Khu di tích Lam Kinh

Loading...

Dòng người đổ về Lam Kinh lễ đầu năm Nhâm Dần

        Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962, tiếp đó, năm 2013, Khu Di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV.

        Mặc dù, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng những ngày qua, hàng nghìn người dân, du khách thập phương đã đến Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh để du xuân, lễ đầu năm, dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi cũng như nhiều vị vua, gia tộc họ Lê...

 

       Theo ghi nhận, trong sáng ngày 6.2 (tức mùng 6 tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022), thời tiết se lạnh, trời không mưa rất thuận lợi cho các hoạt động dâng hương, tham quan các công trình kiến trúc tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Càng về trưa, dòng người hướng về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh ngày càng đông.

 

 

         Thời gian qua, Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã tăng cường nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh Khu di sản Lam Kinh xanh-sạch-sáng, đồng thời, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý di tích Lam Kinh đã bố trí các điểm rửa tay, sát khuẩn cũng như hướng dẫn người dân, du khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

 

 

Được biết, để góp phần nâng cao các hình thức quảng bá về di tích đến với nhiều đối tượng du khách, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã lắp đặt, hoàn thiện hệ thống biển chỉ dẫn trong khu di tích và vận hành hiệu quả phần mềm thuyết minh tự động. Đây cũng là điểm di tích đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động.

 

            “Hiện nay số lượng thuyết minh viên tại điểm còn hạn chế, nên việc đưa vào sử dụng công nghệ thuyết minh tự động là những giải pháp tuyên truyền mới, thuận tiện cho du khách trong việc chủ động khám phá, tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của di tích Lam Kinh”, chị Hoàng Thị Hiền, thuyết minh viên tại di tích Lam Kinh chia sẻ.

 

            Bà Bùi Ánh Tuyết, phó trưởng ban quản lý di tích Lam Kinh, cho biết, trong các ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết đã có khoảng 15 nghìn lượt du khách đến Lam Kinh tham quan. Đặc biệt, đầu năm nhâm dần 2022, Ban Quản lý di tích Lam Kinh đã đưa vào sử dụng phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến thời Lê sơ, phòng trưng bày có diện tích 200m2, giới thiệu gần 300 hiện vật gốc, được phát hiện trong 7 đợt khai quật khảo cổ học tại di tích (từ 1996-2004) tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, gồm vật liệu kiến trúc xây dựng điện miếu Lam Kinh (thế kỷ XV đến thế kỷ XVII) và nhiều đồ sứ quý hiếm ngự dụng trong cung đình xưa.

 

 

             Cũng theo bà Tuyết, đến nay có khoảng 21 hạng mục công trình (gồm Chính điện Lam Kinh và các lăng mộ, nhà bia, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên...) đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng được huy động từ ngân sách và các nguồn xã hội. Qua đó, góp phần giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Việt Nam, nơi đây cũng là điểm tham quan đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.

                                                                                                              NGUYỄN LINH

                                                                                                                                                                                                           Nguồn văn hoá

                                           

TIN TỨC KHÁC

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    [email protected]

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh