Khu di tích Lam Kinh
ẤN TÍN TRIỀU HẬU LÊ
Sự hình thành và phát triển của ấn tín gắn bó chặt chẽ với chế độ xã hội trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tôn giáo… Ấn tín không chỉ mang ý nghĩa đánh dấu tín vật làm bằng chứng mà còn thể hiện rõ chức năng biểu thị quyền lực, pháp chế, tăng thêm tính pháp quyền của nhà nước phong kiến.
Ấn tín của các đời vua Việt Nam từ triều Lê về trước, đến nay không còn nữa, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu qua những gì ghi lại trong sử sách.
Thời Lê, đến đời vua Lê Thái Tông lên ngôi, vào ngày mồng 6, tháng 3, năm Thiệu Bình thứ 2 (1435) mới đúc xong ấn báu. Vua Lê Thái Tông sai Hữu bật Lê Văn Linh đến Thái miếu làm lễ tế cáo.
Thời Hậu Lê có tổng cộng 6 ấn tín, cả 6 chiếc ấn tín đều được đúc bằng vàng, bạc. Các ấn tín này được quy định dùng cho công việc quan trọng, ở mỗi thời điểm khác nhau.
- Ấn “Thuận Thiên thừa vận chi bảo” (tức ấn “Thay trời nối vận”), ấn này được cất đi chờ khi nào truyền ngôi mới dùng.
- Ấn “Đại thiên hành hóa chi bảo”, ấn này được dùng vào việc đánh dẹp.
- Ấn “Chế cáo chi bảo” ấn dùng đóng vào bài chiếu hoặc bài chế.
- Ấn “Sắc mệnh chi bảo”, ấn này được dùng khi các sắc dụ và hiệu lệnh thưởng, phạt cùng các việc lớn.
- Ấn “Ngự tiền chi bảo”, dùng đóng vào giấy tờ sổ sách.
- Ấn “Ngự tiền tiểu bảo”, ấn dùng khi có việc cơ mật.
Đến đời vua Lê Thánh Tông, tháng 12, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua đưa ấn “Thiên Nam Hoàng đế chi bảo” cho các tế thần xem để cùng bàn.
Quyền Thượng thư bộ Hộ là Nguyễn Cư Đạo nói “Ấn của Hoàng đế là ấn truyền quốc, nhưng hai chữ (Thiên Nam) hình như hơi mới lạ, không bằng dùng các chữ “Thuận Thiên thừa vận chi bảo” rất hàm súc, rất ý nghĩa”. Vua Lê Thánh Tông mới dụ các quan rằng: “Mới rồi, ấn truyền quốc đã sai quan bí thư là bọn Lương Như Hộc xét trong sách “Văn hiến thông khảo” để đúc, gọi là “Hoàng đế thụ mệnh chi bảo”; các quan tể thần bàn thế nào, thì hãy tâu lên”.
Ấn tín triều Hậu Lê là vật biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế và của cả triều đại. Ấn có một giá trị đặc biệt khi vương triều Hậu Lê còn đang cai trị, là tín vật biểu hiện cho quyền uy, quyền lực của vương triều.
Hiện nay, ấn tín không còn nữa, nhưng trên các sắc phong thời Lê Trung Hưng vẫn còn lưu giữ những dấu ấn “ Sắc mệnh chi bảo” hình vuông, khắc chữ dạng triện thư. Đây cũng là tư liệu quý lưu truyền giá trị di sản, lịch sử làm phong phú thêm cho Di sản Văn hóa Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
- Khâm định việt sử Thông giám cương mục
- Đại việt sử ký toàn thư
Bài viết: Trình Thị Luận - PT Phòng Nghiệp vụ Ban QLDTLK
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh