Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

TRẦN NGUYÊN HÃN


Trần nguyên Hãn quê ở Sơn Đông, Lập Thạch - Vĩnh Phúc, ông thuộc dòng dõi tư đồ Trần Nguyên Đán. Trần Nguyên Hãn là người học rộng tài cao, giỏi binh pháp. Sau khi triều nhà Hồ sụp đổ, Quân xâm lược Nhà Minh, ra sức đàn áp, bóc lột, vơ vét của cải, dầy xéo đất nước ta, khiến cho trăm họ phải lâm vào cảnh lầm than. Trước tính cảnh đó, Trần Nguyên Hãn luôn ấp ủ lòng căm thù giặc, nuôi chí lớn chờ thời cơ để cứu dân giúp nước.

             Trần nguyên Hãn quê ở Sơn Đông, Lập Thạch - Vĩnh Phúc, ông thuộc dòng dõi tư đồ Trần Nguyên Đán. Trần Nguyên Hãn là người học rộng tài cao, giỏi binh pháp. Sau khi triều nhà Hồ sụp đổ, Quân xâm lược Nhà Minh, ra sức đàn áp, bóc lột, vơ vét của cải, dầy xéo đất nước ta, khiến cho trăm họ phải lâm vào cảnh lầm than. Trước tính cảnh đó, Trần Nguyên Hãn luôn ấp ủ lòng căm thù giặc, nuôi chí lớn chờ thời cơ để cứu dân giúp nước. Vào một đêm ông đến lễ thần ở đền Bạch Hạc, thấy thần ở đền núi Tản Viên bảo với thần ở núi Bạch Hạc rằng trời đã sai Lê Lợi ở Lam Sơn làm vua nước An Nam, đồng thời ông lại nghe tin Lê Lợi ở Lam Sơn đang chiêu dụng hiền tài để mưu tính khởi nghĩa chống giặc Minh và ông đã tìm vào Thanh Hóa gặp Lê Lợi cùng nhau góp sức mưu tính sự nghiệp giải phóng đất nước. Lê Lợi biết tài lược của ông nên đãi ngộ rất hậu, thường được cùng Lê Lợi bàn mưu kín. Ông là người trải qua rất nhiều trận đánh, luôn lập được công lớn và được phong chức Tư Đồ. Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi theo kế sách của Nguyễn Chích đưa quân đánh thành Nghệ An để xây dựng căn cứ mới, Lê Lợi sai các quân vây thành Nghê An, Lê Lợi nghĩ các xứ Tân Bình, Thuận Hóa với Nghệ An, Đông Đô đã lâu không tin tức, nên sai Trần Nguyên Hãn cùng bọn Thượng tướng Lê Nổ đem hơn một nghìn quân và một thớt voi đi kinh lược. Theo đường núi tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa khi quân tiến đến sông Bố Chính (Sông Danh) ở khoảng giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình thì gặp quân Minh do tướng Nhậm Năng chỉ huy. Trần Nguyên Hãn lập mưu chọn địa hình hiểm yếu, đặt quân mai phục ở Hà Khương dụ chúng vào, tự mình đem một số quân ra giao chiến, tướng Minh là Nhậm Năng dốc hết quân ra đánh, ông giả vờ thua chạy, Nhậm Năng cho quân đuổi theo, quân Minh tuy đông nhưng gặp phục kích bất ngờ lại ở địa hình hiểm yếu, do vậy mà chúng bị chia cắt ra làm đôi, từ đó quân ta phản kích đánh cho chúng thua to, quân giặc bị chém và chết đuối rất nhiều, tuy vậy nhưng lực lượng của địch vẫn đông hơn quân ta gấp bội, Trần Nguyên Hãn phải sai người về cấp báo xin đem quân đến ứng cứu, Lê Lợi sai các tướng Lê Ngân, Lê Bôn đem thuyền đến tiếp viện, quân ta hợp sức đánh chiếm được hai thành Tân Bình và Thuận Hóa, nhân dân hai xứ ấy được giải phóng vui mừng khôn xiết, xin theo nghĩa quân cùng đánh giặc, đồng thời thu được mấy vạn quân tinh nhuệ bổ sung thêm lực lượng cho nghĩa quân, từ đó thế và lực của nghĩa quân ngày càng mạnh.

Năm Bính Ngọ (1426), Lê Lợi tiến quân vây thành Đông Đô, sai Trần Nguyên Hãn lĩnh hơn một trăm thuyền thủy quân theo dòng sông Hát xuống đến Đông Bộ Đầu, (đầu Sông Lê) phá được quân Nhà Minh là Vương Thông, thu được hơn trăm chiếc thuyền và rất nhiều khí giới rồi vây chặt thành Đông Quan. Với những chiến thắng oanh liệt như thế, mùa thu năm Đinh Mùi (1427) ông được thăng Thái Úy rồi cùng Lê Sát đem quân lên phía Bắc đánh thành Xương Giang, bấy giờ bọn chỉ huy Nhà Minh là Kim Dận, để bảo vệ thành Nhà Minh đã điều thêm Lý Nhậm sang tăng cường và cố giữ thành Xương Giang, quân ta và địch đánh nhau đã hơn 6 tháng nhưng chưa hạ được thành. Bình Định Vương Lê Lợi hạ quyết tâm phải hạ thành Xương Giang trước khi viện binh giặc tới. Và Bình Định Vương Lê Lợi đã giao trọng trách lớn lao đó cho Trần Nguyên Hãn, khi vừa mới đến nơi ông liền sai quân lính đào đường ngầm, dùng câu liêm, giáo, nỏ cứng, hỏa tiêu, hỏa pháo kết hợp bốn mặt cùng đánh, trong vòng không đầy một giờ đã hạ được thành, khiến tướng giặc là Kim Dận, Lý Nhậm phải tự sát. Ông thu được vàng lụa, đều đem cho sỹ tốt cả. Vương Thông nghe tin ấy có làm văn tế và hơn 10 ngày sau viện binh của địch do Thôi Tụ cầm đầu đã kéo tới, lúc này thành đã hạ nên chúng rất hoảng hốt, không còn nơi nương tựa. Bình Định Vương Lê Lợi sai Lê Sát đem quân chặn trước và sau. Trần Nguyên Hãn chặn đường tải lương, hai bên hợp lại đánh phá được giặc trận ấy chém được Lương Minh, Thôi Tụ, bắt được Hoàng Phúc và hầu hết quân lính, quân Minh ở thành Đông Quan nghe tin viện binh đã bị diệt phải xin hàng.

Khi Bình Định vương Lê Lợi buộc Vương Thông ký Hoà ước ở phía Nam thành (Đông Quan), trong tờ hòa ước kê tên những người đầu mục cả nước thì tên Trần Nguyên Hãn đứng thứ nhì, liền sau Bình Định Vương Lê Lợi. Qua đó có thể thấy Bình Định Vương Lê Lợi trọng ông như thế nào.

Năm Mậu Thân Thuận Thiên năm thứ nhất (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, Vua đại hội các quan văn võ, luận công ban thưởng cho các tướng lĩnh, phong Trần Nguyên Hãn là tả tướng Quốc, đồng thời ban họ Vua (họ Lê). Ông nói riêng với người thân “nhà vua có tướng Việt Vương Câu Tiển, chỉ có thể chung hoạn nạn, chứ không thể cùng sung sướng được”, ông bèn xin từ quan về hưu, Vua bằng lòng cho, nhưng bảo mỗi năm hai lần phải về chầu. Nhưng Ông là dòng dõi họ Trần, vì thế nên có nhiều nghi kỵ, Ông về quê ở ấp Sơn Đông, ngày tháng sống trong cảnh điền viên, cho xây dựng phủ đệ, đóng nhiều thuyền bè chở binh khí, không giữ gìn hình tích, trong khí đó ở chốn quan trường có nhiều kẻ tâng công rèm phe với ông đã tâu với Vua rằng Trần Nguyên Hãn mưu toan làm phản, Vua đã tin lời và đến một ngày đầu mùa Hạ năm Kỷ Dậu (1429) Vua sai lực sỹ xá nhân đến bắt ông về kinh hỏi tội, khi thuyền đến bến dưới xã Sơn Đông ông khấn trời mà rằng “tôi với vua cùng mưu cứu dân, nay việc nghĩa lớn đã thành, vua lại muốn giết tôi Hoàng Thiên có biết xin soi xét cho” nói xong, bỗng nhiên gió nổi lên lật thuyền 42 lực sỹ xá nhân và ông đều chết đuối cả, chỉ có hai gia đồng của ông trôi vào bờ được thoát chết, Vua xuống chiếu tịch thu tất cả vợ con, ruộng đất, tài sản, của cải của ông. Đến triều vua Lê Nhân Tông năm Diên Ninh thứ hai (1455) nhân đại xá, vua Lê Nhân Tông thương ông vô tội, xuống chiếu trả lại ruộng nương, của cải để nêu gương người có công lao cũ, sau khi ông mất linh hồn của ông cũng trở nên linh thiêng, và dân địa phương đã lập đền thờ hương khói cho ông, hàng năm đều làm lễ cầu đảo. Đến đời nhà Mạc cầm quyền, truy tăng ông là Hữu Tướng Quốc, Trung Liệt Đại Vương, từ đó cho đến nay hương khói không ngừng, dân trong huyện tôn thờ ông làm thần cai quản trong vùng.  


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh