Loading...
ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

DANH TƯỚNG PHẠM VĂN XẢO KHAI QUỐC CÔNG THẦN NHÀ HẬU LÊ


Phạm Văn Xảo quê ở Thăng Long. Hiện nay chưa rõ ông sinh vào năm nào, chỉ biết khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa ở Lam Sơn, Phạm Văn Xảo là một trong số những người đầu tiên hăng hái hưởng ứng. Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Phạm Văn Xảo được Bình Định Vương Lê Lợi trao chức Khu Mật Đại Sứ. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời cầm quân đánh giặc, xông pha chiến trận.

           Phạm Văn Xảo quê ở Thăng Long. Hiện nay chưa rõ ông sinh vào năm nào, chỉ biết khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa ở Lam Sơn, Phạm Văn Xảo là một trong số những người đầu tiên hăng hái hưởng ứng. Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Phạm Văn Xảo được Bình Định Vương Lê Lợi trao chức Khu Mật Đại Sứ. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời cầm quân đánh giặc, xông pha chiến trận.

          Năm 1426, sau khi giải phóng được vùng đất từ Thanh Hóa vào Nam, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định tấn công ra Bắc. Một loạt tướng lĩnh cùng với hơn một vạn quân sỹ được chia làm 3 đạo khác nhau tiến quân ra Bắc.

          Đạo quân thứ nhất gồm hơn 3 ngàn quân và một thớt voi do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí chỉ huy, tiến ra uy hiếp mặt nam của thành Đông Quan, đồng thời sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam sang.

          Đạo quân thứ 2 với hơn 2 ngàn quân và một thớt voi, do các tướng Bùi Bị, Lưu Nhân Chú, Lê Trương và Lê Ninh chỉ huy, đánh vào khu vực hạ lưu sông Hồng và sẳn sàng chặn đánh bọn giặc từ thành Nghệ An và Tây Đô tháo chạy ra Bắc.

          Đạo quân thứ 3 gồm hơn 2 ngàn quân, do tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy. Đạo này cũng tiến ra vùng phía nam của thành Đông Quan, vừa phô trương thanh thế để uy hiếp quân Minh, vừa sẵn sàng phối hợp với các đạo quân để giải phóng vùng đồng bằng và trung du phía Bắc. Đây là đạo quân giữ vai trò tiếp ứng cho đạo quân thứ nhất.

          Đến ngày 12/8 năm Bính Ngọ (1426), đạo quân thứ nhất do các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh khả, Lý Triện, Đỗ Bí chỉ huy đã giành được chiến thắng đầu tiên tại Ninh Kiều. Ninh Kiều là vùng đất có địa hình hiểm trở, rất thuận lợi cho việc bố trí mai phục. Khi vừa bày binh bố trận, tướng quân Phạm Văn Xảo đã tình nguyện dẫn một bộ phận nhỏ đến giả vờ tập kích bất ngờ vào thành Đông Quan. Tướng giặc chỉ huy ở đây là Trần Trí thấy quân của Phạm Văn Xảo quá ít, liền nhất tề xông ra đánh. Phạm Văn Xảo vờ thua và chạy về Ninh Kiều, Trần Trí chủ quan, cứ thế hăng hái đuổi theo, nên chúng bị lọt vào trận địa mai phục. Lúc này quân Lam Sơn xông ra đánh tới tấp, phá tan quân giặc, chém được hơn 2 ngàn thủ cấp, Trần Trí hốt hoảng tháo chạy về Đông Quan.

          Sau trận đánh này, đạo quân thứ nhất đã nhanh chóng biến Ninh Kiều thành căn cứ cho mình. Tuy nhiên, do đạo quân của tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí đến hơi chậm, nên căn cứ Ninh Kiều luôn bị đe dọa, một khi quân giặc có thêm viện binh thì một cuộc tấn công nguy hiểm vào Ninh Kiều bất cứ lúc nào không thể lường trước được. Để đối phó với mọi bất trắc xảy ra, các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất đã quyết định chia lực lượng thành hai bộ phận.

          - Bộ phận thứ nhất do tướng Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy, ở lại bảo vệ căn cứ Ninh Kiều, đồng thời tiếp tục uy hiếp mặt nam của thành Đông Quan.

          - Bộ phận thứ hai do các tướng Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy, dẫn quân vòng lên Tam Giang sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc.

          Vừa tới Tam Giang, Phạm Văn Xảo đã lập được công lớn. Tháng 10 năm 1426, khi Vương An Lão vừa đến Xa Lộc thì Phạm Văn Xảo bất ngờ cho quân xông ra tấn công dồn dập, phá tan quân viện binh, chém hơn một ngàn thủ cấp, Vương An Lão hốt hoảng chạy vào thành Tam Giang cố thủ.

Có thể nói, chiến thắng Xa Lộc vừa có ý nghĩa tiêu diệt sinh lực địch, lại vừa có giá trị vô hiệu hóa viện binh nguy hiểm của Vương An Lão. Khi nhận xét về công lao của Phạm Văn Xảo trong trận đánh này Nguyễn Khắc Thuần có viết: “Ông là linh hồn của trận đánh quyết liệt ở Xa Lộc diễn ra vào tháng 10 năm 1426”(3)

Sau chiến thắng Xa Lộc, một bộ phận lực lượng của Phạm Văn Xảo vẫn tiếp tục ở lại uy hiếp thành Xương Giang, còn Phạm Văn Xảo và phần lớn quân sỹ của ông kéo về Ninh Kiều để phối hợp với quân của Lý Triện và đỗ bí, chuẩn bị ứng phó với tình hình mới. Khi quân của Lý Triện và Đỗ Bí hợp được với quân của Phạm Văn Xảo tưởng chừng sẽ khiến cho tương quan cả thế và lực có sự chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho Lam Sơn, thế nhưng cũng đúng lúc này nhà Minh lại sai viên võ tướng Thành Sơn Hầu là Vương Thông đem 5 vạn quân tiến gấp sang. Lúc này giặc trong thành Đông Quan có sẵn khoảng 3 vạn, giặc từ các thành Diễn Châu, Nghệ An và Tây Đô kéo ra khoảng 2 vạn nữa, nay có thêm 5 vạn viện binh của Vương Thông, tổng cộng quân số của chúng tại thành Đông Quan có khoảng 10 vạn, đột ngột tăng lên gấp bội. Lúc này với sự tăng cường viện binh của giặc đã đặt nghĩa quân Lam Sơn trước một tình thế mới, một thử thách rất gay go và nguy hiểm.

          Vương Thông vừa đến Đông Quan đã lập tức chia quân ra làm 3 mũi, chiếm lĩnh ở 3 vị trí quan trọng: Thanh Oai – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Sa Đôi (thuộc Hà Tây, nay là Hà Nội) và Cổ Sở (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Dự tính sẽ đồng loạt đánh vào Nimh Kiều.

          Về phía Lam Sơn, trước nguy cơ tấn công của quân giặc, tướng Phạm Văn Xảo với cương vị là một trong những tướng chỉ huy cao cấp nhất cùng với các tướng khác đã hoạch định ra một kế sách đối phó với Vương Thông. Kế sách này được vạch ra như sau:

          + Chủ động tấn công vào Thanh Oai, phá tan âm mưu của Vương Thông ngay khi chúng chưa kịp thực hiện.

          + Khi Vương Thông tập trung hết lực lượng về Cổ Sở để tự mình trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào Ninh Kiều, quân Lam Sơn đã kịp thời bí mật rút hết khỏi Ninh Kiều. Cuộc rút lui bí mật này khiến cho Vương Thông một phen vồ hụt, chắc chắn hắn sẽ tức tốc mà truy lùng cho được địa điểm mới của quân Lam Sơn.

          + Khi Vương Thông phát hiện được nơi đóng quân mới của Lam Sơn ở Cao Bộ, một lần nữa các tướng Lam Sơn lại quyết định cho quân bí mật rút khỏi Cao Bộ kéo về mai phục ở Tốt Động – Chúc Động.

          Với trận đánh Tốt Động – Chúc Động đã làm thay đổi hoàn toàn tương quan thế và lực giữa 2 bên. Vương Thông từ vị trí của một viên tướng hung hăng đi cứu nguy, nay đã bị trọng thương và trở thành kẻ kêu cứu. Đây chính là thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, của những vị tướng tài ba dũng mãnh đầy mưu trí, trong đó vai trò của Phạm Văn Xảo là không nhỏ.

          Đến cuối năm 1427, nhà Minh quyết định đưa 15 vạn quân sang cứu nguy cho Vương Thông. 15 vạn quân này chia làm 2 đạo: Đạo thứ nhất gồm 1 vạn quân do Tổng binh Liễu Thăng chỉ huy, tiến vào nước ta từ Lạng Sơn. Đạo quân thứ 2 gồm 5 vạn quân do Phó tổng binh Mộc Thạnh chỉ huy, tiến vào nước ta theo đường Cao Bằng, Tuyên Quang.

          Về phía Lam Sơn, để chặn quân viện binh tiếp ứng cho Đông Quan, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất vào việc tiêu diệt viện binh, quyết tâm bóp nát toàn bộ đạo quân do Liễu Thăng chỉ huy không cho phép chúng có thể vượt qua vùng trung du phía bắc để phối hợp với Vương Thông ở Đông Quan.

          Muốn thực hiện được quyết tâm lớn này, trước hết bằng mọi cách phải chặn đánh được lực lượng quân của Mộc Thạnh. Đạo quân này tuy nhỏ nhưng với sự chỉ huy của một viên lão tướng dày dặn kinh nghiệm trận mạc, đã từng được triều đình nhà Minh phong tới tước Kiềm Quốc Công.

          Để sẳn sàng đối phó với quân viện binh của nhà Minh, ngay từ khi vừa nghe tin quân viện binh của giặc sẽ tràn sang, Lê Lợi sai Phạm Văn Xảo cùng với Lê Khả đem quân lên ải Lê Hoa giữ chỗ hiểm để chặn đánh quân giặc. Khi quân Mộc Thạnh tới nơi, Ông và Trịnh Khả cho thu quân lại cố thủ, chống nhau với giặc. Liễu Thăng từ đường Quảng Tây kéo qua Lạng Sơn, bị quân ta tập kích đánh cho tan tành.

          Sau trận đại thắng ở Chi Lăng – Xương Giang, Lê Lợi sai người đem ấn tín và những thứ bắt được của Liễu Thăng lên ải Lê Hoa để uy hiếp tinh thần của Mộc Thạnh. Vừa nhìn thấy, Mộc Thạnh đã vô cùng hoảng sợ, bỏ chạy. Phạm Văn Xảo cùng Trịnh Khả thừa thế khi bọn chúng hoang mang tung quân ra đánh, phá tan quân địch ở Lãnh Cầu, Đan Xá, chém được hơn 1 vạn tên địch, bắt sống hơn 1.000 người và ngựa, thu được rất nhiều quân nhu khí giới. Mộc Thạnh một người một ngựa bỏ cả quân sỹ dưới quyền mà chạy thoát thân. Hai đạo cứu binh của giặc bị nghĩa quân Lam Sơn đánh cho tan rã, đập tan hi vọng cuối cùng của Vương Thông. Quân Minh chỉ còn con đường duy nhất là quỳ gối đầu hàng, rút quân về nước. Thiên hạ từ đây thái bình.

          Sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), trong buổi luận công ban thưởng, Phạm Văn Xảo được ban quốc tính mang họ Vua, được ban hàm Thái Bảo. Tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), khắc biển ghi tên công thần, Ông được xếp vào hàng thứ 3 trong bảng danh sách các công thần khai quốc, được phong hàm Thái Phó, tước Huyện Thượng Hầu. Chỉ tiếc rằng, Ông chưa được hưởng lộc vua ban thì đã bị gièm pha, rồi bị giết hại và tịch thu điền sản. Đến năm Diên Ninh thứ nhất (1454), vua Lê Nhân Tông đại xá, trả lại điền sản cho con cháu ông. Đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Lê Thánh Tông truy phong là Thái bảo Thắng Quận Công.

          Có thể nói, Phạm Văn Xảo vừa công thần khai quốc, vừa là một vị tướng tài ba dũng mảnh có nhiều công lao trong việc đánh giặc mở nước

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2.

2. Đại Việt thông sử - Lê Qúy Đôn, tập 2.

3. Danh tướng Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần, tập 2.

4. Khởi nghĩa Lam Sơn - Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn


Audio Guide

ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh