Khu di tích Lam Kinh

Loading...

Nguyễn Nhữ Lãm - Từ một tướng vận chuyển quân lương trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đến một nhà ngoại giao xuất sắc nhà Hậu Lê

Sách “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép: Ông là Người huyện Lôi Dương, thờ Lê Thái Tổ hơn 10 năm, nếm trải gian lao nguy hiểm. Năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), sang cầu phong nhà Minh. Khi trở về, lại sang sứ Chiêm Thành, trách hỏi về việc không theo chức cống, vua Chiêm phải vâng nhận ngay. Khi mất, được tặng chức Thái bảo Thành Quốc công.

Theo tài liệu còn lưu của dòng họ Nguyễn Mậu ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân,  Nguyễn Nhữ Lãm sỉnh ra trong một gia đình cha là công thần làm quan dưới thời Trần ở xã Vân Xá, huyện Thanh Liên, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Lớn lên, ông có dáng người cao đen, học giỏi lại có tài biện luận, gặp lúc vận nước suy, quân Minh xâm lược, muốn tìm nơi ẩn thân dấu tiếng, nghe nói ở đất Lam Sơn xứ Thanh Hoa có hào trưởng Lê Lợi, mấy lần quân Minh trao cho quan chức mà không nhận. Nhữ Lãm cho đây là bậc hào kiệt nên bí mật đem cả gia đình từ trấn Sơn Nam vào dựng nhà mở trại tại làng Thịnh Mỹ (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) làm nơi cư trú, kiếm kế sinh nhai bằng nghề chài lưới để tìm chân chúa.

Khi Lê Lợi dấy nghĩa hưng binh, Nguyễn Nhữ Lãm là một trong số 51 tướng lĩnh đứng dưới cờ Bình Định Vương. Mặc dù ông không trực tiếp xông pha chiến trận như các tướng văn, tướng võ khác, mà chuyên phụ trách đội quân thuyền chài vận tải tiếp tế binh lương, khí giới từ hậu phương ra mặt trận, góp phần vào chiến thắng chung của cả nghĩa quân.

Theo sách Lam Sơn thực lục: Lúc chưa khởi nghĩa, phản thần có tên là Ái cấu kết với tên quan huyện Đỗ Phú dẫn giặc Minh đào mã Phật Hoàng, lấy linh xa treo ở sau thuyền, hẹn với Vua là nếu đến hàng thì sẽ trọng thưởng. Vua bèn sai công thần là Nguyễn Nhữ Lãm, Trương Lôi, Trịnh Khả… tất cả 14 người đội cỏ gai bơi xuôi theo dòng nước, từ thượng lưu xuống. Đang đêm, đến phường Cửu Sông, lấy trộm lại được hài cốt linh xa đem về, cùng Vua bí mật chôn cất ở động Chiêu Nghi như cũ.

Lúc mới khởi sự, lực lượng của nghĩa binh không nhiều, chỉ vài trăm nghĩa quân phải đương đầu với gần 5 vạn tên địch cùng hàng trăm voi ngựa chiến. Trong tình thế hiểm nghèo, chỉ trong năm 1418, nghĩa quân phải hai lần rút lên núi Chí Linh ẩn náu để bảo toàn lực lượng. Tại đây, “lương hết mấy tuần” phải ăn măng và củ rừng, vua đành giết voi và ngựa mình cỡi để làm thức ăn cho binh lính. Sách khởi nghĩa Lam Sơn có viết: “Tướng Nguyễn Nhữ Lãm được lệnh của Lê Lợi trở về làng quê, tìm cách tổ chức tiếp tế lương thực và mắm muối lên Chí Linh”(1).

Đến khi cuộc kháng chiến lan rộng ra toàn quốc, Nguyễn Nhữ Lãm được Lê Lợi giao nhiệm vụ sang thuyết phục vua Lào, được vua Lào đem voi, ngựa giúp nghĩa quân. Lúc bấy giờ giặc Minh còn xúi dục vua Chiêm Thành tấn công nước ta ở phía Nam, Ông được Lê Lợi phái sang nước Chiêm để đàm phán, ngăn chặn âm mưu của địch, nước Chiêm nghe theo. Từ đó cả phía nam và phía tây được yên ổn, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn có điều kiện tập trung toàn lực lượng tiến quân ra bắc giải phóng hoàn toàn đất nước.

Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, vương triều Hậu Lê được thiết lập, trong buổi bình công phong tặng chức tư­ớc, vua Lê Thái Tổ ban cho Nguyễn Nhữ Lãm quốc tính (mang họ vua), vinh thăng Thôi Trung Phụ Quốc công thần, Nhập nội Thượng thư­ lệnh. Là một trong 14 người  được phong tước Đình Thượng hầu, có tên trong danh sách 93 người là khai quốc công thần nhà Hậu Lê.

Nguyễn Nhữ Lãm không chỉ có những đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành toàn thắng, trong thời bình Ông còn là một trong những đại thần có đóng góp lớn trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: Năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Vua sai chánh sứ Lê Nhữ Lãm, phó sứ Lại bộ thượng thư Hà Lật và Lê Bính sang nhà Minh cầu phòng… Vua Minh bằng lòng, sai sứ mang ấn sắc sang phong cho Lê Lợi là “An Nam Quốc Vương”, thừa nhận Đại Việt là một Quốc gia độc lập. Đây là một thắng lợi của vua tôi nhà Lê. Sau sự kiện này, Nguyễn Nhữ Lãm được Thái Tổ Cao Hoàng đế thăng Hữu bộc xạ - một chức quan đại thần tham dự triều chính, hàm ngang Thượng thư. Vua còn ban cho Nguyễn Nhữ Lãm chữ “Mậu” (hàm ý muốn nói dòng họ tốt tươi, sự nghiệp thịnh vượng). Từ đó dòng họ Nguyễn Mậu ra đời.

Đến đời Lê Thái Tông, năm Ất Mão, Thiệu Bình thứ 2 (1435), vua Thái Tông sai Nguyễn Nhữ Lãm sang sứ Chiêm, “trách hỏi về việc không theo chức cống, vua Chiêm phải vâng nhận ngay”(2). Đây cũng là một đóng góp không nhỏ của Nguyễn Nhữ Lãm trong việc bình thường hóa mối quan hệ với Chiêm Thành, củng cố thêm uy tín của vương triều Lê đối với các nước láng giềng.

Trong thời gian này, vua Lê Thái Tông còn sai “Nguyễn Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ Thái mẫu”(3). Như vậy, ông không chỉ là một nhà ngoại giao đại tài, mà còn là một kiến trúc sư giỏi được triều đình coi trọng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhà nư­ớc Đại Việt vững mạnh ở thế kỷ XV. Lúc mất năm (1437), ông đang giữ trọng trách Thượng thư­ lệnh, Tham Tri Chính sự, Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch sự, tư­ớc Đình Th­ượng hầu. Do có công lao, ông đã đ­ược truy tặng Nhập Nội Thái Bảo, thuỵ là Trung Tín, tước Thành Quốc Công. Đến đời vua Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ 15 (1448), ông lại được truy phong Khang Tế hầu.

Khai quốc công thần Nguyễn Nhữ Lãm sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Người con cả là Nguyễn Lỗi theo cha tham gia cuộc khởi nghĩa từ những ngày đầu, là khai quốc công thần nhà Hậu Lê, được phong Đình thượng hầu, mang họ Vua, làm đến chức Thái phó thanh quận công Đại tư đồ phò mã. Ngày nay các chi ở Thanh Hóa và Thái Bình là hậu duệ của ngài.

Người con trai thứ hai là Nguyễn Quang Phục, làm Bình Nam đại tướng quân, trấn giữ miền Hà Tĩnh, các chi ở Quảng Ngãi, Hà Tĩnh là hậu duệ của ông.

Người con thứ 3 là Nguyễn Quang Lộc, làm Trấn đông Đại tướng quân, hiệu An Lạc, các chi Quảng Xương là hậu duệ của ông.

Sau khi Nguyễn Nhữ Lãm mất, nhà vua sắc dụ cho dân ph­ường Đa Mỹ cùng các làng lân cận của ba tổng Diên Hào, Bất Náo, Kiên Thạch và con cháu dòng họ Nguyễn Mậu an táng và xây đền thờ, lăng mộ ở chính quê ông. Hàng năm, vào ngày húy kỵ của Ngài (23 tháng 5 âm lịch), con cháu dòng họ Nguyễn Mậu trên cả nước lại nô nức về quê hương đất tổ - nơi lăng mộ và đền thờ Ông để thắp nén hương thơm tri ân tưởng nhớ đến vị tiên tổ đã có công với dòng tộc, với đất nước./.

Chú thích:

1. Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005, tr.159

2. Đại Nam nhât thống chí,  Nxb Lao động, Hà Nội - 2012, tr.988

3. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khao học - xã hội năm 2009, tập 2, Tr 339

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005

2. Lê Qúy Đôn, Đại Việt thông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1978, tr.156  

3. Lam Sơn thực lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 2006, tr 192

4. Lịch sử Thanh Hóa, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, năm 2002

5. Di tích và Danh thắng Thanh Hóa, tập 4, Nxb Thanh Hóa, năm 2006, tr.183

6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhât thống chíNxb Lao động, Hà Nội - 2012, tr.988

Bài & ảnh : Trần Thị Chung

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    [email protected]

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh