Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn

4. Lịch triều hiến chương loại chí - Phan Huy Chú

5. Lam Sơn thực lục - Nguyễn Trãi

6. Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn, tập 2

Bài, ảnh: Trịnh Phương

Cán bộ Phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    [email protected]

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh